Bí quyết đạt 8 điểm trở lên môn Hóa học kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020
Học sinh chủ động ôn tập kiến thức từ lớp 11, lưu ý các dạng toán điển hình ở phần Vận dụng cao, phân bổ thời gian hợp lý và rèn luyện kỹ năng ghi nhớ qua nhiều bài tập thực hành.
Thầy Nguyễn Ngọc Anh, Giáo viên môn Hóa học, Hệ thống Giáo dục HOCMAI chia sẻ cách luyện thi để đạt từ 8 điểm trở lên đối với môn thi Hóa học kì thi tốt nghiệp THPT 2020.
Tình hình dịch bệnh làm ảnh hưởng trực tiếp đến tiến trình học tập của học sinh các cấp, đặc biệt là các em học sinh lớp 12 đang chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT 2020.
Dựa vào nội dung điều chỉnh môn học năm 2019 - 2020 do Bộ GD&ĐT công bố, các em nên chủ động trong việc ôn luyện kiến thức từ lớp 11 với các chuyên đề quen thuộc: Chương điện li; Nhóm IVA; Nhóm VA; Chương hidrocacbon.
Bên cạnh đó, học sinh cần chú trọng ôn nhiều ở phạm vi kiến thức lớp 12 (chiếm 90% câu hỏi trong đề thi) với các chuyên đề thuộc phần hữu cơ: chương Este- Chất béo (7 câu ), Đại cương Kim loại (6 câu ), Kim loại Kiềm – Kiềm thổ - Al (5 câu ). Ngoài ra các chuyên đề khác gồm: Cacbohidrat; Amin-aminoaxit-protein; Polime; Sắt và các câu hỏi tổng hợp của hóa hữu cơ, hóa vô cơ.
Thầy Nguyễn Ngọc Anh, Giáo viên môn Hóa học, Hệ thống Giáo dục HOCMAI |
Chú ý các dạng bài điển hình phần Vận dụng cao
Để xử lý tốt các dạng bài Vận dụng cao, học sinh nên chú ý các dạng bài toán: Este; Peptit; Biện luận muối amoni; Điện phân; Đồ thị; Bài toán vô cơ khó với nhiều quá trình phản ứng thường kết hợp với tính OXH. Các em phải nắm vững kiến thức lý thuyết về tính chất hóa học, phản ứng của các chất để viết phản ứng hóa học và diễn giải bằng sơ đồ hóa một cách chính xác trong khi giải bài.
Ôn tập môn Văn thi THPT quốc gia 2020 thế nào để đạt điểm cao?
Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI lưu ý học sinh một số lỗi cần tránh và phương pháp làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia đạt hiệu quả.
Bên cạnh đó, học sinh cần sử dụng các phương pháp giải toán hiện đại để xử lý tốt các dạng bài toán này thuộc phần Vận dụng cao một cách nhanh nhất. Đối với bài toán vô cơ nhiều quá trình, các em nên sử dụng sơ đồ hóa để xử lý dữ kiện, sẽ giúp nhìn ra vấn đề dễ dàng hơn.
Ví dụ: Cho hỗn hợp gồm Cu2S và FeS2 tác dụng hết với dung dịch chứa 0,52 mol HNO3, thu được dung dịch X (không chứa NH4+) và hỗn hợp khí gồm NO và 0,3 mol NO2. Để tác dụng hết với các chất trong X cần dùng 260 ml dung dịch NaOH 1M, sau phản ứng lọc kết tủa nung trong không khí tới khối lượng không đổi thu được 6,4 gam chất rắn. Tổng khối lượng chất tan có trong dung dịch X gần nhất với giá trị nào sau đây?
Cùng với đó, với những em có mục tiêu đạt từ 9-10 điểm thì phải hoàn thành chắc chắn toàn bộ 32 -34 câu đầu tiên, sau đó rèn luyện các bài tập vận dụng cao. Nên chia các dạng vận dụng cao theo chuyên đề và luyện theo dạng toán sau: Este khó kết hợp yếu tố đốt cháy-thủy phân-biện luận; Peptit khó thường sử dụng quy đổi; Bài toán điện phân; Bài toán đồ thị; Bài toán biện luận muối amoni; Bài toán hỗn hợp vô cơ có nhiều giai đoạn kết hợp sơ đồ hóa quá trình.
Muốn thực sự rèn luyện tốt dạng bài vận dụng cao, các em phải nắm chắc kiến thức Lý thuyết; Tính chất hóa học; Các phương pháp giải toán như: Bảo toàn khối lượng, tăng giảm khối lượng, bảo toàn mol electron, bảo toàn nguyên tố, bảo toàn điện tích trong dung dịch , quy đổi (có thể gặp trong bài toán este , lipit , toán vô cơ khó …), công thức tính nhanh. Mỗi bài vận dụng cao, các em nên làm lại 2-3 lần, khi đó mới thực sự hiểu sâu, từ đó xây dựng cho bản thân phản xạ tư duy tốt.
Không để mất điểm đáng tiếc với những câu hỏi lý thuyết
Thông thường, học sinh không chỉ mất điểm ở phần Vận dụng cao mà còn có tâm lý chủ quan ở các câu lý thuyết. Trong đề thi THPT quốc gia đối với môn Hóa học, phần câu hỏi lý thuyết chiếm khoảng 24 câu (60% nội dung của đề ). Các dạng lý thuyết học sinh dễ mất điểm thường là các câu đếm, các câu biện luận tìm chất.
Để làm tốt phần thi lý thuyết, các em cần đọc kỹ đề bài, gạch chân dưới các từ ngữ quan trọng, cẩn thận tránh những câu hỏi dễ dính bẫy. Bên cạnh đó, các em cần luyện tập các dạng câu lý thuyết dễ bị mất điểm, ghi chú lại các phần kiến thức dễ bị sai hoặc bị dính bẫy của câu hỏi, hiểu rõ bản chất của từng câu hỏi
Phân bổ thời gian hợp lý và rèn kỹ năng ghi nhớ
Để làm bài tốt môn thi Hóa học trong kì thi THPT quốc gia, học sinh cần xác định mục tiêu cho bản thân mình. Đối với các câu hỏi từ đơn giản đến các câu vận dụng cao đều có điểm số là 0,25 điểm, khi xác định được mục tiêu các em sẽ tập trung thời gian vào vùng lấy điểm thay vì lan man làm tất cả các câu hỏi.
Trong khi làm bài thi, việc phân bổ thời gian là cực kỳ quan trọng. Tùy thuộc vào mục tiêu đạt số điểm ở các mức khác nhau để có sự tính toán thời gian làm bài hợp lý.
Ví dụ: Mức 7-8 điểm, các em chỉ cần dành thời gian làm thật tốt các câu cơ bản, bỏ qua luôn các dạng câu hỏi vận dụng cao (khoảng 4-6 câu); Mức 9-10 điểm, các em phải xử lý 32-34 câu cơ bản trong 20 phút, thời gian còn lại tập trung cho các câu mức độ khó hơn.
Trong quá trình làm bài thi, học sinh lưu ý, làm câu nào chắc chắn ghi điểm câu đó, câu nào chưa chắc chắn nên đánh dấu rồi dành thời gian xem lại, ưu tiên các câu lý thuyết làm trước, bài tập tính toán dành thời gian làm sau. Khi đã làm tốt các câu hỏi lý thuyết, các em sẽ có tâm lý thoải mái, tự tin để tiếp tục với các câu hỏi tiếp theo.
Để rèn luyện kỹ năng ghi nhớ tốt các em nên thống kê lại các chuyên đề theo những nội dung hay thường gặp trong đề thi. Đặc biệt cần nhớ các tính chất hóa học chung, các phản ứng hóa học quan trọng riêng với 1 số chất trong mỗi chuyên đề. Cách tốt nhất để nhớ linh hoạt kiến thức là luyện tập các câu hỏi đếm số chất, đếm số phát biểu, đếm số phản ứng. Mỗi câu đếm như vậy có giá trị ôn luyện bằng 3-4 câu bình thường.
Với các bạn học sinh lớp 12 đang trong giai đoạn quan trọng, các em cần rà soát toàn bộ kiến thức theo các chuyên đề, đặc biệt ở các phần giảm tải. Học sinh nên kết hợp làm đề thi với tâm lý như bước vào kì thi chính thức: Tự bấm giờ, tự chấm điểm. Sau mỗi đề thi tự làm, các em nên ghi chép lại cẩn thận các ý quan trọng, rút ra những kinh nghiệm quý báu trong các lần làm bài thi tiếp theo. Bên cạnh đó, việc luyện đề thi nhiều sẽ giúp các em rèn luyện kĩ năng phân bố thời gian, nắm được cấu trúc của đề thi, rà soát lại kiến thức còn thiếu hụt để bổ sung ngay.
Hoàng Thanh