Bức tượng “biến đạn bom thành biểu tượng hoà bình” ở Bảo tàng Đà Nẵng
Mở đầu cho khu trưng bày mang tên “Không gian hòa bình” trong Bảo tàng Đà Nẵng là bức tượng “Chiến tranh và Hòa bình” được cố tác giả Đỗ Toàn “kết” bằng những mảnh bom đạn thu thập trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.
Chúng tôi đến Bảo tàng Đà Nẵng sáng 29/4/2020 đúng lúc các anh chị em cán bộ, nhân viên bảo tàng đang tất bật dọn dẹp vệ sinh, sơn sửa, làm mới không gian trưng bày mang tên “Không gian hòa bình” để chuẩn bị cho bảo tàng hoạt động trở lại, dự kiến vào dịp lễ 30/4 – 1/5, sau thời gian khá dài đóng cửa, tạm ngưng hoạt động để phòng, chống dịch Covid-19.
Cán bộ thuyết minh của Bảo tàng Đà Nẵng giới thiệu về bức tượng "Chiến tranh và Hòa bình" của cố họa sĩ, điêu khắc gia Đỗ Toàn mở đầu cho khu trưng bày "Không gian hòa bình" trong bảo tàng này. (Ảnh: HC) |
Nằm trong khu vực trưng bày “Chứng tích chiến tranh của quân đội Mỹ tại Đà Nẵng và vùng phụ cận” của Bảo tàng Đà Nẵng, “Không gian hòa bình” đón khách tham quan bằng bức tượng cao hơn 2m, được “kết” bởi những quả bom, đạn cỡ lớn còn nguyên khối và nhiều mảnh đạn đã bị xé rách nát. Thoạt nhìn, người xem đã mường tượng ra bức tượng như cả chùm bom đạn trút xuống các làng quê Việt Nam, bốc lên những cột khói mịt mù, kéo theo bao đổ vỡ, tan nát, đau thương trong chiến tranh…
Chất liệu lẫn hình khối khiến nhiều người không khỏi thấy bức tượng có vẻ không phù hợp lắm để mở đầu cho một “Không gian hoà bình”. Đến khi kết thúc không gian trưng bày này, vẫn là bức tượng kể trên. Nhưng từ góc nhìn mới lại như đóa hoa đang nở trên đống đổ nát của chiến tranh. Nhìn kỹ hơn ở đỉnh tượng còn nhận ra hình ảnh cách điệu của cánh chim câu hòa bình.
Đó là bức tượng “Chiến tranh và Hoà bình” của cố hoạ sĩ điêu khắc gia Đỗ Toàn, người con xứ Huế và là một trong những “lão làng” của giới mỹ thuật Đà Nẵng. Theo các tư liệu còn được Bảo tàng Đà Nẵng lưu giữ thì bức tượng này được tác giả Đỗ Toàn sáng tác đầu những năm 1990 của thế kỷ 20.
Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng cho biết, theo lãnh đạo các nhiệm kỳ trước của Bảo tàng Đà Nẵng thuật lại, năm 1990, bảo tàng này được bố trí tại số 78 Lê Duẩn (nay là Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng) và tiếp nhận một số hiện vật được đưa về từ “Nhà chứng tích tội ác đế quốc Mỹ” (nay là cao ốc Indochina Riverside Tower trên đường Bạch Đằng). Trong đó có một số vỏ và mảnh bom đạn thu thập trên chiến trường Quảng Nam – Đà Nẵng.
“Không gian mới không cho phép trưng bày dàn trải. Hơn nữa, cứ trưng bày các mảnh bom đạn này theo kiểu xếp hàng, xếp lớp thì đơn điệu quá. Do vậy, lãnh đạo Bảo tàng Đà Nẵng khi đó đã mời họa sĩ, điêu khắc gia Đỗ Toàn tới, nhờ “biến” số hiện vật đó thành một tác phẩm nghệ thuật trưng bày trong bảo tàng. Sau khi nghe tác giả Đỗ Toàn trình bày phác thảo, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng lúc đó là ông Nguyễn Chơn đã duyệt ngay!” – ông Thiện cho hay.
Tuy nhiên, việc thực hiện tác phẩm lại gặp trắc trở bởi các nhóm thợ được mời đến hàn nối các mảnh đạn, đặc biệt là các vỏ bom, với nhau để tạo thành hình khối thì đều… sợ bị nổ. Bảo tàng Đà Nẵng ra sức giải thích là những vỏ bom này đã được lấy hết thuốc súng và lực lượng công binh đã kiểm tra, xác nhân an toàn nhưng các thợ hàn vẫn sợ tai nạn như từng xảy ra với một số vụ cưa bom đạn phế liệu!
Trong lúc mọi người đang lúng túng thì cố hoạ sĩ điêu khắc gia Đỗ Toàn đến đứng ngay cạnh các vỏ bom và nói: “Nếu các ông sợ nổ thì tôi đứng ngay đây cho các ông hàn!”. Đến lúc này nhóm thợ hàn mới chịu bắt tay vào việc. Và bức tượng đã hoàn thành vào quý 4/1993, kịp để Bảo tàng Đà Nẵng nâng cấp phần trưng bày lịch sử cách mạng và chứng tích chiến tranh tại cơ sở cũ ở 78 Lê Duẩn.
“Theo tôi được biết, trong các bảo tàng ở phía Nam có phần trưng bày chứng tích chiến tranh thì đây là tác phẩm thứ hai (sau một tác phẩm ở TP.HCM) được tạo nên bởi những mảnh bom đạn trong chiến tranh. Bức tượng thể hiện niềm tin mãnh liệt về hoà bình, bất chấp bom đạn chiến tranh!” – ông Thiện nói.
Sau khi Bảo tàng Đà Nẵng chuyển đến cơ sở hiện nay trong khuôn viên Di tích quốc gia đặc biệt Thành Điện Hải, bức tượng “Chiến tranh và Hòa bình” của cố hoạ sĩ điêu khắc gia Đỗ Toàn tiếp tục được trưng bày với một vị trí mới đầy trang trọng trong “Không gian hoà bình”. Điều đó cho thấy sức sống lẫn chiều sâu của tác phẩm nghệ thuật này mà dù năm tháng đi qua thì vẫn luôn tươi mới, như chính niềm khát khao của nhân loại về một nền hoà bình vĩnh cửu.
“Những thế hệ đã đi qua chiến tranh có lẽ là những người hiểu nhất giá trị của hòa bình. Và hòa bình cũng chính là thông điệp trong tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” của cố tác giả Đỗ Toàn. Từ những mảnh bom đạn trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, ông khắc họa hình ảnh một bông hoa nở và chim bồ câu đậu trên cành, tạo nên sự khác biệt trong việc chuyển tải ý tưởng nghệ thuật!” – Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng nhận xét.
Ông cũng cho biết, khi Bảo tàng Đà Nẵng chuyển về cơ sở mới ở số 42 Bạch Đằng, bức tượng “Chiến tranh và Hòa bình” của cố tác giả Đỗ Toàn vẫn sẽ giữ một vị trí trang trọng. Bởi với chất liệu và ý tưởng rất đặc biệt, bức tượng đã chuyển tải đến người xem khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam vốn đã đi qua biết bao cuộc chiến tranh gian khổ để bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc và luôn khát khao hòa bình, mưu cầu cuộc sống bình yên, không còn tiếng súng!
Tuy nhiên, sự nghiệp của cố tác giả Đỗ Toàn để lại phần lớn là các tác phẩm điêu khắc như các tượng chân dung Phan Châu Trinh, Nguyễn Duy Hiệu, Hoàng Diệu, Chủ tịch Hồ Chí Minh... và nhiều tượng đài hoành tráng, đẹp đẽ, mang tính nghệ thuật cao khác ở khu vực Miền Trung – Tây Nguyên. Ông mất ngày 2/5/2000 sau một thời gian bị tai biến.
Hải Châu