Đà Nẵng: Trả lại 'đất vàng' cho Di tích quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh
Trả lại hơn 3.100m2 “đất vàng” cho Nghĩa trủng Phước Ninh
Ngày 18/4, NSND Huỳnh Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao (VH-TT) Đà Nẵng cho hay, trên cơ sở tham mưu của Sở này, Thường trực Thành ủy đã có chủ trương cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Nghĩa trủng Phước Ninh - nơi quy tập hài cốt của các nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hy sinh trong buổi đầu kháng Pháp đánh chiếm Đà Nẵng những năm 1858 - 1860.
Nhà bia trong Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh (Ảnh: HC) |
Theo đó, ngày 13/4, UBND TP Đà Nẵng đã có công văn triển khai cho các sở, ngành, quận, huyện, các chủ đầu tư, quản lý dự án thực hiện kết luận của Thường trực Thành ủy tại Thông báo 649-TB/TU ngày 6/4 thống nhất lấy khu đất ký hiệu A2 rộng 3.196m2 ở góc mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh - Hoàng Diệu để mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh hiện nay.
Trước đó, như Infonet đã đưa tin, tháng 1/2020, UBND TP Đà Nẵng đã có thông báo đối với việc quản lý đậu đỗ xe trên đường Nguyễn Văn Linh, Phan Châu Trinh. Trong đó giao UBND quận Hải Châu quản lý, khai thác dịch vụ đậu đỗ xe khu đất A2 nêu trên trong thời gian chờ hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng bãi đỗ xe thông minh tại đây theo quy hoạch. Như vậy có phải chủ trương xây dựng bãi đỗ xe tại đây đã thay đổi?
“Thực ra Nghĩa trủng Phước Ninh đã bị giải tỏa khi mở đường Nguyễn Văn Linh, cơ bản chỉ còn một nhà bia tưởng niệm. Khu đất A2 sát bên cạnh vốn dĩ là đất của Nghĩa trủng Phước Ninh nhưng trước đây TP đã có dự kiến xây dựng bãi đỗ xe và thực tế cũng đang có xe đỗ ở đây. Tuy nhiên sau khi chúng tôi tham mưu thì lãnh đạo TP quyết định trả lại khu “đất vàng” ngay giữa trung tâm TP này cho Nghĩa trủng Phước Ninh!” – NSND Huỳnh Hùng trả lời.
Ông cũng cho biết, ngày 13/4, UBND TP Đà Nẵng cũng đã giao Sở VHTT chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng, Sở KH&ĐT, UBND quận Hải Châu và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án cải tạo, mở rộng Nghĩa trủng Phước Ninh.
Trong đó, khẩn trương kiểm tra, khảo sát, xây dựng phương án tổng thể, tạo sự tôn nghiêm, đảm bảo phù hợp, hài hòa tại khu vực, bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư năm 2020, sớm trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt để làm cơ sở triển khai.
“Tại khu “đất vàng” A2, UBND TP Đà Nẵng chỉ đạo đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh kết hợp bảo vệ, phát huy giá trị di tích Nghĩa trủng Phước Ninh. Trong phương án thiết kế cần có sự kết nối hài hòa giữa không gian khu di tích và không gian công viên nhằm phát huy giá trị di tích cũng như tạo không gian công viên cây xanh, giảm mật độ xây dựng ở trung tâm TP, tạo điều kiện cho nhân dân được hưởng thụ văn hóa!” – NSND Huỳnh Hùng nhấn mạnh.
Đôi nét về Nghĩa trủng Phước Ninh
Bảo tàng Đà Nẵng cho hay, khu di tích Nghĩa trủng Phước Ninh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 1988. Đây là nơi chôn cất các anh hùng nghĩa sĩ hy sinh vì nước trong buổi đầu chống Pháp (1858 – 1860). Suốt một năm rưỡi chiến đấu, quân dân Đà Nẵng đã làm quân Pháp thất bại hoàn toàn ý đồ đánh nhanh, thắng nhanh và phải cuốn cờ, rút chạy khỏi Đà Nẵng.
Trong những trận đánh hào hùng ấy, có rất nhiều chiến sĩ, đồng bào ta đã hy sinh, nhưng lúc bấy giờ còn phải lo đối phó hàng ngày với địch nên việc an táng các liệt sĩ chỉ thực hiện tạm thời quanh các đồn Phước Ninh, Thạc Gián và những nơi có chiến sự xảy ra.
Khu "đất vàng" hơn 3.100m2 phía sau lưng Nhà bia này sẽ được trả lại cho Khu di tích lịch sử quốc gia Nghĩa trủng Phước Ninh (Ảnh: HC) |
Khi Đà Nẵng lặng im tiếng súng quân xâm lược Pháp, cùng với việc lo khôi phục và xây dựng cuộc sống theo chỉ đạo của triều đình và xuất phát từ đạo lý dân tộc, nhân dân và quan quân đã làm một việc đại nghĩa là quy tập hài cốt của các nghĩa sĩ hy sinh, xây thành đắp mộ, gọi là Nghĩa trủng – nơi an nghỉ của những con người đã ngã xuống vì nghĩa lớn thiêng liêng bảo vệ nước nhà.
Theo bia ký lập năm Tự Đức thứ 29 (1876) thì Án sát Quảng Nam Nguyễn Quý Linh và Lãnh binh Trương Tải Phú đã chọn đất làng Phước Ninh làm nơi quy tập hài cốt các nghĩa sĩ, nghĩa dân đã hy sinh trong trận Pháp đánh chiếm Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Việc được bắt đầu tư tháng 4/1876. Quản cơ Nguyễn Lân cùng Hiệp quản Nguyễn Đồ đã chỉ huy quân lính tìm được hơn 1.500 ngôi mộ, bốc hài cốt vào những quách bằng sành, đưa về mai táng tại đây.
Mộ được chôn nhiều lớp theo hướng Đông Nam – Tây Bắc, xây thành đất chung quanh, có chu vi 40 trượng. Đến tháng 7/1876 thì việc xây dựng Nghĩa trũng Phước Ninh hoàn thành. Ngoài hiến đất để chôn cất hài cốt, làng Phước Ninh còn trích ra 2 mẫu đất để lấy hoa lợi hàng năm chi cho việc giỗ chạp.
“Theo lời kể của những cư dân cao tuổi ở đây, Nghĩa trủng Phước Ninh được bao quanh bởi một tường đắp bằng đất cao quá đầu người, chu vi mỗi cạnh 90m, phía trước giáp đường Huỳnh Thúc Kháng, phía sau giáp đường Hoàng Diệu, bên trái là đường Lê Đại Hành, bên phải là khu vực dân cư. Tường đất bị thực dân Pháp san bằng năm 1950” – Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng kể.
Ông cũng cho biết, nếu Nghĩa trủng Hòa Vang nằm ở vùng thôn quê (làng Nghi An) cho đến năm 1926 khi Pháp mở sân bay Đà Nẵng mới phải di dời về làng Hóa Khuê, thì Nghĩa trủng Phước Ninh lại nằm trong địa phận 5 làng đầu tiên được vua Đồng Khánh ký đạo dụ ngày 3/10/1888, cắt cho Pháp để lập TP Tourane nhượng địa trước sức ép của Toàn quyền Đông Dương Richaud. Các làng này nằm ở trung tâm TP, nay đều thuộc quận Hải Châu.
Năm 1990, tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng xây dựng Nhà thi đấu TDTT Nguyễn Tri Phương tại đây nên hơn 1.500 hài cốt nghĩa sĩ ở Nghĩa trủng Phước Ninh được cải táng, di dời đến nghĩa trang Gò Cao. Năm 2009, Đà Nẵng mở tuyến đường Nguyễn Văn Linh nối dài nên hài cốt của hai vị tướng Nguyễn Thượng Chất và Nguyễn Việt Thứ được chuyển đến Nghĩa trủng Hòa Vang, còn Nhà bia được di dời xây dựng tại vị trí hiện nay.
Hiện ở Nhà bia này còn lưu lại một tấm bia bằng đá màu xanh đen, cao 1,2m, rộng 0,8m, chữ khắc một mặt, được bao quanh bằng lớp vôi hồ. Do phong hóa, một số chữ bị hỏng mờ, nhưng nhờ nội dung bia mà chúng ta biết được nhiều điều như số lượng hài cốt được quy tập, danh tánh những người đứng ra điều hành công việc có ý nghĩa lớn mang tinh thần “uống nước nhớ nguồn” này, lý do chọn nơi đặt nghĩa trũng, tên họ tác giả của văn bia…
Theo ông Huỳnh Đình Quốc Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng, cùng với Thành Điện Hải, Nghĩa trủng Hòa Vang thì Nghĩa trủng Phước Ninh đã góp phần giúp các thế hệ con cháu biết thêm về cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong buổi đầu chống thực dân Pháp xâm lược (1858 0 1860). Ngày nay Nghĩa trủng Phước Ninh là một di tích lịch sử quan trọng, tiêu biểu của thời kỳ này còn lại ở Đà Nẵng.
“Có lẽ trên khắp nước ta không có Nghĩa trủng nào mà quy tụ đầy đủ các tướng sĩ, quân dân đã hy sinh như Nghĩa trủng Phước Ninh. Đó là dấu ấn lịch sử để lại thật sâu sắc, là tấm gương sáng ngời minh chứng về tinh thần yêu nước, lòng quả cảm không bị khuất phục trước bất kỳ kẻ thù xâm lược nào!” - Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện nói.