Bộ Y tế: Truyền thông phải đi trước một bước
Ảnh minh họa. |
Quan tâm hơn tới tuyên truyền
Với phương châm truyền thông chủ động, truyền thông đi trước một bước, Bộ Y tế đã chỉ đạo, quán triệt trong toàn ngành y tế việc thực hiện và tăng cường công tác truyền thông cung cấp thông tin y tế; chủ động cung cấp thông tin thường xuyên, đột xuất cho báo chí, xử lý kịp thời và hiệu quả các thông tin nóng về y tế. Các cơ sở y tế trên toàn quốc và ngành y tế các địa phương ngày càng chú trọng và thực hiện hiệu quả công tác cung cấp thông tin y tế.
Phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Y tế với các cơ quan báo chí tuyên truyền phổ biến kiến thức sức khỏe cũng như các chủ trương, chính sách và hoạt động ngành y tế; thông qua hàng chục cuộc giao ban Tổng Biên tập, hơn 20 cuộc họp báo, gặp mặt báo chí do Bộ Y tế tổ chức; cung cấp tin, bài, mời hàng trăm lượt phóng viên của hàng trăm cơ quan báo chí tham gia các hoạt động của ngành y tế; hợp tác với gần 40 đài, báo chí xây dựng hơn 3.000 tin, bài, phóng sự, hơn 50 lượt diễn đàn, giao lưu, tọa đàm trực tuyến, đối thoại…
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho rằng, Bộ Y tế đã sử dụng đồng bộ các loại hình truyền thông với phương châm phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức, kết hợp giữa truyền thông đại chúng, truyền thông xã hội với truyền thông trực tiếp tại cộng đồng để chuyển tải những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân; phổ biến kiến thức chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe đến các nhóm đối tượng đích, đến người dân.
Lồng ghép thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của ngành y tế với chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa mới ở gia đình, làng, bản, cơ quan, đơn vị văn hoá và các phong trào, cuộc vận động khác đang được triển khai.
Còn nhiều nơi ngại tiếp xúc báo chí
Tuy nhiên, với nhu cầu vận động của xã hội dường như chưa đủ để đáp ứng như cầu của các phóng viên, nhà báo theo dõi mục y tế. Ví dụ, nhà báo Thái Bình, báo Sức khỏe Đời sống cho rằng hiện nay vấn đề phòng chống dịch bệnh, chất lượng dịch vụ tế, quá tải bệnh viện, chất lượng thuốc, vắcxin... luôn được cộng đồng quan tâm vì vậy để cộng đồng hiểu hơn về những vấn đề này, ngành Y tế cần chủ động có những chiến lược, kế hoạch thông tin, truyền thông dài hạn, cụ thể, thường xuyên nhằm định hướng nội dung thông tin cho báo chí.
Tuy ngành Y tế đã có quy chế về việc phát ngôn thông tin, nhưng trên thực tế không phải mỗi khi có sự kiện gì xảy ra liên quan đến các lĩnh vực cụ thể của ngành Y tế, báo chí đều nhận được câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng để cung cấp thông tin cho bạn đọc.
Bên cạnh đó, mặc dù lãnh đạo Bộ Y tế đã có Chỉ thị, yêu cầu các cơ sở y tế chủ động cung cấp thông tin về những hoạt động của đơn vị, đặc biệt là những kỹ thuật mới, ca bệnh hay… nhưng hiện nay dường như mới chỉ thực hiện ở các bệnh viện lớn.
Vẫn còn nhiều bệnh viện, nhất là tuyến dưới vẫn chưa chủ động cung cấp thông tin ngay trên chính trang web của đơn vị; tại một số đơn vị của ngành Y tế, phóng viên muốn viết chân dung về bác sĩ cũng phải xin ý kiến lãnh đạo đơn vị…
Do đó, ngành Y tế cần yêu cầu lãnh đạo các đơn vị đó thực hiện đúng quy chế phát ngôn cho báo chí, tránh để báo chí tự tìm thông tin, dễ dẫn đến việc thông tin thiếu tính chính xác, khách quan. Đồng thời xem xét bỏ những thủ tục rườm rà đối với báo chí…
Bên cạnh đó, ngành Y tế cũng chủ động phản hồi lại với các tòa soạn báo chí về những thông tin chưa chính xác liên quan đến hoạt động của Ngành để báo chí kịp thời có sự điều chỉnh thông tin, tránh gây hiểu nhầm cho dư luận.
Hiện nay, ngành y đang huy động nguồn lực đầu tư cho các hoạt động truyền thông, chú trọng đầu tư các trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cần thiết phục vụ thực hiện các nhiệm vụ truyền thông giáo dục sức khoẻ. Thường xuyên chỉ đạo, quản lý, giám sát và đánh giá việc tổ chức thực hiện các hoạt động truyền thông giáo dục sức khoẻ để nâng cao chất lượng, hiệu quả và đạt được các mục tiêu đề ra.