Bộ trưởng Giáo dục muốn "nâng tầm" góp ý cho giáo dục
Phân luồng học sinh sau THCS và THPT là chủ đề cuộc hội thảo được Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 20/12.
Tại đây, ngoài những nguyên nhân muôn thủa như tâm lý sính bằng cấp, địa vị xã hội, cơ hội thăng tiến, việc làm và thu nhập của học sinh tốt nghiệp trường nghề thấp hơn thu nhập của người tốt nghiệp đại học… những người tham dự hội thảo còn đưa ra một loạt nguyên nhân khiến công tác phân luồng học sinh không được như mong muốn, trong đó có những nguyên nhân khiến Bộ trường GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho rằng nghe xong cũng… giật mình.
|
Ảnh minh họa. (Ảnh: Văn Chung) |
Mục tiêu chưa rõ ràng
Chiến lược phát triển giáo dục 2011 – 2020 chỉ rõ: “Đến năm 2020 các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có đủ khả năng tiếp nhận 30% số học sinh tốt nghiệp THCS, tỉ lệ lao động qua đào tạo nghề nghiệp và đại học đạt khoảng 70%”. Theo Vụ Kế hoạch Tài chính Bộ GD-ĐT, đây là cơ sở để xác định các tiêu chí phân luồng học sinh. Cụ thể là đến năm 2020 số học sinh tốt nghiệp lớp 9 bình quân hàng năm trong thời kỳ này dự kiến khoảng 1,3 triệu người. Chỉ số phân luồng theo định hướng đã nêu là 30% đi vào giáo dục nghề nghiệp, tương đương với tuyển mới khoảng 390.000 người/ năm. Nếu tính từ các nguồn khác (số đi học lại nghề, số tốt nghiệp THPT…) thì số tuyển mới vào giáo dục nghề nghiệp có thể lên tới 550.000 người/ năm.
Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm học 2010 – 2011 số học sinh tốt nghiệp THCS vào học TCCN là 22.087 tương ứng khoảng 1,8%, năm học 2011 – 2012 là 22.865 học sinh, tương ứng gần 2%. Quy mô tuyển sinh vào CĐ và ĐH năm học 2011 – 2012 tăng hơn năm học trước đưa quy mô tuyển sinh vào ĐH và CĐ trên 433.000 sinh viên, chiếm 46,5% học sinh tốt nghiệp THPT. Trong khi đó học sinh tốt nghiệp THPT vào học TCCN là 208.833 học sinh, chiếm 22,4%. Phần còn lại học nghề hoặc chưa tiếp tục học. |
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đường, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), nêu thắc mắc: “Tại sao đưa ra chỉ tiêu học nghề là 30% mà không phải là 40, 50%? Các nước trên thế giới phân luồng không giống nhau do cấu trúc kinh tế khác nhau. Do đó, nước ta không thể áp dụng kinh nghiệm phân luồng của nước nào được. Tùy thuộc vùng miền, kinh tế…. việc phân luồng phải linh hoạt tùy theo điều kiện rất cụ thể của từng lĩnh vực, từng ngành.
Và nếu phân luồng đúng 30% thì để làm gì? Quan trọng là phải định hướng phân luồng đi đâu, phân luồng như thế nào?”.
Ông Đường nhận xét trong Quy hoạch phát triển nhân lực đến năm 2020 có đưa ra các số liệu, nhưng không thể trên cơ sở đó mà phân luồng vì các dữ liệu là dự báo dựa trên các kịch bản kinh tế khác nhau. “Nhưng vài năm trở lại đây, kinh tế đã khác so với dự báo. Hơn nữa, đây là dự báo chứ không phải kế hoạch, không phân rõ ràng theo kiểu cần bao nhiêu nhân lực nghề điện tử, bao nhiêu theo cơ khí… Nếu không gắn cụ thể với các ngành nghề, yêu cầu xã hội thì sẽ không làm được. Nếu làm được theo đúng tỉ lệ có khi lại là nguy hại, vì đào tạo không đúng nhu cầu xã hội sẽ lại thất nghiệp, gây lãng phí lớn” - ông Đường nhấn mạnh.
Bài toán chi phí không hấp dẫn
Ông Bùi Văn Dũng, hiệu trưởng trường Trung cấp Xây dựng số 4 (Xuân Hòa, Vĩnh Phúc) nhận xét qua thực tế hoạt động của nhà trường: Mô hình trung cấp hệ 3 năm (3 năm 2 bằng) còn mới, nhà trường vất vả, nhưng chưa thu hút được học sinh bởi nhiều lý do: Trong khi địa phương có chế độ ưu đãi học sinh đi học nghề, ngoài việc miễn học phí còn hỗ trợ thêm từ 350 – 450 nghìn đồng/ tháng/ học sinh, thì học sinh TCCN hệ 3 năm mới được giảm 50% học phí.
Chương trình học lấy 1 bằng trung cấp của trường rất tốt, tuy nhiên lại gặp khó khăn ở chỗ: Mặc dù các văn bản Nhà nước nói học sinh TCCN được thi ĐH, CĐ, nhưng các đơn vị tuyển sụng lại chỉ yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT. Ông Dũng cho rằng bếu bây giờ có quy định các thông báo tuyển dụng không yêu cầu bằng tốt nghiệp THPT nữa thì sẽ phân luồng rất tốt.
Ông Phạm Ngọc Thanh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM cho rằng: “Trong một xã hội chuộng bằng cấp, có thể hiểu vì sao việc phân luồng học sinh THCS vào trường nghề, TCCN lại trầy trật.
Nhưng nói đi phải nói lại, những chính sách ưu đãi cho đào tạo nghề hiện nay chưa đủ thuyết phục phụ huynh, học sinh lựa chọn học nghề”. Các số liệu cho thấy, hiện nay, học phí các trường lớp 10 công lập dao động ở mức 90 – 120 nghìn đồng/ tháng, giáo dục thường xuyên thấp hơn, chỉ ở mức 65- 70 nghìn đồng/ tháng, trong khi đó học phí học nghề và TCCN một năm từ 2 – 4 triệu đồng. Chị Huỳnh Thị Kim Liên, phụ huynh học sinh một trường THCS quận 7, TPHCM tâm sự: Nếu con tôi thi rớt lớp 10, một là cho nghỉ học, hai là học bổ túc văn hóa, chứ tiền đâu học nghề?”
“Gốc ở phổ thông và chết ngay từ phổ thông”
Đây là cách ví von của ông Lê Đông Phương, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam khi nói về công tác phân luồng. Ông Phương cho biết “Về vùng sâu vùng xa, tôi thấy nhiều học sinh lớp 12 không có tài liệu nào ngoài quyển “Những điều cần biết…”. Giáo viên thì không thích dạy hướng nghiệp. Học sinh ở không được tư vấn ở trường, nhưng lại được gia đình “cố vấn”, bạn bè “xui”… Các em phải chịu áp lực từ người lớn.
Rồi những nơi tổ chức tư vấn hướng nghiệp, thì học sinh nông thôn được thông tin về những nghề rất xa lạ, học sinh thành phố lại nghe về trồng trọt, chăn nuôi… Cứ như thế, hoạt động giáo dục hướng nghiệp chết luôn từ trường phổ thông”.
Kết quả khảo sát về phân luồng học sinh sau THPT của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam năm 2011 cho thấy có tới 97,7% trong tổng số 1.737 học sinh của 20 trường THPT trên 10 tỉnh/ thành phố đại diện cho 3 vùng Bắc, Trung và Nam trả lời sẽ thi vào đại học sau khi tốt nghiệp THPT, trong đó có 4 tỉnh (Hưng Yên, Thanh Hóa, Quảng Nam và Đồng Nai) con số này là 100%. |
Còn theo ông Nguyễn Minh Đường, học sinh vừa là đối tượng, vừa là chủ thể trong công tác phân luồng, do đó “Các em phải được giáo dục rất tốt chứ không phải như hiện nay. Phải cho học sinh biết bức tranh chân thực, cái gì thừa cái gì thiếu, định hướng cho học sinh vào đâu… Hiện nay thông tin của các trường nghề đang theo kiểu cái gì cũng tốt, nghề gì cũng hay. Việc tuyên truyền như thế là không được”.
Ông Bùi Văn Dũng thì cho rằng các phương tiện thông tin đại chúng cũng góp phần làm hạn chế phân luồng: “Báo chí mới chỉ đưa thông tin, ca ngợi những gia đình khó khăn nuôi 3, 4 con vào đại học, chứ chẳng có báo nào ca ngợi gia đình có nhiều nghệ nhân làm nghề”.
Bộ trưởng đặt hàng
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận ví von: Hiện nay đang có một con đường chính đi từ THCS lên THPT, bên cạnh đó là con đường mòn ngoằn ngoèo đi TCCN và dạy nghề, chỉ những người “sa cơ lỡ vận” mới bước vào. “Tất cả những người đang ngồi bàn giải pháp phân luồng ở đây nhìn lại, thì sẽ thấy con cháu mình cũng có đi học nghề đâu, vì đây rõ ràng là một con đường chưa ổn, chưa an toàn. Việc của chúng ta là phải tạo lập được con đường an toàn, tới đích. Có thể thời gian sẽ dài hơn nhưng rẻ hơn, ổn định hơn, thì người ta sẽ chấp nhận”.
Một loạt giải pháp cho vấn đề phân luồng đã được đại diện nhiều sở GD-ĐT, đại diện các trường nghề đưa ra. Tuy nhiên, những giải pháp này, theo nhận xét của ông Phạm Vũ Luận, mới chỉ là những giải pháp giữa Bộ GD-ĐT với các trường. “Nếu tập trung quá nhiều kiến nghị nội bộ sẽ không có lối thoát cho vấn đề này” – ông Luận khẳng định. Vì vậy, ông Luận “đặt hàng” các đại biểu, sau hội thảo này cần có những khuyến nghị ở tầm vĩ mô, Bộ GD-ĐT phải làm gì, các bộ ngành sử dụng lao động phải làm gì, UBND các tỉnh thành làm gì, ngành giáo dục phối hợp như thế nào với các bộ ngành khác…
“Chủ yếu là cơ chế và chính sách khuyến khích học sinh học nghề, nhà trường đào tạo nghề, các doanh nghiệp sử dụng nhân lực… Rồi sau đó mới bàn tới việc đổi mới hoạt động nhà trường” – ông Luận đề nghị.
Nguồn: vietnamnet.vn