Các bước đạt điểm cao môn Địa lý trong kì thi THPT quốc gia năm 2016
Hiện tại đang là thời điểm các thí sinh gấp rút ôn tập để chuẩn bị cho kì thi THPT quốc gia sắp tới. Năm 2016 có khá nhiều thí sinh chọn Địa lý làm môn thứ 4 để xét tốt nghiệp. Tuy nhiên,với một số học sinh thì Địa lý là môn “khó nhằn” nhất trong số các môn thi. Liên quan tới vấn đề này, PV báo Infonet đã có cuộc trao đổi cùng cô Đặng Thị Hải, giáo viên Địa lí trường THPT Hòn Gai.
Cô Đặng Thị Hải, giáo viên Địa lí trường THPT Hòn Gai. |
1. Để làm tốt bài thi môn Địa trong kì thi THPT Quốc gia sắp tới, thí sinh cần chuẩn bị những gì thưa cô ?
Đầu tiên các em nên xác định mục tiêu của mình.
Với các thí sinh chọn Địa lý là môn thi thứ 4 để xét tốt nghiệp chỉ cần biết cách đọc át lát và làm một bài tập vẽ biểu đồ là đạt yêu cầu.
Đầu tiên, các em cần phải đọc kĩ câu hỏi xem nội dung đề cập tới vấn đề nào rồi xem bảng chú giải để hiểu rõ các kí hiệu, nội dung cần tìm. Ngoài ra phải khai thác hết các kí hiệu trong bảng chú giải hay phụ lục, khi đọc các biểu đồ trong át lát thể hiện tình hình phát triển của các đối tượng địa lí các em cần phải khai thác cả quy mô giá trị và tốc độ tăng trưởng của giá trị hay cơ cấu chuyển dịch rồi đưa ra lời nhận định có dẫn chứng kèm.
Thí sinh có nguyện vọng xét tuyển ĐH ở các trường "vừa tầm” thì các em cần phải nắm kiến thức ở mức độ cao hơn là hiểu rõ cách khai và sử dụng át lát để khai thác thế mạnh, hạn chế của dân cư, lao động; thế mạnh phát triển các ngành, các vùng và nêu được các biện pháp khắc phục.
Các em có thể học theo cách lập sơ đồ bài, ngành theo mẫu nguồn lực mà các thầy cô hướng dẫn . Khi lập sơ đồ theo ngành các em nên khai thác các ngành đó theo nguồn lực chung của cả nước và cả của từng vùng.
Cần tìm ra những điểm giống, khác về thế mạnh, hạn chế, vai trò, ý nghĩa của sự phát triển một ngành giữa hai vùng có những điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên hay kinh tế xã hội.
Thí sinh có nguyện vọng vào các trường "top cao"đặc biệt là các trường công an, cảnh sát thí sinh thì bên cạnh việc nắm vững lý thuyết, các em phải biết cách trình bày bài thi cho lôgic.
Học sinh cần phải luyện tập qua bộ đề thi các năm để tập căn thời gian, kiến thức sao cho đạt hiệu quả nhất. Việc luyện tập cần phải được thực hiện nghiêm túc, trước hết các em phải tự làm bài theo đúng năng lực nhận thức của mình theo thời gian cho phép; Sau khi làm xong các em mới dùng sách giáo khoa hay bộ đề kiểm tra lại lỗi của mình trong bài làm để ghi nhớ.
2. Xin cô cho biết những lỗi phổ biến thí sinh thường mắc trong quá trình làm bài thi và cách khắc phục một số dạng bài thường gặp?
Các lỗi các em hay mắc phải khi làm bài thi là đọc không kĩ đề bài nên trả lời sai kiến thức hoặc bị sót kiến thức. Nhiều khi là căn thời gian không chuẩn xác cho mỗi câu nên có chỗ thì phân tích quá sâu nhưng có chỗ không đủ thời gian làm; Phần bài tập khi vẽ biểu đồ hay bị thiếu số liệu, đơn vị.
Để khắc phục tình trạng này khi vào phòng thi các em đừng vội làm bài ngay mà hãy đọc kĩ đề thi , đọc ít nhất 2 lần rồi xác định các câu hỏi dễ làm trước, khó làm sau.
Tránh tình trạng sót ý thì các em cần phải phác qua dàn ý trước rồi từ đó bám dàn ý để viết. Phần bài tập cần phải rèn kĩ năng vẽ thường xuyên để vẽ cho nhanh, chính xác và đủ thông số. Cần ấn định thời gian làm bài cho mỗi câu sao cho phù hợp với điểm của từng câu trong bài thi
3. Với kinh nghiệm nhiều năm ôn thi cho các sĩ tử, cô có thể đưa ra một số vấn đề trọng tâm có khả năng sẽ vào trong đề thi THPT quốc gia năm nay?
Trong cấu trúc đề thi hiện nay thường chia nhiều ý nhỏ, đề cập nhiều nội dung và mang tính cập nhật cao. Vì vậy theo tôi học nên hệ thống kiến thức theo sơ đồ để nhớ cho logic. Các em cần hiểu bài, biết cách sử dụng át lát để khai thác kiến thức chứ không phải thuộc bài một cách máy móc.
Biển Đông hiện đang là một trong những vấn đề nóng rất có thể sẽ xuất hiện trong đề thi năm nay. Vì thế học sinh cần sâu chuỗi kiến thức theo chuyên đề, nắm chắc kiết thức của bài vị trí địa lí và vấn đề phát triển kinh tế an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo; Vấn đề phát triển kinh tế biển ở các vùng.
Học sinh cần liên hệ thêm ý nghĩa vai trò của việc bảo vệ chủ quyền các đảo, đánh bắt xa bờ, công ước quốc tế về luật biển, khai thác tổng hợp biển, thế mạnh của một số đảo lớn và đông dân, các thiên tai vùng biển, môi trường biển và việc hợp tác với các nước láng giềng…
4. Việc phân bổ thời gian làm bài thế nào thì hợp lý và hiệu quả thưa cô?
Bài thi làm trong 180 phút, thường có 4 câu, 8 ý. Trong mỗi ý có thể có thêm các ý nhỏ vì vậy để phân bố thời gian cho hợp lí học sinh cần dành khoảng thời gian đọc đề bài và ổn định tâm lí ban đầu từ 3 – 5 phút, 10 phút cho đọc kiểm tra lại phần làm của mình xem còn thiếu để bổ sung,sau phân bổ thời gian cho mỗi câu đó lựa chọn câu dễ làm trước khó làm sau.
Trong làm bài nên trình bày cho thoáng, các ý viết cho rõ ràng. Cần phác qua dàn ý trước khi viết để không bị sót ý.
Xin cảm ơn sự chia sẻ từ cô!