Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch sẽ thăm Việt Nam
Mục đích chính của chuyến thăm nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác song phương. Chuyến thăm sẽ chú trọng thúc đẩy mối quan tâm ngày càng mạnh mẽ của các doanh nghiệp Đan Mạch đối với thị trường Việt Nam.
Tại Hà Nội, ông Jensen sẽ có cuộc gặp làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh và chào xã giao Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông sẽ đồng chủ toạ Cuộc họp Uỷ ban Liên Chính phủ Việt Nam-Đan Mạch cùng với Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng. Ông cũng sẽ đến thăm một trường tiểu học ở quận Long Biên để trực tiếp tìm hiểu việc thực hiện viện trợ phát triển chính thức (ODA) của Đan Mạch ở Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực văn học trẻ em và hợp tác giáo dục. Tại thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng sẽ gặp lãnh đạo Uỷ ban Nhân dân thành phố.
Trong chuyến thăm hai ngày tới, Bộ trưởng Jensen cũng sẽ thăm các công ty Đan Mạch gồm Mascot, chuyên sản xuất quần áo bảo hộ lao động; ScanCom, hãng sản xuất đồ gỗ ngoài trời; và Osterberg, cửa hàng kem Đan Mạch đầu tiên ở Việt Nam.
“Chuyến thăm Việt Nam lần này của Bộ trưởng Ngoại giao Đan Mạch đánh dấu 45 năm quan hệ giữa Đan Mạch và Việt Nam. Mục đích của chuyến thăm là để đảm bảo hai nước chúng ta đẩy mạnh hơn nữa quan hệ đối tác thương mại và chính trị giữa hai bên. Việt Nam là thành viên then chốt ở Đông Nam Á và là ví dụ hàng đầu cho sự chuyển đổi hợp tác phát triển thành công sang quan hệ đối tác thương mại mạnh mẽ”, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, bà Charlotte Laursen, cho biết.
Đây sẽ là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Bộ trưởng Jensen nhằm mở rộng hơn nữa quan hệ đối tác Việt Nam-Đan Mạch, trong đó tập trung vào đối thoại chính trị, các hoạt động kinh tế, thương mại. Đan Mạch hiện tiếp tục duy trì viện trợ cho Việt Nam thông qua việc sử dụng kinh nghiệm và kiến thức của Đan Mạch trong lĩnh vực tăng trưởng xanh, thực phẩm và nông nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục để hỗ trợ chương trình nghị sự của Việt Nam là phát triển thành một nước hiện đại và có thu nhập trung bình cao vào năm 2035.
Hiện có khoảng 130 công ty Đan Mạch đang hoạt động tại Việt Nam. Thương mại song phương giữa hai nước tăng mạnh từ năm 2011 và các công ty Đan Mạch ngày càng quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam.
Từ năm 1999 Đan Mạch bắt đầu viện trợ cho lĩnh vực văn hóa tại Việt Nam thông qua Quỹ phát triển, hợp tác và trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Đan Mạch (gọi tắt là Quỹ Văn hóa Việt Nam - Đan Mạch) nhằm tài trợ cho các dự án nhỏ của Việt Nam trong các lĩnh vực bảo tồn di sản, xuất bản, giao lưu văn hóa, hỗ trợ nghệ sỹ ... Từ năm 1999 - 2005, Đan Mạch đã hỗ trợ 3 triệu DKK cho Quỹ. Cũng nhân chuyến thăm Việt Nam của Nữ hoàng Đan Mạch (11/2009), hai bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực văn hóa và nghệ thuật giai đoạn 2009-2014.
Năm 2006, Đan Mạch thông qua Chiến lược quốc gia về hợp tác phát triển của Đan Mạch đối với Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, trong đó có chiến lược cụ thể về hỗ trợ văn hóa Việt Nam nhằm thúc đẩy sự sáng tạo, khả năng tiếp cận và sự tham gia của người dân vào các hoạt động văn hóa nghệ thuật. Trong khuôn khổ chiến lược này, Đan Mạch đưa ra 7 dự án với tổng giá trị hỗ trợ là 13.895.000 DKK, gồm Quỹ Văn hóa Vùng và Dân tộc Thiểu số (2 triệu DKK); Quỹ Giao lưu văn hoá (3 triệu DKK); Dự án “Đối thoại giữa các nhà quản lý và hoạch định chính sách văn hoá” (960.000 DKK); Dự án Giáo dục Nghệ thuật (3,4 triệu DKK); Dự án “Văn học thiếu nhi” (1,9 triệu DKK); Dự án “Không gian Nghệ thuật” (1,8 triệu DKK) và Dự án “Quản lý các sự kiện nghệ thuật” (750.000 DKK).
Từ khi triển khai chiến lược văn hóa tại Việt Nam, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật giữa hai nước diễn ra ngày càng sôi động với nhiều sự kiện, chương trình văn hóa như Cuộc thi tài năng âm nhạc 2006; Tài năng múa đương đại 2007; Tài năng nghệ thuật trình diễn 2008; Tuần lễ hoạt động ngoại giao Đan Mạch tại Việt Năm 2007 v.v..