Bố mẹ cậu bé đạt HCV Toán quốc tế phải ở trong lán căng áo mưa
Chú Nguyễn Văn Hòa (bố của Hoàn) làm nghề phụ hồ nhiều năm nay trên thành phố. |
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xã Hòa Bình, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, Nguyễn Thế Hoàn (học sinh lớp 12A1, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) đã giành Huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế. Bố mẹ cậu đang làm phụ hồ cho các công trình xây dựng trên thành phố nhiều năm nay để có tiền cho con ăn học.
Tìm đến chỗ làm của bố mẹ Hoàn ở thị trấn Trâu Qùy, Gia Lâm vào buổi sáng đầu đông mưa phùn,chú Nguyễn Văn Hòa (SN 1972) – bố của Hoàn cho biết, theo tổ làm công trình nhà dân ở đây từ tháng 4/2014.
“Nghề phụ hồ này gần như không nghỉ, cô chú còn cầu trời không mưa để không mất ngày công làm việc” - chú Hòa thật thà tâm sự.
Ốm đau không dám nghỉ
Cô Nguyễn Thị Thảnh (mẹ của Hoàn – SN 1976) tâm sự, từ ngày Hoàn lên Hà Nội học trường chuyên, cô cũng theo chồng đi làm các việc phụ như bê gạch, đảo vữa...
Bố mẹ của Hoàn không dám nghỉ ngày nào vì mất ngày công làm việc. |
Ngày trước, để nuôi hai con ăn học ở quê, ngoài 3 sào ruộng, cô Thảnh tranh thủ làm may, còn chú Hòa làm bốc vác gạo kiếm đồng ra đồng vào. Năm Hoàn thi vào cấp 3, cậu đỗ cả 3 trường chuyên ĐH Sư Phạm, THPT Chuyên KH&TN và chuyên của Thái Bình. Nhưng với mong muốn phấn đấu tại ngôi trường đào tạo ra nhiều nhân tài, Hoàn xin bố mẹ lên Hà Nội theo học THPT Chuyên KH&TN với lời hứa nếu một năm không theo được sẽ về quê học.
Thấy quyết tâm của con, thương con, vợ chồng chú Hòa gật đầu đồng ý và khăn gói theo công trình làm phụ hồ khắp Hà Nội để đủ chi trả chi phí việc học của con.
“Ngã đâu cũng là nhà”, hai vợ chồng nay đây mai đó theo các cánh thợ hơn 3 năm nay. Làm công trình ở đâu thì dựng lán phông bạt, mảnh áo mưa, đủ che mưa che nắng, sống qua ngày.
Công việc của cô Thảnh làm đủ việc để phụ thợ xây từ việc vận chuyển gạch, đảo vữa, lau gạch lát... |
Cô Thảnh kể về công việc của mình một ngày làm 9 tiếng (từ 6 giờ sáng - 11 giờ trưa và 1 giờ chiều đến 5 giờ 15 chiều), với 130 nghìn đồng/ ngày công và 20 nghìn đồng tiền ăn/ngày. Những ngày mưa hay ốm vặt cô không dám nghỉ vì mất ngày công làm việc, có tháng ít việc chỉ được 20 ngày công.
Có lần bị “tai nạn” gạch rơi từ trên tầng 2 xuống lưng, cô không thở được, mọi người phải dìu vào lán nghỉ và đưa vào bệnh viện. Cô nhớ lại: “Cũng may mắn xương cốt không làm sao nhưng tôi phải nghỉ làm mấy ngày. Làm nghề này ốm thật nặng mới dám nghỉ vì sợ nghỉ họ thuê người khác thì mình mất việc”.
Trung bình, hai vợ chồng cô thu nhập khoảng 6-7 triệu/tháng, gửi về cho bà nội dưới quê và lo chi phí học tập, sinh hoạt của Hoàn. Năm đầu tiên Hoàn học trên Hà Nội, tháng nào cô Thảnh cũng ghi chép số tiền đưa cho con vừa học phí, tiền sinh hoạt, sách vở…tổng hết 58 triệu đồng/ năm.
“Tết năm ấy hai vợ chồng phải mượn anh cai thầu 3 triệu đồng để về ăn Tết, chứ làm nghề này chẳng đủ. Cũng may, những năm sau mất ít hơn”, mẹ của Hoàn nhớ lại thời kỳ khó khăn. Xác định tốn kém nên hai vợ chồng ăn chẳng dám ăn, tiêu gì.
Nói về nghề phụ hồ này, chú Hòa nói vui rằng: “Chẳng nghề nào vất vả như nghề thợ xây đâu cháu ạ”. Chú kể, vào những ngày nắng mồ hôi ướt đẫm áo, nắng gắt ốm cảm mà không dám nghỉ ngày nào; ngày mưa đứng giữa trời làm móng nhà, cuối buổi bị sốt, hôm sau vẫn phải cố dậy đi làm tiếp. Thời gian ở lán, mưa ướt ngập, hai vợ chồng phải tát để lấy chỗ ngủ.
Cả làng khâm phục
Bác Lê Văn Ổn – người làm cùng công trình với vợ chồng cô Hòa cũng là người cùng làng cho biết: “Làm với nhau hơn 5 năm rồi, vợ chồng nó chịu khó làm ăn lắm. Chịu đựng khó khăn, bữa cơm đạm bạc chi tiêu dè xẻn tiết kiệm nuôi hai đứa con ăn học”.
Còn anh Nguyễn Văn Công (27 tuổi) – người cùng làng bày tỏ: “Qúa khâm phục cô chú và nỗ lực của Hoàn. Đi làm nghề phụ hồ ngoài này chẳng được bao nhiêu, phải tiết kiệm từng đồng, từng hào lắm mới nuôi con học như vậy”.
“Lúc đó hai vợ chồng đang làm, đứa cháu gái ở quê gọi điện nói vừa đọc báo thấy Hoàn giành huy chương vàng, cô chú về mổ lợn ăn mừng thôi. Tôi không tin, bảo mẹ cháu sang xem mạng nhờ hàng xóm và thấy đúng như vậy. Lập tức, hai vợ chồng bỏ làm về quê để đón cháu ở sân bay. Chẳng có niềm vui gì bằng!”, chú Hòa bộc bạch.
Sau khi Hoàn trở về, trong làng hàng xóm láng giềng đến chật kín nhà hỏi thăm, chúc mừng. Cô Thảnh không giấu nổi xúc động kể lại: “Bà con bảo cơ cực cả đời cũng được mà có đứa con ngoan, học giỏi như vậy cũng phấn khởi. Thấy con vậy, dù vất vả đến mấy vợ chồng tôi cũng thấy vui”.
Cô Thảnh hạnh phúc khi đưa cho tôi xem đồ đạc giá trị nhất của vợ chồng cô ở trên thành phố, là những bằng khen, kỷ niệm chương vì thành tích học tập của con trai. |
Nâng niu trên tay từng bằng khen của con, cô Thảnh đưa tôi, nở nụ cười rạng rỡ, giọng xúc động nói: “Hoàn nói bố mẹ mang về quê vì ở phòng ký túc xá không có chỗ để. Từ lúc đi học năm nào cháu cũng có bằng khen".
Trả lời câu hỏi của tôi: “Cô chú sẽ làm đến bao giờ?”, chú Hòa tâm sự: “Mình là người lao động thì làm đến khi nào người yếu không làm được thì thôi. Vợ chồng tôi sẽ luôn nỗ lực theo sát bước chân của con.
Bữa cơm đạm bạc của vợ chồng chú Hòa. |
Hoàn bảo, ước mơ của cháu đi du học ở Mỹ, trường mà GS Ngô Bảo Châu làm thầy giáo ấy. Tôi chỉ biết cháu tâm sự như vậy nên động viên con phải cố gắng nhiều hơn nữa để đi tiếp con đường đã lựa chọn của mình để mang về vinh quang cho trường, quê hương. Vì bố mẹ không có tiền nên hiện tại, Hoàn phải tự học tiếng Anh, không đi luyện ở đâu cả".
Nguyễn Thế Hoàn (SN 1997) trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất của đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi Olympic Toán quốc tế và là một trong 3 em dành HCV cho đoàn.
Giành nhiều học bổng, bằng khen: Học bổng Phát triển toán học quốc gia của Viện Toán, học bổng Học sinh nghèo vượt khó có thành tích học tập tốt, học bổng Shinnyo-En của Nhật Bản…và bằng khen của Trường THPT Chuyên tự nhiên (ĐH Quốc gia). Là một trong những Gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2014.
Nguồn Soha