Bước ngoặt mới trong cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu
Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir để chiến đấu với dịch Covid-19.
Hôm 4/11, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn sử dụng viên nang uống kháng virus có tên Molnupiravir do công ty dược Merck của Mỹ và đối tác Ridgeback Biotherapy sản xuất để "tăng sức chiến đấu' với đại dịch Covid-19.
Reuters đưa tin, Cơ quan Quản lý thuốc và Sản phẩm chăm sóc sức khỏe Anh (MHRA) đã phê duyệt sử dụng thuốc Molnupiravir đối với những người có triệu chứng mắc Covid-19 thể nhẹ cho tới trung bình, và với những bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ gặp biến chứng nặng do có bệnh nền như béo phì, tiểu đường ở người cao tuổi và bệnh tim.
Viên uống kháng virus Molnupiravir được phê duyệt tham gia cuộc chiến chống Covid-19 tại Anh. (Ảnh minh họa) |
Dẫn dữ liệu nghiên cứu, MHRA cho hay thuốc Molnupiravir sẽ được kê đơn sử dụng ngay sau khi bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính Covid-19 và trong vòng 5 ngày kể từ ngày khởi phát triệu chứng mắc bệnh.
Quyết định của MHRA đã bật đèn xanh cho Molnupiravir, loại thuốc dạng viên nang uống kháng virus, tham gia cuộc chiến chống Covid-19. Đây cũng là lần đầu tiên một loại thuốc chống Covid-19 được sử dụng trên diện rộng trong cộng đồng.
Trong khi đó, các cố vấn y tế Mỹ đã có kế hoạch nhóm họp vào ngày 30/11 để đánh giá mức độ an toàn và hiệu quả đối với bản nghiên cứu thuốc Molnupiravir để tiến tới cấp phép sử dụng.
Cho tới nay, "vũ khí" chính để chiến đấu với dịch Covid-19 hiện chủ yếu dựa vào các loại vắc xin. Đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 5,2 triệu người trên toàn cầu.
Triển vọng đưa thuốc Molnupiravir của hãng Merck vào sử dụng được quan tâm kể từ hồi tháng 10, sau khi kết quả nghiên cứu cho thấy thuốc có thể giảm 1/2 số ca nhập viện và tử vong ở những bệnh nhân có các triệu chứng ban đầu mắc Covid-19 và có nguy cơ bị diễn tiến nặng.
Giáo sư Stephen Powis, Giám đốc Dịch vụ Y tế quốc gia Anh (NHS) Stephen Powis, nhận định thuốc Molnupiravir sẽ được sử dụng đối với các bệnh nhân Covid-19 có nguy cơ bị biến chứng nặng, giữa lúc Anh sắp đối mặt với một trong những mùa đông có “nhiều thách thức nhất”.
Ông Powis cho biết thêm, thuốc Molnupiravir sẽ được mở rộng sử dụng, nếu quá trình thử nghiệm lâm sàng và hiệu quả chi phí cho thấy thuốc giúp giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.
“Chúng tôi đang làm việc với chính phủ Anh và NHS để nhanh chóng đưa thuốc vào sử dụng cho các bệnh nhân, từ đó thu thập thêm thông tin về phương thức hoạt động của loại thuốc kháng virus đối với cộng đồng vốn có phần lớn người dân đã được tiêm phòng vắc xin Covid-19”, Bộ trưởng phụ trách vắc xin Anh Maggie Throup nhấn mạnh.
Molnupiravir được xem là phương pháp tích cực, bởi thuốc sẽ giúp bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại nhà, từ đó giảm gánh nặng cho các cơ sở y tế.
Về việc sử dụng thuốc, một khi bệnh nhân được chẩn đoán mắc Covid-19, họ có thể bắt đầu uống thuốc theo liệu trình bao gồm 4 viên Molnupiravir hàm lượng 200 milligram được chia làm 2 lần/ngày và uống trong 5 ngày với tổng cộng 40 viên.
Không giống như các loại vắc xin Covid-19 đang được sử dụng nhằm giúp tăng cường hệ miễn dịch, thuốc Molnupiravir ngăn chặn khả năng sao chép của virus.
Hồi tháng 10, công ty phân tích Airfinity hé lộ ít nhất 8 nước và vùng lãnh thổ ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương bao gồm New Zealand, Australia và Hàn Quốc, 3 nước được đánh giá là khá chậm trong quá trình triển khai chương trình tiêm phòng vắc xin Covid-19, đã ký hợp đồng hoặc đang tiến hành đàm phán với công ty dược phẩm Merck.
Áp lực
Không chỉ là quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir, Anh còn là nước phương Tây đầu tiên cấp phép sử dụng vắc xin Covid-19.
Theo số liệu mói nhất tính trung bình trong 7 ngày, Anh hiện có khoảng 40.000 ca Covid-19 mỗi ngày. Còn Mỹ có 74.000 ca Covid-19 mỗi ngày. Anh đang chứng kiến số ca Covid-19 ở trẻ em tăng cao, cùng làn sóng dịch ở phía nam và tây đất nước.
Viên nang uống kháng virus Molnupiravir. (Ảnh: Reuters) |
Áp lực càng gia tăng đối với chính phủ Anh trong việc thi hành “Kế hoạch B” nhằm tránh để NHS đưa ra các yêu cầu bắt buộc gồm đeo khẩu trang, hộ chiếu vắc xin và làm việc tại nhà.
Nhiều nền kinh tế lớn của thế giới gồm Đức, Pháp và Israel cũng đã tái thi hành một số biện pháp phòng chống dịch Covid-19 cơ bản như bắt buộc đeo khẩu trang, hoặc tái áp đặt để phản ứng trong trường hợp số ca mới mắc Covid-19 tăng trở lại.
Chính phủ Anh nhấn mạnh thêm, hiện mục tiêu chính là tiêm mũi tăng cường vắc xin Covid-19 và tiêm ngừa cho trẻ từ 12 – 15 tuổi.
Hồi tháng 10, Anh đã ký thỏa thuận với Merck để mua 480.000 liều thuốc Molnupiravir.
Trong một tuyên bố riêng, hãng Merck cho biết dự kiến sản xuất 10 triệu liều thuốc Molnupiravir vào cuối năm nay, và ít nhất 20 triệu liều cho năm 2022.
Hiện chưa rõ bao giờ hãng Merck sẽ chuyển thuốc Molnupiravir cho Anh. Hãng cũng cam kết sẽ cung cấp thuốc đúng thời gian cho toàn cầu, cùng kế hoạch bán thuốc theo mức chi trả của từng quốc gia.
Đáng nói, hãng dược Pfizer và Roche cũng đang chạy đua cho ra đời các loại thuốc kháng virus dễ sử dụng để phục vụ cuộc chiến chống Covid-19.
Ngoài ra, cả Merckvà Pfizer còn đang hợp tác nghiên cứu các loại thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm ban đầu giúp ngăn chặn khả năng nhiễm virus corona.
Một bản nghiên cứu của Đại học Harvard ước tính, chi phí sản xuất mỗi viên thuốc Molnupiravir là khoảng 20 USD nếu chuyển sang cho các hãng sản xuất thuốc gốc. Trong điều kiện sản xuất tối ưu, mức giá có thể giảm xuống còn 7,7 USD. Hãng Merck đã ký hợp đồng cấp phép với 8 công ty thuốc gốc ở Ấn Độ.
Còn Mỹ đã đồng ý trả 1,2 tỉ USD để mua 1,7 triệu liều nếu như thuốc Molnupiravir được cấp phép sử dụng. Con số này tương đương với 700 USD/liều thuốc Molnupiravir.
Một phân tích cho thấy hãng chỉ mất 18 USD cho nguyên liệu thô để sản xuất 1 liều Molnupiravir.
Hiện công ty dược Merck chưa xác nhận liệu con số trên có đúng hay không. Ngoài ra, hãng cho hay đang tiến tới cấp phép cho các nhà sản xuất để có đủ nguồn cung thuốc cho 104 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình trên thế giới.
‘Vũ khí mới’ chống Covid-19 có gì đặc biệt khiến nhiều nước châu Á đang lùng mua?
Nhiều nước châu Á - Thái Bình Dương đang lùng mua thuốc kháng virus do công ty Mỹ sản xuất với hy vọng làm thay đổi cuộc chiến chống Covid-19.
Minh Thu (lược dịch)