Ôn tập môn Văn thi THPT quốc gia 2020 thế nào để đạt điểm cao?
Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn, Hệ thống Giáo dục HOCMAI lưu ý học sinh một số lỗi cần tránh và phương pháp làm bài thi môn Ngữ văn kỳ thi THPT quốc gia đạt hiệu quả.
Thi THPT quốc gia 2020 chỉ tập trung mục tiêu xét tốt nghiệp
Đó là một thông tin từ cuộc họp tại trụ sở Chính phủ sáng nay (21/4) do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì. Bộ GD&ĐT đã báo cáo Thường trực Chính phủ về phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2020.
Lưu ý các lỗi thường gặp ở phần nghị luận xã hội
Trong kì thi THPT quốc gia, đối với môn Ngữ văn, học sinh thường mắc phải các lỗi về hình thức và nội dung đối với câu hỏi nghị luận xã hội.
Về hình thức, học sinh chủ yếu mắc lỗi triển khai ý đoạn văn giống như một bài văn; các lỗi diễn đạt thiếu mạch lạc, sai nhiều lỗi dùng từ, đặt câu, chính tả… Học sinh vi phạm các lỗi này xuất phát từ sự chủ quan, không đọc kỹ yêu cầu đề bài, chưa biết cách trình bày bài khoa học.
Về nội dung, học sinh thường không xác định chính xác chủ đề, phạm vi nghị luận dẫn đến làm bài lạc đề, trình bày lan man, vượt ra ngoài phạm vi chủ đề.
Bên cạnh đó, các em thường mắc lỗi vận dụng các thao tác lập luận không khoa học, sa đà vào vận dụng quá nhiều ở một thao tác nào đó, ví dụ: giải thích hoặc dẫn chứng chứng minh quá nhiều… khiến đoạn văn không cân đối về bố cục ý.
Để đạt điểm cao đối với môn Ngữ văn, học sinh phải xác định yêu cầu chính xác về nội dung và hình thức với đoạn văn, xác định đúng vấn đề nghị luận, sử dụng hài hòa các thao tác, diễn đạt mạch lạc, chặt chẽ, không dài dòng lan man…
Những lưu ý không thể quên khi ôn luyện môn Ngữ văn thi THPT 2020 để đạt điểm cao. (ảnh minh họa) |
Chú trọng ôn tập các tác phẩm văn học Việt Nam
Vừa qua, Bộ GD&ĐT đã công bố về hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học của học kỳ II năm học 2019-2020. Vì vậy, học sinh chỉ nên tập trung vào các tác phẩm văn học Việt Nam (không bao gồm tác phẩm tự học có hướng dẫn và khuyến khích tự học) để việc ôn thi thực sự được trọng tâm.
Học sinh nên ôn tập theo phương pháp ghi nhớ, nắm vững kiến thức theo chủ đề và dạng đề, ví dụ: Chủ đề vẻ đẹp người phụ nữ có những đề nào liên quan, chủ đề vẻ đẹp của hình tượng người lính/con người Việt Nam trong chiến tranh có những đề nào có thể ra.
Thầy Đặng Ngọc Khương, giáo viên môn Ngữ văn |
Bên cạnh đó, các em có thể sắp xếp đề theo các dạng khác nhau: Đề so sánh liên hệ; Đề cảm nhận một đoạn thơ; Đề cảm nhận 1 đoạn văn; Đề cảm nhận 1 nhân vật hoặc chi tiết trong tác phẩm… để rèn luyện thuần thục kĩ năng cho từng dạng đề cụ thể.
Học sinh cần tuân thủ chặt chẽ việc phân bố thời gian: phần Đọc hiểu tối ta chỉ được làm 20 phút, phần Nghị luận xã hội tối đa cũng chỉ 15 - 20 phút, còn lại 80 phút dành cho phần Nghị luận văn học trong đó có cả thời gian lập dàn ý và xem lại bài viết.
Ngoài ra, ở phần Đọc hiểu học sinh cần nắm chắc các kiến thức Tiếng Việt và Tập làm văn, nắm vững kỹ năng – phương pháp làm bài để đạt điểm tối đa. Thông thường, ở phần này, với những câu hỏi từ 1 đến 3, học sinh thường mắc các lỗi trả lời sai hoặc trả lời không hết ý, thậm chí có học sinh trả lời dài dòng nhưng không trúng ý. Ở câu hỏi 4, học sinh mắc lỗi viết đoạn văn thành đoạn Nghị luận xã hội.
Hoàng Thanh (ghi)