Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Phải đi tiên phong chấp nhận cái mới
Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại diễn đàn CEO 2019 diễn ra chiều 5/4.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, đổi mới sáng tạo bao giờ cũng bắt đầu từ nhận thức và tư duy.
Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp là sử dụng công nghệ số để tự động hóa, thông minh hóa toàn bộ quá trình sản xuất kinh doanh. Từ khóa quan trọng nhất là thông minh hơn và tiếp tục thông minh hơn trong mọi hoạt động. Công cụ quan trọng nhất giúp ích trong quá trình này là công nghệ số, công nghệ 4.0.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng |
Đổi mới sáng tạo diễn ra đúng lúc này, hạ tầng cũ, cách làm cũ, tri thức cũ, sản phẩm, mô hình cũ…không còn phù hợp. Chúng ta cần đổi mới, cách làm mới, tri thức mới, sáng tạo mới, mô hình kinh doanh mới… rất nhiều thứ đơn giản là làm ngược lại.
“Trước đây tìm mọi cách để tránh sai lầm còn nay sai nhanh hơn với chi phí rẻ hơn. Trước đây học trước làm sau còn nay là làm trước học sau, vì cái mới chưa có nên không thể học mà chỉ có thể thử. Trước đây có việc trước tìm người sau còn nay là tìm người phù hợp trước rồi mới nghĩ đến làm gì vì việc làm mới nên cần những người giống nhau ở chỗ đam mê, khám phá. Trước đây sức mạnh của doanh nghiệp là đông người còn nay là ít người để phản ứng nhanh, chuyển động nhanh. Với cách tiếp cận này thì quan trọng nhất với các CEO là tìm cách tiếp cận mới trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh”, Bộ trưởng nói.
Dưới góc nhìn của kinh tế số, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, đổi mới sáng tạo là tập trung vào chuyển đổi số để trở thành doanh nghiệp số. Chính phủ tập trung vào tạo môi trường pháp lý, cho phép các mô hình kinh doanh mới, ứng dụng công nghệ mới đột phá.
"Mọi cá nhân, doanh nghiệp và chính phủ đều có thể sử dụng công nghệ số đột phá để thay đổi về chất công việc của mình. Cách nhanh nhất để đẩy nhanh nền kinh tế số là sử dụng công nghệ số để thay đổi cách chúng ta đang sản xuất và làm việc", ông nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, phải khởi nghiệp công nghệ số, phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Dùng công nghệ số để giải quyết vấn đề Việt Nam, bài toán Việt Nam. Khởi nghiệp công nghệ số, phổ cập công nghệ số sẽ giúp Việt Nam số hóa nền kinh tế rất nhanh.
Công nghệ số sẽ sinh ra những mô hình kinh doanh mới, thách thức mới, hoặc thay thế mô hình kinh doanh cũ.
Ví dụ Uber đang thách thức taxi, Fintech thách thức ngân hàng truyền thống…Vấn đề của Chính phủ là có dám chấp nhận các mô hình kinh doanh mới này hay không.
“Nếu dám chấp nhận nhưng lại là người sau cùng chấp nhận thì cũng không có nhiều giá trị. Bởi vậy, nói số hóa nền kinh tế là một cuộc cách mạng về chính sách nhiều hơn là cách mạng về công nghệ.
Đầu tiên phải là chấp nhận các mô hình kinh doanh mới, chấp nhận các công nghệ mới làm thay đổi căn bản các ngành, thường là sự sáng tạo mang tính phá hủy. Chúng ta chấp nhận cái mới thì công nghệ mới của thế giới sẽ về, người tài trên toàn cầu sẽ về và nền công nghiệp mới sẽ xuất hiện và cái nôi Việt Nam sẽ tạo ra các sản phẩm công nghệ số xuất khẩu được nhưng phải là sự chấp nhận sớm, sớm hơn người khác”, Bộ trưởng cho hay.
Theo Bộ trưởng, đi sau người khác, đi cùng người khác không thay đổi thứ hạng của Việt Nam. Khi chấp nhận cái mới chúng ta có thể mất một số thứ nhưng chúng ta không có quá nhiều thứ để mất và đó là cơ hội của chúng ta.
“Những thách thức đổi mới sáng tạo rất lớn nhưng cơ hội cho những nước phát triển như chúng ta càng lớn hơn, và đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng, thành nước phát triển vào năm 2045. Mỗi doanh nghiệp có cách làm riêng về đổi mới sáng tạo để phát triển doanh nghiệp, tái tạo chính mình, đóng góp cho sự phát triển của xã hội”, ông nói.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn |
Phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn CEO 2019, Phó thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, nên không nằm ngoài cuộc cách mạng mang tính toàn cầu này. Trong cuộc cách mạng này, Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng có cơ hội và vận hội mới để bứt phá và rút ngắn khoảng cách phát triển với các nước. Và cũng trong cuộc cách mạng 4.0, đổi mới sáng tạo là yếu tố sống còn đối với mỗi doanh nghiệp.
Chính phủ sẽ tạo mọi điều kiện hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Trong năm 2019, Chính phủ chỉ đạo xây dựng Đề án Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) đầu tiên của Việt Nam.
Doanh nghiệp cần hành động ngay, kịp thời, quyết liệt, khẩn trương để có thể đạt được kết quả cụ thể về đổi mới sáng tạo trong từng ngành, từng lĩnh vực. Mỗi doanh nghiệp phải là một trung tâm đổi mới sáng tạo và trong sự nghiệp này, để thành công, doanh nghiệp không thể đi một mình mà phải gắn kết và đi cùng nhau. Chính phủ, bộ ngành và địa phương cam kết, sát cánh đồng hành với doanh nghiệp trong sự nghiệp đầy khó khăn thách thức nhưng rất nhiều tiền đồ và tương lai phía trước.