Các Sở GD-ĐT muốn tự tổ chức thi tốt nghiệp
Ngày 16-8, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga đã trao có cuộc trao đổi với báo chí ngay sau khi kết thúc đợt 1 xét tuyển vào các trường ĐH.
- Phóng viên: Thưa Thứ trưởng, rõ ràng xã hội đã thở phào nhẹ nhõm khi đợt 1 xét tuyển vào ĐH năm nay kết thúc. Tuy nhiên vẫn có ý kiến cho rằng, còn nhiều giải pháp tuyển sinh khác có thể đem lại kết quả tốt hơn nữa. Vậy, đâu là lý do để Bộ GD-ĐT quyết định chọn phương án như năm nay?
+ Thứ trưởng Bùi Văn Ga: Chúng tôi đã bàn và áp dụng nhiều giải pháp. Việc công khai thông tin đăng ký xét tuyển cho thí sinh biết để rút/nộp hồ sơ như đã áp dụng năm 2015 là giải pháp có lợi cho cả thí sinh lẫn nhà trường. Song giải pháp này buộc thí sinh phải theo dõi thông tin, gây áp lực tâm lý căng thẳng mà chính dư luận xã hội đã phản ứng, không đồng tình.
Giải pháp thứ hai là xét tuyển chung trong cả nước, thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào nhiều trường theo thứ tự ưu tiên và chạy phần mềm xét tuyển chung. Giải pháp này lý tưởng, quyền lợi thí sinh được đảm bảo tối đa, không áp lực tâm lý và các trường cũng không có thí sinh ảo.
Bộ đã đưa ra thảo luận giải pháp này 2 năm nay nhưng nhiều trường không đồng tình vì mỗi trường đều muốn tự chủ xử lý cụ thể vấn đề tuyển sinh của trường mình.
Phương án tuyển sinh năm nay một mặt vẫn đảm bảo quyền lợi của thí sinh và mặt khác giúp các trường giảm bớt khó khăn khi thực hiện tự chủ tuyển sinh, năm 2016 Bộ đã áp dụng giải pháp trung gian. Với giải pháp này quyền lợi của thí sinh được đảm bảo và tỉ lệ ảo của các trường ở mức có thể chấp nhận được.
- Thưa Thứ trưởng, thực tế các trường vẫn có khó khăn trong việc tiên lượng được số thí sinh ảo để xác định điểm chuẩn phù hợp. Bộ có xử lý các trường hợp tuyển vượt chỉ tiêu?
+ Để đảm bảo quyền lợi của thí sinh thì các trường phải chấp nhận ảo. Không phải ở nước ta mà ở các nước phát triển, các trường cũng phải chấp nhận thực trạng này trong tuyển sinh.
Thống kê tại thời điểm chốt cơ sở dữ liệu để các trường tải dữ liệu về xét tuyển cho thấy đã có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường. Như vậy, có khoảng 75% thí sinh đăng ký xét tuyển cùng lúc vào hai trường trong đợt 1. Thí sinh ảo là tất yếu.
Bộ đã yêu cầu các trường không được tuyển sinh vượt quá chỉ tiêu đã công bố để một mặt đảm bảo chất lượng đào tạo và mặt khác không gây khó khăn về nguồn tuyển đối với các trường khác. Các trường tự chủ lựa chọn phương án xét tuyển thì đương nhiên phải chịu trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh hiện hành trong đó có quy định không được tuyển vượt chỉ tiêu.
- Bộ có lưu ý gì đối với các trường và thí sinh trong các đợt xét tuyển bổ sung sắp tới, thưa Thứ trưởng?
+ Đối với thí sinh đã trúng tuyển vào ĐH, CĐ đợt 1 phải nhanh chóng nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường mình quyết định nhập học. Thời hạn cuối nộp giấy này là hết ngày 19-8. Sau thời hạn trên, thí sinh nào không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi thì xem như không chấp nhận vào học tại trường và nhà trường sẽ gọi thí sinh bổ sung. Ngay cả khi thí sinh trúng tuyển vào một trường cũng phải nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học. Thí sinh có thể nộp qua đường bưu điện bằng thư phát chuyển nhanh hay nộp theo phương thức khác do trường quy định.
Đối với những thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 (hay thí sinh trúng tuyển nhưng không nộp Giấy chứng nhận kết quả thi cho trường) theo dõi thông tin tuyển sinh bổ sung trên các trang thông tin điện tử của các trường. Sau ngày 19-8 các trường thống kê số lượng thí sinh chính thức nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để công bố chỉ tiêu xét tuyển bổ sung vào các ngành cũng như điều kiện nhận đăng ký xét tuyển. Do có thí sinh ảo nên nhiều ngành tuy có số lượng thí sinh đăng ký nhiều trong đợt 1 vẫn có thể tuyển chưa đủ chỉ tiêu. Do vậy thí sinh chưa trúng tuyển vẫn còn nhiều cơ hội được xét tuyển vào các ngành/trường mà mình yêu thích.
- Thưa Thứ trưởng, bên cạnh thành công vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn về việc tổ chức kỳ thi hai mục đích như hiện nay. Vậy năm 2017, hướng dự kiến của Bộ về kỳ thi và tuyển sinh sẽ như thế nào?
+ Mặc dù nỗ lực đổi mới thi tuyển sinh tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ghi nhận, nhưng đúng là vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Băn khoăn phổ biến nhất là khó có thể đạt được hai mục đích một cách trọn vẹn với một kỳ thi như hiện nay vì yêu cầu của xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ khác nhau. Thứ hai, xã hội băn khoăn rằng trên thực tế chỉ có khoảng 60-70 trường ĐH có tính cạnh tranh cao trong tổng số gần 450 trường ĐH, CĐ, vậy có cần thiết tổ chức thi chung để phục vụ tuyển sinh cho tất cả các trường? Thứ ba, nhiều người cũng đặt vấn đề có nên tiếp tục tổ chức thi theo kiểu truyền thống như hiện nay hay chuyển sang phương thức thi hiện đại hơn theo hướng tiếp cận đánh giá năng lực của thí sinh với sự hỗ trợ của công nghệ thông tin?
Đến thời điểm này, Bộ đã nhận được văn bản của các Sở GD-ĐT, các trường ĐH, CĐ đề xuất phương án thi/xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ chính quy cho năm 2017 và những năm tiếp theo. Thống kê sơ bộ thì nhiều Sở GD&ĐT muốn được chủ động tổ chức thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT, trong khi đó các trường ĐH muốn được tự chủ trong tuyển sinh vào trường mình. Bộ đã thành lập Tổ công tác để nghiên cứu, đánh giá, xây dựng phương án tối ưu nhất và sẽ sớm công bố vào đầu năm học tới.
Nguồn NLĐ