Các cơ quan công an phối hợp như thế nào để phòng, chống buôn bán người?
Đại tá Trần Mười cho biết: "Ban Chủ nhiệm Đề án có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và Quy chế hoạt động của Ban chủ nhiệm Đề án”. |
Đại tá Trần Mười cho biết, đề án thực hiện chương trình sẽ kiện toàn Ban chủ nhiệm Đề án và ban hành Quy chế hoạt động của Ban chủ nhiệm ở cấp Trung ương và địa phương. Ban này sẽ do một đồng chí lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an làm Chủ nhiệm, đồng chí Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự làm Phó Chủ nhiệm thường trực, đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục thuộc Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan là thành viên Ban chủ nhiệm.
Tại địa phương do một đồng chí Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương làm Chủ nhiệm, đồng chí Trưởng phòng Cảnh sát hình sự làm Phó ban thường trực; đại diện lãnh đạo các đơn vị, sở, ngành liên quan là thành viên Ban chủ nhiệm.
Ban Chủ nhiệm Đề án có trách nhiệm chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người; ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và Quy chế hoạt động của Ban chủ nhiệm Đề án.
Bên cạnh đó, đại tá Trần Mười cũng chia sẻ: “Bộ Công an (Tổng cục Cảnh sát) là cơ quan chủ trì thực hiện Đề án 2 và Tiểu Đề án 1 giao Cục Cảnh sát hình sự là cơ quan thường trực, có trách nhiệm tham mưu cho Ban chủ nhiệm Đề án xây dựng các nội dung, chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án giai đoạn 2016 - 2020".
C45 có nhiệm vụ tiến hành các hoạt động tổng hợp, báo cáo kết quả, sơ tổng kết, giao ban, đánh giá công tác thực hiện đề án, giúp Ban chủ nhiệm Đề án theo dõi, phân bổ kinh phí thực hiện đề án. Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo lực lượng Cảnh sát hình sự, Công an các địa phương phát hiện, điều tra, xử lý các vụ án mua bán người theo quy định của pháp luật, tham mưu cho Ban Giám đốc tổ chức thực hiện Đề án 2 tại địa phương.
Các nạn nhân trong đường dây buôn bán người được cơ quan công an giải cứu. |
Theo đại tá Trần Mười, Tổng cục Cảnh sát chỉ đạo các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ như: Cục tham mưu Cảnh sát (C42), Cục Chính trị Cảnh sát (C43), Cục Hậu cần Cảnh sát(C73), Cục Cảnh sát truy nã tội phạm(C52), Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C64) và phối hợp với các đơn vị: Cục Đối ngoại (V12), Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (V19), Cục quản lý xuất nhập cảnh(A72), Cục Tình báo phản gián ở nước ngoài (B34) có trách nhiệm thực hiện Đề án 2 theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an và sự phân công của Ban chủ nhiệm Đề án, lồng ghép công tác phòng, chống tội phạm mua bán người với việc thực hiện chức năng chuyên môn của cơ quan, đơn vị mình.
Bộ Quốc phòng (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) chủ trì thực hiện Tiểu đề án 2, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thường trực Ban Chủ nhiệm Đề án xây dựng và tiến hành các hoạt động của Đề án 2/CT130/CP. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ nắm tình hình.
Phối hợp các lực lượng chức năng tiến hành các hoạt động phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mua bán người khu vực biên giới, biển, hải đảo, và các chức năng khác đã được quy định trong Chương trình 130/CP như tiếp nhận, bảo vệ nạn nhân, phát hiện, thu thập chứng cứ, tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu theo luật định, phối hợp với Công an, Biên phòng Trung Quốc, Campuchia, Lào trong phòng, chống tội phạm mua bán người qua biên giới.
Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ Thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội) chủ trì thực hiện Tiểu Đề án 3. Thực hiện việc thống kê tội phạm mua bán người; Chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp kịp thời nghiên cứu, phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật; Phối hợp thu thập, đánh giá chứng cứ, thống nhất quan điểm, xử lý nhanh chóng, dứt điểm các vụ án mua bán người.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng, chống tội phạm buôn bán người, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử đồng thời bảo vệ nạn nhân bị mua bán. Thực hiện công tác tương trợ tư pháp trong giải quyết các vụ án mua bán người.
Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Giám đốc kiểm tra án hình sự và hành chính) phối hợp Viện Kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện Tiểu Đề án 3. Chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xét xử các vụ án mua bán người đảm bảo nghiêm minh, không oan sai, đặc biệt các vụ án điểm gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và bức xúc trong đời sống xã hội.
Kịp thời đưa ra xét xử công khai, lưu động nhằm giáo dục, răn đe người phạm tội và phục vụ công tác tuyên truyền. Thông qua công tác xét xử phát hiện phương thức thủ đoạn phạm tội, những kẽ hở, bất cập, những vấn đề chưa hoàn thiện của các văn bản pháp luật nhằm kiến nghị bổ sung, chỉnh lý.
Bộ Ngoại giao (Cục Lãnh sự) tham gia phối hợp với Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện theo chức năng, chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng nước sở tại, các tổ chức quốc tế, phối hợp về mặt ngoại giao với các cơ quan chức năng trong nước nhằm nắm tình hình có liên quan đến mua bán người.
Xác minh, giải cứu, bảo hộ và hồi hương nạn nhân bị mua bán. Phối hợp về mặt ngoại giao các cơ quan chức năng trong nước tiến hành các hoạt động xác minh, bắt giữ, giải cứu nạn nhân tại nước ngoài. Các Bộ, ngành khác có trách nhiệm phối hợp thực hiện Đề án theo Quyết định số 2546/QĐ - TTg ngày 31/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
Công an tỉnh, thành phố là cơ quan chủ trì Đề án ở cấp địa phương, Phòng Cảnh sát hình sự là đơn vị thường trực Đề án tại các địa phương, có trách nhiệm tham mưu giúp Ban chủ nhiệm Đề án xây dựng các nội dung, chương trình kế hoạch, dự trù kinh phí và triển khai thực hiện Đề án giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương.
Hàng năm Ban chủ nhiệm Đề án có kế hoạch hoạt động, chỉ đạo các thành viên căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao để xây dựng kế hoạch thực hiện. Đồng thời các thành viên có trách nhiệm báo cáo kết quả, tiến độ thực hiện về Ban Chủ nhiệm.
Theo đó, cứ định kỳ họp giao ban quý, 6 tháng, 1 năm (có báo cáo gửi Ban chủ nhiệm Đề án). Hàng năm Ban chủ nhiệm Đề án có báo cáo sơ kết đánh giá kết quả thực hiện và đề ra chương trình tiếp theo. Các hoạt động phối hợp trao đổi thông tin theo quy định của Nhà nước, quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo 138/CP hàng quý, 6 tháng, 01 năm, các đơn vị thành viên Ban Chủ nhiệm đề án và Công an các địa phương báo cáo kết quả về Ban chủ nhiệm Đề án qua Cơ quan thường trực (Cục Cảnh sát hình sự) để tập hợp báo cáo Ban chỉ đạo 138/CP.