Các môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới có "diện mạo" ra sao?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống – Chủ biên môn Ngữ văn cho hay: “Liên quan tới đánh giá thi cử, đúng là đánh giá phải thay đổi. Môn ngữ văn mới mở độ rộng cho giáo viên tự chủ, tự chọn, tự sáng tạo. Để ứng với chuyện chương trình mở như thế, yếu tố quan trọng nhất chính là chuẩn chương trình và yêu cầu cần đạt được của chương trình chứ không căn cứ vào bất cứ SGK nào.
Nhất là khi chúng ta chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK. Người ra đề sẽ căn cứ vào yêu cầu cần đạt để chọn những văn bản phù hợp, có thể không có trong SGK. Chúng ta cần dạy cho học sinh cách đọc văn bản. Như vậy, hoàn toàn có thể đo được năng lực vận dụng thực hành từ các lí thuyết đã được học để giải quyết một tình huống mới
Ví dụ học cách phân tích 1 truyền thuyết, có thể dạy 1 truyện Thánh Gióng nhưng các em có thể vận dụng vào phân tích 1 truyền thuyết khác tương tự”.
Cũng tại buổi họp báo, GS.TS Mai Sỹ Tuấn- Chủ biên môn Khoa học Tự nhiên cho hay: “Chương trình lần này xây dựng từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực. Chúng ta nhấn mạnh đến phát triển năng lực và tích hợp vấn đề để hs giải quyết những vấn đề thực tiễn tốt hơn.
Nếu tách Vật lý – Hóa học – Sinh học thì khi giải quyết một cấn đề thực tiễn sẽ không toàn vẹn. Vì vậy đây là một môn học chứ không phải tách ba môn riêng rẽ. Dạy học môn Khoa học tự nhiên chủ yếu sử dụng các phương pháp dạy học tích cực, trong đó giáo viên đóng vai trò tổ chức, hướng dẫn hoạt động cho học sinh, tạo môi trường học tập thân thiện và những tình huống có vấn đề. Học sinh học môn này từ tiểu học lên các cấp trên nên sẽ rất thuận lợi.
GS.TS Mai Sỹ Tuấn |
Khi xây dựng môn học, tất nhiên chúng tôi cũng đã tính đến những khó khăn trong nhà trường như: Giáo viên đã quen với dạy các môn học riêng rẽ nên bây giờ dạy kiến thức rộng hơn sẽ khó khăn, cơ sở vật chất các nhà trường còn nghèo nàn.
Tuy nhiên, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi vì nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay cũng dạy tích hợp nên chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm. Xu hướng trên thế giới chuyển từ tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực. Chúng ta nhấn mạnh phát triển năng lực thì phải trả lời câu hỏi học sinh học xong thì làm được gì chứ không phải là học được gì.
Chúng ta phải đặt ra nguyên tắc xây dựng chương trình thế nào để đáp ứng được nhu cầu, tận dụng được cơ sở vật chất hiện có của nhà trường, chúng tôi đã xây dựng môn học với mức tích hợp vừa phải để những gv dạy Vật Lý có thể dạy một số nội dung nhất định của Sinh học.
Về lâu dài Bộ GD&ĐT cũng có chuẩn bị cho công tác tập huấn của giáo viên".
PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa - Chủ biên hoạt động trải nghiệm cho hay: “Tổ chức hoạt động trải nghiệm trong chương trình phổ thông mới sẽ là hoạt động bắt buộc trong nhà trường với nhiều hình thức: Trong lớp, ngoài lớp, trong trường và ngoài trường để trải nghiệm cho các em hình thành năng lực phẩm chất”.
Khi PV thắc mắc, với những hoạt động trải ngiệm trong và ngoài nhà trường sẽ dẫn đến tình trạng thu thêm thì PGS.TS Đinh Thị Kim Thoa cho hay: Chúng tôi cũng đã tính đến khả năng này vì thế yêu cầu mọi thứ trong nhà trường phải làm công khai, minh bạch. Đồng thời, các nhà trường phải là tốt công tác xã hội hóa để cả cộng đồng cùng chung tay với nhà trường tổ chức tốt cho học sinh".