Bị vợ cũ cấm gặp con, chồng đâm đơn ra tòa và cái kết sửng sốt sau 2 lần hòa giải
Ly hôn và được giải quyết việc nuôi con theo quyết định của tòa án, nhưng anh Tuấn bị vợ cũ cấm cản, gây khó dễ khi muốn thăm nom, chăm sóc 2 con. Không thể tự giải quyết, anh đành nộp đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Chiều cuối tuần, thu xếp công việc xong xuôi, anh Nguyễn Hồng Tuấn đến nhà vợ cũ đón con để bố con có thời gian gần gũi với nhau, cho con về thăm bà nội ốm, con trai lớn là cháu đích tôn. Đứng trước cửa bấm chuông hồi lâu không có ai mở cửa, anh gọi điện thoại thì vợ tắt máy, các cuộc gọi sau báo không liên lạc được.
Sốt ruột hồi lâu, anh kiên nhẫn bấm chuông. Vẫn vô vọng. Bác hàng xóm ngó sang thấy anh đứng tần ngần thì ra hiệu báo trong nhà vẫn có người. Nhưng hàng chục cuộc điện thoại sau đó vợ cũ quyết không bắt máy, cũng không một dòng tin nhắn, anh bực bội ra về.
Sau nhiều buổi chiều cuối tuần thất vọng ra về, tối gọi nói chuyện với con cũng không được, vợ cũ cắt hẳn đường liên lạc cha con, anh Tuấn tìm đến văn phòng để được tư vấn pháp lý và đề nghị tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho anh trong việc chăm sóc, thăm con.
Theo anh Tuấn chia sẻ với luật sư, anh và vợ là chị Phương Bình đã ly hôn với nhau từ năm 2019 theo quyết định công nhận thuận tình ly hôn và sự thỏa thuận các đương sự của tòa án.
Chị Bình được quyền trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục cả 2 con (tên Chung và Dung) cho đến khi đủ 18 tuổi; anh Nguyễn Hồng Tuấn có quyền, nghĩa vụ đi lại thăm nom con chung, không ai được cản trở.
Tuy nhiên, sau khi quyết định của tòa án có hiệu lực, chị Bình và mẹ đẻ đã có hành vi cấm cản và gây khó dễ cho anh Tuấn trong việc thăm nom và chăm sóc con cái. Nhận thấy quyền của mình bị xâm hại, anh Nguyễn Hồng Tuấn gửi đơn đến Tòa án nhân dân huyện để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Theo chia sẻ của luật sư Phạm Thu Hà (VPLS Trung Hòa, Hà Nội), căn cứ quy định tại Điều 82, Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Do đó, luật sư nhận định, trong trường hợp trên gia đình người trực tiếp nuôi con đang có hành vi cản trở gây khó dễ cho anh Nguyễn Hồng Tuấn trong việc thực hiện quyền thăm nom chăm sóc con của mình, anh hoàn toàn có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Tuy nhiên, để được tòa án chấp nhận thay đổi người trực tiếp nuôi con trong trường hợp này thì anh Nguyễn Hồng Tuấn phải chứng minh được các điều kiện được quy định tại Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
Thứ nhất, phải có yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân tổ chức bao gồm người thân thích, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, hội liên hiệp phụ nữ thì tòa án sẽ xem xét và có thể ra quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con dựa trên quyền lợi của con.
Thứ hai, về sự thỏa thuận của cha, mẹ về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải phù hợp với lợi ích của con. Việc thỏa thuận này phải xuất phát từ sự tự nguyện của cả hai bên, từ lợi ích của con và phải được thể hiện bằng văn bản.
Thứ ba, trường hợp không thỏa thuận được với nhau thì bạn cần chứng minh được người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Bên cạnh đó, bạn cần chứng minh được hiện tại bạn có chỗ ở ổn định, công việc ổn định, có thu nhập và có mức lương đảm bảo được cuộc sống cho con.
Thứ tư, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.
Anh Nguyễn Hồng Tuấn đã nộp đơn và tòa án tiến hành thủ tục theo quy định. Tại phiên hòa giải lần 1, hai bên hòa giải không thành. Đến phiên hòa giải lần 2, có sự có mặt của cả 2 cháu.
Luật sư và phía tòa án đã có khoảng thời gian gặp riêng 2 cháu bé để tìm hiểu tâm tư thì nhận thấy 2 cháu bé được chăm sóc, dạy dỗ khá chu đáo, các cháu cũng thân thiết với nhau và không muốn rời xa nhau.
Khi hỏi về nguyện vọng của 2 cháu, những người lớn tuổi đều xót xa “Cháu muốn bố mẹ cùng ở với chúng cháu như trước đây, cả gia đình cùng nhau đi chơi, cùng nhau về ông bà nội…”
Sau khi nghe được nguyện vọng của các cháu, luật sư 2 bên cũng như phía tòa án đã tổ chức hòa giải theo hướng anh Tuấn tiếp tục được thực hiện quyền và nghĩa vụ cấp dưỡng, chị Bình phải nghiêm túc phối hợp và để anh Tuấn thực hiện quyền của mình.
Sau khi tiến hành hòa giải, được nghe ý kiến và nguyện vọng của 2 con, hai anh chị đã nhận ra lỗi của cả 2 bên và đồng ý dừng vụ án, chị Bình cam kết không ngăn cản quyền làm cha của anh Tuấn.
Trao đổi với PV Infonet, luật sư Thu Hà cho biết thêm: “Cách đây khoảng 1 tháng, anh Tuấn gọi điện báo tin anh và vợ cũ đã “nối lại tình xưa”. Hai bên đã nhận ra sai lầm của nhau, nhận thấy rằng vẫn còn tình cảm và việc 2 con cần phải có sự chăm sóc của cả bố lẫn mẹ. Hiện tại gia đình anh Tuấn đang rất ổn”.
Qua vụ việc này, luật sư Thu Hà cũng chia sẻ: “Đối với luật sư, không phải vụ án nào tranh luận thắng cũng là chiến thắng cả. Có những vụ án, vụ việc hòa giải thành công là điều mà cả 2 bên cũng mong muốn, bởi chúng ta có rất nhiều cách giải quyết, để tránh tổn hại cho cả 2 bên. Vì thế, hòa giải là một trong những điều mà tôi rất để tâm”.
* (Tên các nhân vật trong vụ việc đã được thay đổi)
Sông Yên