Các thành viên của NAPAS đẩy nhanh thanh toán không tiền mặt
Hơn 60 TCTV của NAPAS tham dự trình hội nghị. Đây là dịp NAPAS tổng kết các hoạt động chính trong năm 2022 và một số kết quả tiêu biểu đã đạt được thông qua sự phối hợp chặt chẽ với các TCTV.
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2022 là năm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch. NAPAS đã chủ động phối hợp với các ngân hàng, công ty tài chính, trung gian thanh toán và đối tác để phát triển và cung cấp các dịch vụ thanh toán trong thông qua thẻ, tài khoản ngân hàng, mã phản hồi nhanh (QR Code), ví điện tử, Mobile Money,..; góp phần đa dạng hóa các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt cũng như thúc đẩy sự tăng trưởng nhanh chóng của hoạt động thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Theo NAPAS, tổng số lượng và giá trị giao dịch qua hệ thống tăng trưởng 92% về số lượng giao dịch và 83% về giá trị giao dịch so với năm 2021. Số người sử dụng dịch vụ thẻ tăng trưởng 93% và người dùng tài khoản tăng 174% so với 2021. Đáng chú ý, tỉ trọng giao dịch rút tiền mặt trên tổng số lượng giao dịch xử lý qua hệ thống NAPAS tiếp tục giảm từ 12,1% trong năm 2021 xuống mức 6,9% trong năm 2022; tỉ trọng giao dịch thanh toán thẻ nội địa tiếp tục tăng từ 29% trong năm 2021 lên 32% của năm 2022.
Xu hướng của người dân ngày càng quen và ưa chuộng thanh toán bằng thẻ nội địa thay cho việc rút và sử dụng tiền mặt. Theo đó, NAPAS đang đặt mục tiêu không ngừng triển khai mở rộng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán hiện đại đáp ứng nhu cầu thanh toán cho người dân, doanh nghiệp và hỗ trợ nền kinh tế. Cụ thể, trong năm 2022, NAPAS đã phối hợp các TCTV triển khai nhiều dự án mới, trong đó tiêu biểu như: Ra mắt dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 giữa tài khoản thanh toán tại ngân hàng và tài khoản Mobile Money của 2 nhà mạng Viettel và VNPT.
Đồng thời mở rộng dịch vụ Chuyển nhanh NAPAS 247 bằng mã VietQR với 41 TCTV; mở rộng dịch vụ thanh toán vé điện tử Vinbus lên 20 TCTV; mở rộng dịch vụ thanh toán bằng mã VietQR trên Cổng dịch vụ công Quốc gia lên 17 TCTV. Cũng trong năm 2022, NAPAS đã tích cực đẩy mạnh các dự án kết nối quốc tế trong bối cảnh kích cầu du lịch và thương mại quốc tế sau dịch như: Mở rộng kết nối chuyển mạch quốc tế với BC Card Hàn Quốc; Kết nối thanh toán QR với Thái Lan...
Báo cáo tại hội nghị, NAPAS đã thực hiện tốt việc bảo đảm hoạt động liên tục và an toàn trong mọi thời điểm, kể cả khi số lượng giao dịch có sự gia tăng đột biến vào một số dịp cao điểm trong năm. NAPAS và các TCTV đã liên tục nghiên cứu và áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ (SLA) và đạt mức 99,99%. Song song với các hoạt động nói trên, NAPAS đã triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các TCTV thông qua các chương trình giảm phí với tổng ngân sách giảm lên tới hơn 1.700 tỷ đồng.
Đánh giá tại Hội nghị, ông Nguyễn Quang Hưng – Chủ tịch HĐQT NAPAS cho biết: Trong thời gian qua, sự hợp tác bền chặt của các TCTV là yếu tố quan trọng mang lại thành công chung cho sự phát triển của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. Thời gian tới, NAPAS sẽ tiếp tục nỗ lực nhiều hơn nữa để mang đến những dịch vụ thanh toán đơn giản và thuận tiện phục vụ cho người dân trên khắp mọi miền của Tổ quốc, góp phần hoàn thiện nền tảng thanh toán số.
Cũng tại Hội nghị, NAPAS đã vinh danh các ngân hàng thành viên đã có những đóng góp tiêu biểu trong năm vừa qua. Trong đó, giải Ngân hàng xuất sắc nhất năm đã thuộc về Vietcombank với những đóng góp lớn cho hệ thống và mạng lưới; giải Ngân hàng tiêu biểu của năm thuộc về MB, Techcombank, VietinBank với tổng số lượng và giá trị giao dịch lớn…
Nam Phương