Biến chủng SARS-COV-2 mới ở Anh hay Nam Phi đáng lo ngại hơn?
Hiện nay, biến chủng mới SARS-COV-2 đã xuất hiện ở Anh và ở Nam Phi. Trong đó, các chuyên gia cho rằng biến chủng ở Nam Phi đáng lo ngại hơn.
Hiện thông tin về các ca lây nhiễm Covid-19 mới ở Việt Nam đang có tốc độ lây nhiễm nhanh do mắc phải chủng virus SARS-COV-2 mới.
Về những thông tin biến đổi chủng virus này, TS Nguyễn Hồng Vũ – Viện nghiên cứu City of Hope, California, Mỹ cho biết tốc độ lây lan như hiện nay với các "mẻ" xét nghiệm hàng trăm người là do tốc độ lây nhiễm của chủng virus mới này rất nhanh. Có nghiên cứu chỉ ra tốc độ lây nhanh khoảng 70%.
Theo TS Vũ khi đại dịch Covid-19 kéo dài, virus vẫn tồn tại ở nhiều nơi và trong cơ thể của nhiều người thì chúng vẫn còn “cơ hội” để tiếp tục tiến hóa tạo ra các chủng khác nguy hiểm hơn.
Cho đến nay dù đã có hơn 4.000 chủng đột biến đã được nhận diện bởi các nhà khoa học nhưng may mắn là các chủng này vẫn còn nằm trong “vòng kiểm soát”, kể cả chủng đột biến mới ở Anh, dù rằng đột biến N501Y trên protein S của chủng này làm cho chúng có thể tăng tốc độ lây lan lên đến 50-70% so với chủng cũ.
TS Vũ cho rằng chủng đáng lo ngại nhất hiện nay đó là một chủng đột biến mới gần đây được phát hiện ở Nam Phi, tên là SARS-COV-2 501Y.V2, có lẽ đã “vượt ra khỏi tầm kiểm soát” hiện nay của con người và chứa đựng nguy cơ mang lại một đại dịch mới.
Biến thể SARS-COV-2 ở mới có thể vô hiệu hoá vắc xin |
Một báo cáo khoa học mới đây của nhóm nghiên cứu ở Nam Phi cho thấy rằng chủng này có nhiều sự thay đổi trên protein S, protein đóng vai trò quan trọng trong việc lây nhiễm của virus.
Ở vùng N của protein S có chứa 4 đột biến làm thay đổi amino acid (L18F, D80A, D215G và R246I) và 1 đột biến mất đoạn (Δ242-244).
Ở vùng bám lên thụ thể tế bào người (Receptor Binding Domain, RBD) có chứa 3 đột biến làm thay đổi amino acid (K417N, E484K và N501Y).
Các đột biến trên đã làm thay đổi cấu trúc của protein S một cách “nguy hiểm” cho con người. Trong các thí nghiệm được thực hiện để kiểm tra độ trung hòa của kháng thể và virus cho thấy chủng đột biến mới này “không còn được nhận biết” bởi các kháng thể đơn dòng được dùng trước đó để bám lên protein S và thậm chí hỗn hợp kháng thể đa dòng trong huyết tương của người đã từng nhiễm chủng cũ trước đó cũng khó mà nhận diện được nó.
Khi protein S của chủng đột biến mới này không còn được nhận diện bởi các kháng thể trên thì khả năng chủng mới này có thể tái nhiễm lên người đã nhiễm chủng cũ là có thể dự đoán được và nguy hiểm hơn nữa là nó có thể làm cho các vắc xin đang được sử dụng khẩn cấp hiện nay trở nên vô dụng.
TS Phạm Hùng Vân – Chủ tịch Hội Lâm sàng Vi sinh TP.HCM, cho biết trước các thông tin về biến chủng SARS-COV-2 tại Nam Phi ghi nhận có các đột biến khiến virus 'trốn' được vắc xin và điều này có thể làm đổ vỡ hi vọng sản xuất vắc xin để mở cửa lại kinh tế của cả thế giới.
Với nguy cơ biến thể SARS-COV-2 ở Nam Phi trốn thoát được hiệu quả của vắc xin, đây sẽ là nguy cơ rất tệ hại. Cả thế giới hiện nay đã quá mệt mỏi với tình trạng phải cách ly, đóng của không biết đến bao giờ mới trở lại bình thường vì cứ vừa mở cửa trở lại thì dịch lại bùng phát.
TS Vân cho biết giống với các loại virus có virus có bộ gen là RNA như virus HIV, virus cúm, virus SARS-COV-2 đều có những biến chủng bởi vì các enzyme giúp các virus nhân bản bộ gen RNA của chúng thường hay bị những sai sót khi hoạt động. Nhưng tốc độ biến chủng của virus SARS-COV-2 được xem là chậm hơn virus cúm 2 lần, virus HIV 4 lần.
Hiện nay, TS Vân cho rằng chúng ta đang đối phó với thiên địch - kẻ địch của thiên nhiên và virus SARS-COV-2 biến đổi khôn lường. May mắn, đến hôm nay chưa có bằng chứng cho rằng virus này gây bệnh nặng hơn mà chỉ có bằng chứng virus biến chủng lây lan nhanh hơn.
Từ tháng 1 đến tháng 4/2020, virus SARS-COV-2 ở Châu Âu không khác gì chủng cũ ở Vũ Hán nhưng từ tháng 4 thì virus này biến thể và đến tháng 12 họ ghi nhận sự biến đổi của virus SARS-COV-2 ở nước Anh. Sự biến đổi này ghi nhận trên gai của virus nên thấy virus biến đổi 70 % nhưng lại chưa có bằng chứng virus gây bệnh nặng hơn.
Với các quốc gia có biến chủng này lây lan nhanh hơn biến thể cũ, TS Vân cho rằng cách phòng chống tốt nhất là nên đóng cửa đường bay với quốc gia có biến thể mới. Virus lây lan nhanh nên việc xét nghiệm biến chủng trong cộng đồng cần có thời gian xét nghiệm nhanh hơn vì nếu kết quả chậm thì phát hiện ra ca bệnh, virus đã lây lan rộng.
Nên phát hiện biến chủng ngay tại các cơ sở chẩn đoán rất tốt, không chờ đến phương pháp giải trình tự gen. Hiện nay, TS Vân cho rằng giải trình tự gen chủng virus hiện hữu tại các quốc gia cần càng nhiều càng tốt để biết thêm nhiều hơn về virus này.
Khánh Chi