Bước chuyển mới trong đào tạo nhân lực điện hạt nhân
![]() |
Hệ thống mô phỏng Lò phản ứng VVER-1200 là công cụ để đào tào các cán bộ chuyên về lò phản ứng và năng lượng hạt nhân. Ảnh Song Anh |
Nỗ lực cho công tác chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta, Hệ thống mô phỏng Lò phản ứng VVER-1200 chính thức được Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) chuyển giao cho Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) - Cơ quan chủ trì Dự án hợp tác kỹ thuật VIE 2010, chiều 9/12, tại Hà Nội.
Hệ thống mô phỏng lò phản ứng VVER-1200 có kinh phí trên 200 nghìn Euro, theo hợp đồng giữa IAEA và WSC (Công ty phần mềm chuyên về giải pháp mô phỏng sáng tạo), gồm 1 máy chủ, 4 máy trạm được cài đặt phần mềm mô phỏng nhà máy ĐHN công nghệ lò VVER-1200.
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, hệ thống mô phỏng Lò phản ứng VVER-1200 là công cụ để đào tào các cán bộ, đặc biệt là các cán bộ chuyên về lò phản ứng và năng lượng hạt nhân cho nhà máy điện hạt nhân của Việt Nam, các cơ sở nghiên cứu đào tạo và các cơ quan ban ngành trong cả nước. Hệ thống mô phỏng này có thể hỗ trợ một phần cho quá trình nghiên cứu, giúp cho việc nâng cao thêm năng lực thẩm định, đánh giá an toàn. Hệ thống là quá trình trực quan để những người không chuyên về hệ thống và nhà máy điện cũng có dịp nâng cao hiểu biết về quá trình vận hành ở các tình huống công nghệ khác nhau. Thông qua việc lắp đặt và vận hành thệ thống, TS Hoàng Anh Tuấn kỳ vọng “các cán bộ kỹ thuật của nước ta sẽ có điều kiện đi sâu vào quá trình vận hành và các kịch bản ứng phó với sự cố, từ đó phát triển các kỹ năng, kiến thức trong các hoạt động nghiên cứu cũng như quản lý của mình”.
Chuẩn bị cho phát triển nguồn năng lượng điện hạt nhân, TS. Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nhận định: “Chúng ta đang đi đúng con đường” chuẩn bị nguồn nhân lực. Trong quá trình lắp đặt Hệ thống mô phỏng Lò phản ứng VVER-1200, Cục Năng lượng Nguyên tử đã phối hợp với IAEA, Công ty WSC, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam thực hiện đào tạo cho 20 cán bộ chuyên trách vận hành hệ thống, về PC-based Simulator cho nhà máy điện hạt nhân dùng công nghệ lò VVER - 1200. Cục Năng lượng Nguyên tử và Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã bố trí nhân lực vận hành, đảm bảo khai thác tối đa khả năng của hệ thống.
Năm 2015, nhóm nghiên cứu về công nghệ và an toàn điện hạt nhân của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã xây dựng tiêu chí chọn công nghệ cho Nhà máy Điện hạt nhân I và II. Bộ tiêu chí lựa chọn công nghệ nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I và II đã được Bộ Công Thương phê duyệt, ra quyết định. Nhưng để ra được quyết định này, nhóm nghiên cứu công nghệ an toàn điện hạt nhân của Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trước đó đã hoàn thành một đề tài cấp Nhà nước về công nghệ VVER-1000. Cùng với đó, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cũng đã hoàn thành đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước về thiết kế điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 nhằm hỗ trợ cho thẩm định thiết kế hai nhà máy này đang được hoàn thành, một số nhóm nghiên cứu về công nghệ, thiết kế điện hạt nhân, thủy nhiệt đã được hình thành, phát triển và có những kết quả nghiên cứu tốt, đặc biệt là đội ngũ cán bộ trẻ.
Trên thực tế, Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) có 2 phòng thiết kế công nghệ điện hạt nhân độc lập: St Peterburg và Matxcơva. Công nghệ được thiết kế từ hai phòng thiết kế này, về nguyên lý thải nhiệt ra bên ngoài qua lớp vỏ bọc nhà lò trong trường hợp sự cố cơ bản là giống nhau, nhưng mỗi trung tâm lại thiết kế mô chất làm mát khác nhau. Phương án của Moscow, chất thải nhiệt làm mát bằng không khí nên thiết bị làm mát cồng kềnh, giá thành cao hơn, còn đối với St Peterburg, chất thải nhiệt là nước nên hiệu quả truyền nhiệt tốt hơn, thiết bị gọn hơn và giá thành thấp hơn. Vì vậy, phương án giải nhiệt dùng thiết kế St Peterburg đã được các cơ quan hỗ trợ kỹ thuật (TSO và EVN) chọn và trình Chính phủ Việt Nam xem xét lựa chọn.
Trong một nghiên cứu về “Cấu trúc các hệ thống an toàn của nhà máy điện hạt nhân với lò phản ứng VVER-1000/1200”, năm 2011, ông M.P.Nikitenko - Viện thiết kế GIDROPRESS - Nga đã đưa ra các kết quả phân tích đáng chú ý và đại diện thiết kế của St Peterburg cũng đã khẳng định lại những ưu điểm của AES 2006 tại cuộc gặp gỡ kỹ thuật với VINATOM hồi tháng 4-2015. Theo đó, nếu tác động bức xạ của nó tới nhân viên, dân cư và môi trường trong điều kiện: vận hành bình thường, hoặc vi phạm điều kiện vận hành bình thường, kể cả trong trường hợp sự cố theo thiết kế. Các tác động bức xạ không dẫn tới việc: vượt quá liều chiếu xạ quy định đối với nhân viên và dân cư, vi phạm các quy định về xả thải hoặc có chất phóng xạ trong môi trường. Quá trình vận hành bình thường hoặc khi có sự cố phải phù hợp với những quy định và tiêu chuẩn hiện hành tại Nga. Các tác động bức xạ bị giới hạn bởi các quy định đối với các sự cố ngoài dự kiến.
An toàn của nhà máy điện hạt nhân, theo ông Nikitenko, được đảm bảo nhờ thực hiện nhất quán giải pháp thành tuyến sâu dựa trên cơ sở sử dụng các hệ thống rào cản vật lý trên đường phát tán bức xạ ion hóa và các chất phóng xạ ra môi trường và hệ thống các biện pháp tổ chức và kỹ thuật để bảo vệ và duy trì hiệu quả của các rào cản này, đồng thời bảo vệ nhân viên, dân cư và môi trường xung quanh.
Ông Oleg Ivanov - Giám đốc Khu vực Đông Âu (WSC) cho biết: Đây là công nghệ tiên tiến nhất của Liên bang Nga được đề xuất cho Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 tại Việt Nam. Hệ thống có khả năng mô phỏng tính toán các thông số quan trọng, các chế độ thay đổi công suất, dập lò, vỡ ống nhỏ, to…và dự báo những thay đổi trong các hệ thống khi có sự cố xảy ra. Cùng với đó, Hệ thống cũng mô phỏng thời gian thực về lò phản ứng VVER-1200 đầu tiên tại Việt Nam với trên 155 giao diện tương tác và khả năng xây dựng các kịch bản giả định, từ đó có thể tùy biến các sự kiện diễn ra nhằm mô phỏng hiệu quả các sự cố trong quá trình vận hành lò phản ứng.