Bộ GD&ĐT tăng cường truyền thông phòng chống mại dâm trong trường học
Ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT). |
Tại hội thảo Thực trạng và giải pháp thúc đẩy công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, ma túy, mại dâm năm học 2019-2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) phối hợp với Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương tổ chức chiều 17/12, ông Bùi Văn Linh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên (Bộ GD&ĐT) cho biết: Công tác phòng, chống tệ nạn xã hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, tạo môi trường lành mạnh, đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật, tệ nạn xã hội, trong đó đối tượng thanh niên, học sinh sinh viên có diễn biến phức tạp, người phạm tội ngày càng trẻ hóa, hành vi phạm tội tinh vi, khó phát hiện.
Nguyên nhân chủ yếu của tình trạng trên có thể kể đến những hạn chế, tác động tiêu cực từ môi trường trong thời kỳ “mở cửa, hội nhập”, mặt trái của kinh tế thị trường đã làm thay đổi những giá trị truyền thống, văn hóa, đạo đức xã hội. Những tư tưởng, lối sống thiếu lành mạnh như đã ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến học sinh, sinh viên, làm cho các em có nhận thức, định hướng sai lệch về cách sống.
Một số gia đình, cha mẹ ứng xử chưa chuẩn mực; phương pháp giáo dục con không đúng, quá nuông chiều hoặc ngược đãi đã ảnh hưởng, tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách của học sinh sinh viên, làm cho các em có những suy nghĩ, hành vi tiêu cực, lệch chuẩn dễ vi phạm pháp luật.
Đặc biệt, theo ông Linh, trước nay vẫn có quan niệm học sinh, sinh viên nghèo, kinh tế gia đình eo hẹp, khó khăn, không đủ lo chi trả cuộc sống sinh hoạt và học tập của bản thân mới tham gia vào tệ nạn mại dâm. Tuy nhiên, hiện nay nhóm học sinh, sinh viên có điều kiện kinh tế thoải mái, thích thể hiện, đua đòi cũng bất chấp hậu quả của các tệ nạn đó để tham gia vào.
Dù rằng theo kết quả báo cáo của Bộ Công an về số lượng vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động mại dâm, lượng học sinh, sinh viên tham gia hoạt động này đã ít đi, chiếm khoảng 0,3% trên tổng số vụ việc vi phạm, nhưng không thể vì thế mà chủ quan, coi thường việc giáo dục, nâng cao nhận thức.
Theo đại diện Bộ GD&ĐT, không ít người ban đầu “bước vào nghề” với ý nghĩ chỉ làm một thời gian ngắn rồi thôi, thậm chí chỉ một lần để kiếm một khoản tiền nhất định mà mình đang cần gấp. Nhưng thực ra đây chỉ là trò ngụy biện vì các em không thể cưỡng được sức hút của đồng tiền nên dần dần sẽ coi đó như là kế sinh nhai. Các em sẽ phải trả giá bằng chính cuộc đời các em và gia đình sau này.
Chung quan điểm này, TS. Nguyễn An - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trách nhiệm Xã hội cũng chỉ ra rằng, mại dâm đã không chỉ xảy ra ở ngoài trường học mà đã nhen nhóm và xuất hiện trong chính các trường học mà bản thân học sinh cũng không nhận thức được.
Theo đó, đã có những trường hợp học sinh bị chính thầy cô giáo trong trường học gạ gẫm quan hệ tình dục ngay tại trường học của mình và được hứa hẹn cho một số lợi ích nhất định hoặc bằng những vật chất nhỏ.
Hay có những em "chủ động" trao đổi để nhận tiền nhằm thỏa mãn nhu cầu cho bản thân như mua một chiếc điện thoại mới, đồ trang sức cho bằng bạn bằng bè.
Điển hình như câu chuyện của một học sinh lớp 11 tên T. tại một trường phổ thông ở Quảng Ninh bị dụ dỗ bán dâm nhưng lại biến thành “tú bà” nhí và sa vào tù tội.
TS. An cho rằng, chính vì sự nhận thức chưa đầy đủ ở lứa tuổi vị thành niên nên ngày càng gia tăng tình trạng học sinh rơi vào tệ nạn mại dâm mà không nhận thức được…
Trước thực trạng này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh sinh viên Bùi Văn Linh đề nghị các Sở Giáo dục, các nhà trường quán triệt và triển khai nghiêm túc các chủ trương, chính sách, quy định về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội trong đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh sinh viên; bảo đảm tốt nhất và an toàn về thể chất và tinh thần cho tất cả các thành viên trong nhà trường.
Đồng thời, các Sở các nhà trường cũng phải tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, các quy chế, quy định, nội quy của nhà trường. Phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên cán bộ, giáo viên trong việc lồng ghép, tích hợp công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội vào nội dung một số môn học và hoạt động giáo dục của nhà trường bảo đảm phù hợp, hiệu quả...