Cả triệu người giảm cân bất thành: Bác sĩ chỉ 3 cách điều trị cơ bản hiệu quả
Béo phì là căn bệnh mang tính phức tạp và phải có cái nhìn nhận về bệnh đúng đắn thì việc điều trị mới có hiệu quả.
Béo phì để lại hậu quả là bệnh gan nhiễm mỡ, xơ gan, rối loạn chuyển hoá thậm chí ung thư.
Tại Việt Nam, số người thừa cân - béo phì tăng tới 38% trong vòng 5 năm trở lại đây. Tại Hà Nội và TP HCM, cứ 5 người trưởng thành có 1 người khó khăn trong việc kiểm soát cân nặng.
Mỗi ngày luôn có hàng triệu người giảm cân bằng cách áp dụng các chế độ ăn kiêng khác nhau, nhưng có đến 95% bị tăng cân trở lại.
Khi áp dụng các hướng xử lý như ăn kiêng, luyện tập hoặc dùng thuốc… một cách cực đoan, thiếu sự cân bằng và đồng bộ, người bệnh đứng trước rủi ro gia tăng nguy cơ các biến chứng nguy hại như các tổn thương liên quan đến tim mạch, xương khớp, tiêu hóa, tâm lý, hệ thần kinh, chức năng gan, thận…
Ảnh minh hoạ. |
ThS BS. Trần Viết Thắng – Phó trưởng khoa Nội tiết, BV Đại học Y Dược TP HCM cho biết mục tiêu quan trọng nhất của béo phì bên cạnh việc giảm cân cũng phải ngăn ngừa biến chứng của béo phì gây ra như giữ cho bệnh nhân khoẻ mạnh về trao đổi chất, tinh thần, làm giảm tiến triển của biến chứng, giúp bệnh nhân lấy lại sự tự tin, khôi phục sức khoẻ, hình ảnh của bệnh nhân
Người béo phì phải hiểu đó là một bệnh mãn tính dẫn tới các biến chứng lên hệ cơ quan khác nhau vì vậy đưa người béo phì về mức cân nặng bình thường đòi hỏi nhiều chuyên khoa khác nhau từ dinh dưỡng, vật lý trị liệu, tiêu hoá, nội khoa.
Theo BS Thắng, hiện tại có 3 liệu pháp quan trọng trong điều trị béo phì:
Thứ nhất can thiệp thay đổi lối sống: Đây là nền tảng cho bất kỳ bệnh nhân béo phì nào dùng cho bệnh nhân có chỉ số BMI 25 trở lên, thay đổi thói quen có hại, tập thể dục, ăn uống đủ. Ghi nhận điều trị thay đổi lối sống tích cực đạt hiệu quả cao trong 6 tháng tới 1 năm đầu nhưng có thể sẽ tăng cân trở lại sau 1 năm đầu hoặc 3 năm sau đó.
Thứ hai dùng thuốc: Thông thường sử dụng thuốc cho những người đã can thiệp bước thứ nhất không thành, dành cho người có BMI từ 27 trở lên.
Thuốc có 2 nhóm: Nhóm tác dụng lên hệ tiêu hoá làm giảm hấp thu đường ruột, các thuốc làm giảm hấp thu dưỡng chất, thuốc phải chỉ định của bác sĩ, chỉ số BMI trên 27 có bệnh lý khác đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường. Đây là thuốc được FDA chấp thuận nhưng hiệu quả giảm cân cũng khiếm tốn chỉ từ 3 – 4 kg.
BS Thắng lưu ý trên thị trường hiện nay có nhiều thuốc giảm cân rao bán không có nghiên cứu và khoa học chứng minh hiệu quả, thậm chí có thể được trộn các thành phần cấm sử dụng, nếu người dùng có thể gây nhiêu tác dụng phụ nguy hiểm.
Nhóm thuốc thứ hai là nhóm thuốc điều trị nội tiết, đây là thuốc tác động lên đồng vận thụ thể GLP-1, điều tiết sự thèm ăn làm tăng cảm giác no, làm giảm cảm giác đói và lượng thức ăn nạp vào. Thuốc này có thể dùng điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường tuyp 2. Có thể làm giảm 5 - 6 cân nặng. Khi dùng thuốc này ở liều cao hơn 3mg có thể giảm tới 12% cân nặng của cơ thể nên FDA cho sử dụng dùng cho bệnh nhân béo phì. Nhưng thuốc này chỉ dùng đường tiêm, có nhiều bất lợi.
Thứ ba phẫu thuật: Khi người béo phì áp dụng các biện pháp chỉ định nội khoa không có hiệu quả, cân nặng không giảm, BMI từ 37,5 trở lên sẽ được khuyến cáo sử dụng phẫu thuật giảm béo.
Có 2 phẫu thuật: Cắt bớt 1 phần dạ dày, cắt khoảng 4/5 dạ dày, để dạ dày còn đường ống nhỏ, người bệnh sẽ không còn đói, ăn ít hơn, dạ dày nhỏ nên lượng năng lượng nạp vào ít thêm tập luyện sẽ giảm cân.
Phẫu thuật cắt dạ dày phần nhỏ và nối phần dạ dày còn lại vào ruột non làm giảm lượng thức ăn vào cơ thể và nguyên lý của giảm cân này đó là thức ăn ít đi xuống ruột non ngay sẽ giảm hấp thu dinh dưỡng. Mục đích của phẫu thuật là giảm dạ dày lại, giảm quá trình hấp thu chất dinh dưỡng để năng lượng tiêu thụ vào càng ít càng tốt.
Khánh Chi