Bộ Công thương muốn “quản” Uber theo “tư duy mới”
Trong văn bản Bộ Công thương vừa gửi lên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng nhận định, quản lý Nhà nước về hoạt động taxi ứng dụng mô hình Uber cần một “tư duy quản lý mới”. Trích dẫn các điều khoản trong Nghị định 52 về thương mại điện tử, Thứ trưởng Hưng cho rằng, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động thương mại điện tử trên mạng viễn thông di động nói chung, và mô hình sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiếp bị di động nói riêng.
Thừa nhận thực tế đang có nhiều phản ứng trái chiều từ Hiệp hội taxi, khách hàng, đại diện Uber, ông Hưng khẳng định câu trả lời cuối cùng phụ thuộc vào kết luận của Bộ Giao thông Vận tải.
Hoạt động loại hình taxi Uber tại Việt Nam đang còn gây nhiều tranh cãi |
Điều quan trọng nhất, theo Bộ Công thương là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của Uber có phải đơn vị kinh doanh vận tải hay không. Nếu là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, ứng dụng Uber có tính năng tương tự một website thương mại điện tử. Còn nếu đây là đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, tức là Uber chỉ cung cấp giải pháp công nghệ cho phép các lái xe và công ty kinh doanh hoạt động kinh doanh của mình thì ứng dụng của Uber có tính năng tương tự với sàn giao dịch thương mại điện tử.
Sàn giao dịch này dành riêng cho loại hình dịch vụ đặc thù là dịch vụ vận tải hành khách, Uber với chức năng là chủ sàn giao dịch thương mại điện tử có nghĩa vụ đảm bảo rằng các thương nhân cung cấp dịch vụ trên sàn của mình đáp ứng quy định của pháp luật đối với loại hình dịch vụ này, cụ thể là quy định về điều kiện kinh doanh vận tải hành khách tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Trong trường hợp này, Uber đang hoạt động như một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tằng thiết bị di động. Do vậy, hiện nay chưa có cơ chế cũng như công cụ để quản lý ứng dụng Uber và các ứng dụng tương tự trên nền tảng thiết bị di động.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng này cho rằng, dù xếp Uber vào loại hình kinh doanh vận tải hay đơn vị cung cấp dich vụ hỗ trợ, thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bở các quy định pháp luật hiện hành ở Việt Nam. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính và Bộ Giao thông Vận tải, Ngân hàng Nhà nước… cần phối hợp nghiên cứu phương án để quản lý về cách tính cước phí, thuế, thanh toán cho phù hợp thực tế.