Bộ KH&CN bất ngờ thông tin về bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á
Tối muộn ngày 24/12, vào lúc 20h27’, Cổng thông tin chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) bất ngờ đăng thông tin chi tiết liên quan đến bộ kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Theo đó, Bộ KH&CN thông tin về nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng vi rút corona mới 2019 (2019-nCoV)” mã số ĐTĐL.CN.29/20, tức bộ kit xét nghiệm Covid-19 do Học viện Quân y phối hợp với Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á nghiên cứu sản xuất.
Theo nội dung đăng tải, nhiệm vụ cấp quốc gia nói trên có tên đầy đủ: “Nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm RT-PCR và real-time RT-PCR phát hiện chủng virus corona mới 2019 (2019-nCoV)”.
Tổng kinh phí chi từ ngân sách cho nhiệm vụ này là 18,980 tỷ đồng. Thời gian thực hiện theo hợp đồng đã ký kết từ tháng 2/2020 đến tháng 7/2021. Thời gian thực tế thực hiện từ tháng 2/2020 đến tháng 10/2021 sau khi được gia hạn đến tháng 10/2021.
Ông Phan Quốc Việt (TGĐ Công ty Việt Á) và PGS. TS Hồ Anh Sơn, Chủ nhiệm đề tài. |
Trước đó, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt đã ký Quyết định số 1517/QĐ-BKHCN ngày 09/6/2021 về việc điều chỉnh thời gian thực hiện đề tài trên.
Tổ chức chủ trì nhiệm vụ này là Học viện Quân y do Phó giao sư, Tiến sỹ Hồ Anh Sơn làm Chủ nhiệm nhiệm vụ.
Ngoài ra, có 16 thành viên khác thuộc nhóm nghiên cứu, trong đó có 4 thành viên thuộc Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á, số còn lại thuộc Học viện Quân y. Ông Phan Quốc Việt, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ Việt Á, người vừa bị khởi tố hình sự về hành vi vi phạm các quy định đấu thầu cũng có tên trong danh sách thành viên nhóm nghiên cứu.
Theo kế hoạch, Bộ KH&CN sẽ tổ chức đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ trong tháng 12/2021. Tuy nhiên, đến hôm nay, ngày 25/12, Bộ vẫn chưa có động thái cho thấy sẽ tổ chức việc đánh giá, nghiệm thu.
Theo kết quả tự đánh giá của nhóm nghiên cứu về bộ sinh phẩm đối với hiệu quả xã hội được Bộ KH&CN đăng tải vào tối 24/12: Hiện nay, hơn 20 quốc gia đã đàm phán mua bộ sinh phẩm, và đã xuất khẩu trên 500.000 test. Như vậy, chúng ta không phải mua những kit test chẩn đoán nước ngoài với giá thành cao, giúp giảm giá thành sản phẩm, điểm quan trọng nữa là giúp chủ động nguồn cung ứng, đáp ứng nhu cầu dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường hiện nay, đảm bảo sức khỏe cho nhân dân, giúp ổn định kinh tế xã hội.
Nhóm nghiên cứu tự đánh giá "đạt" về nhiệm vụ. |
Trước tình hình cấp bách cần phải chẩn đoán xác định ca bệnh nhiễm SARS-CoV-2 ở Việt Nam, theo dõi, cách ly, quản lý và điều trị thì sản phẩm của đề tài là các quy trình và bộ sinh phẩm real-time RT- PCR giúp phát hiện và xác định chính xác nhiễm SARS-CoV-2 từ các trường hợp nhiễm/nghi nhiễm.
Đây cũng là phù hợp với khuyến cáo của WHO là các quốc gia cần phát huy năng lực tự chẩn đoán xét nghiệm chủng SARS-CoV-2 khi dịch bệnh đang lây lan và bùng phát mạnh. Các bộ sinh phẩm này cần được nghiên cứu, được đánh giá chuẩn mực, tiếp cận với tiêu chuẩn quốc tế để đảm bảo kết quả phát hiện chính xác, tránh hiện tượng âm tính giả (bỏ sót ca bệnh) hay dương tính giả - có thể dẫn đến báo động giả, gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội.
Cũng trong phần tự đánh giá về những đóng góp của nhiệm vụ, đề tài đã nghiên cứu chế tạo thành công 2 bộ sinh phẩm RT-PCR sàng lọc và real-time RT-PCR phát hiện chủng 2019-nCoV là những sản phẩm nghiên cứu có hàm lượng khoa học cao, cũng như tính ứng dụng thực tiễn thể hiện bằng những chứng nhận, sản phẩm khoa học là quyết định cấp phép lưu hành 2 bộ sinh phẩm này của Bộ Y tế Việt Nam (Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 04/3/2020; số 5071/QĐ-BYT ngày 04/12/2020); Giấy chứng nhận kiểm nghiệm trang thiết bị y tế chẩn đoán in-vitro số 1160/VSDTTƯ - NCYS ngày 18/8/2020; Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh cũng đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Châu Âu (CE) và cấp giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sinh phẩm (20/4/2020)...
Ngân Giang
Vụ 'thổi giá' kit xét nghiệm: Người dân có được trả lại tiền chênh?
Trong trường hợp tính giá xét nghiệm là không đúng quy định pháp luật, gây thiệt hại đến người dân thì người dân được quyền nhận lại số tiền chênh lệch, đồng thời có quyền yêu cầu hoàn lại số tiền này.