Bỗng nhiên không thể uống nước được, bệnh tưởng nhẹ mà cực kỳ nguy hiểm
Bất ngờ không ăn, không uống được, một tháng sụt 15kg, người đàn ông hoang mang ngỡ mình... chết đến nơi rồi.
PGS. TS Phạm Thị Bích Đào |
Chia sẻ với phóng viên Infonet, PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào, chuyên gia khoa Tai- mũi- họng BV ĐH Y Hà Nội cho biết từng gặp những bệnh nhân đột nhiên không ăn uống được.
Trường hợp gần đây nhất là bệnh nhân nam 47 tuổi. Anh đến gặp bác sĩ với tâm trạng lo lắng vì “tự nhiên không thể nuốt được thức ăn. Những tưởng khó nuốt ở những thức ăn cứng nhưng không phải ngay cả uống nước người đàn ông này cũng rất khó khăn”.
Nam bệnh nhân sụt 15kg trong 1 tháng. Bệnh nhân được chỉ định nội soi toàn bộ đường tiêu hoá thấy có những biểu hiện co thắt từng đoạn.
“Chúng tôi tiến hành đo áp lực nhu động thực quản: thời gian và trương lực của cơ thắt tâm vị thực quản và độ giãn của cơ thắt thực quản dưới thì không thực hiện được khi nuốt và giảm co thắt các cơ dọc thành thực quản.
Đây là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán bệnh co thắt tâm vị không rõ nguyên nhân. Sau đó, bệnh nhân đã được điều trị bằng an thần và giãn cơ. Kết quả tình trạng không nuốt được của bệnh nhân đã được cải thiện”, PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào kể lại.
Không giống như nam bệnh nhân này, một trường hợp khác thì lại đi khám rất nhiều chuyên khoa nhưng …không thể chấn đoán, tìm ra nguyên nhân gây ra tình trạng “tự nhiên không nuốt nổi”.
“Bệnh nhân lo lắng không biết mình mắc bệnh gì, rất nhiều câu hỏi được đặt ra với bác sĩ. Thậm chí bệnh nhân nghĩ hay mình ung thư giai đoạn cuối thời gian sống chẳng còn là bao… Mà biểu hiện cũng chỉ là không thể ăn hay uống được”, PGS. TS Bích Đào cho hay.
Hình ảnh nội soi của bệnh nhân |
Với những biểu hiện này các bệnh nhân thường mắc bệnh co thắt tâm vị không rõ nguyên nhân (Achalasia). PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào cho biết, hiện tượng này xuất hiện khi thần kinh điều khiển vận động thực quản bị tổn thương, thức ăn và nước uống không thể đẩy xuống dạ dày được nữa.
“Nuốt khó là triệu chứng nổi bật các bệnh nhân co thắt tâm vị. Khó nuốt thức ăn đặc gặp ở hầu hết các bệnh nhân. Khó nuốt thức ăn lỏng chiếm khoảng hai phần ba các trường hợp.
Bệnh thường gặp ở những người trên 40 tuổi, nữ nhiều hơn nam. Số bệnh nhân khai thác được xuất hiện sau những sang chấn tâm lí lên tới 80%”, PGS. TS. BS Phạm Bích Đào nhấn mạnh.
Ngoài ra, theo PGS. TS. BS Phạm Bích Đào, căn bệnh này còn có triệu chứng nôn. Biểu hiện này gặp ở 60-90% bệnh nhân. Hiện tượng thường xảy ra sớm sau ăn hoặc khi nằm nghiêng.
Đau ngực gặp ở một phần ba trong tổng các bệnh nhân co thắt tâm vị. Đau, rát bỏng ở vị trí sau xương ức và thường xảy ra sau ăn đối với bệnh nhân mắc bệnh này. Ngoài ra bệnh nhân còn có thể gặp các triệu chứng khác như sụt cân (liên quan đến khó nuốt và nôn) hay viêm phổi hít: ho thường xuyên vào đêm và khó thở do hít phải thức ăn.
Nếu không được điều trị kịp thời người bệnh rất dễ bị suy dinh dưỡng, viêm phế quản, viêm phổi hít và là yếu tố thuận lợi gây ung thư thực quản.
Bởi, bệnh co thắt tâm vị có đặc điểm nổi bật là rối loạn hoạt động của thực quản. Đoạn cuối của thực quản đổ vào dạ dày bị co thắt và hẹp lại, còn đoạn trên bị giãn to ra. Bệnh nhân có thể bị tử vong đột ngột do phản xạ tim mạch hay dây thần kinh X, do ngạt thở vì trào ngược thức ăn vào khí quản, do suy dinh dưỡng ở giai đoạn muộn…
Do đó, PGS. TS. BS Phạm Thị Bích Đào khuyến cáo người dân cần có chế độ sinh hoạt điều độ và tự cân bằng cuộc sống đồng thời đi khám sớm chuyên khoa ngay sau khi có biểu hiện nhẹ là căng thẳng và nuốt hơi nghẹn để có sự hỗ trợ của bác sĩ sớm tránh để lại những hậu quả đáng tiếc.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng lưu ý người mắc bệnh co thắt tâm vị bệnh nhân cần ăn thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, nuốt từ từ, không nên ăn thức ăn quá nóng hay quá lạnh.
Đồng thời cần giảm ăn gluxid, ăn tăng protid và thức ăn chứa nhiều vitamin nhóm B như thịt, ngũ cốc, hoa quả chín. Ngoài ra người bệnh cũng cần được điều trị triệt để các bệnh nhiễm khuẩn như: lao, giang mai, mụn nhọt, áp-xe… Bỏ hút thuốc lá, thuốc lào, bỏ uống rượu.
N. Huyền