Bí mật đằng sau 'chiến thắng' gần 400.000 bài báo quốc tế năm 2021
Điều gì đặc biệt khiến bài báo khoa học nữ tiến sĩ Việt vượt qua 398.780 bài báo quốc tế trên nhiều tạp chí khác nhau để trở thành "Bài báo khoa học được quan tâm nhất năm 2021"?
Bí mật đằng sau 'chiến thắng' gần 400.000 bài báo quốc tế năm 2021
Điều gì đặc biệt khiến bài báo khoa học nữ tiến sĩ Việt vượt qua 398.780 bài báo quốc tế trên nhiều tạp chí khác nhau để trở thành "Bài báo khoa học được quan tâm nhất năm 2021"?
Bài báo đã vượt qua 398.780 bài báo trên nhiều tạp chí khác nhau và ít nhất 66 bài báo chất lượng trên PEPS. Hơn 1 năm đăng tải, đã có 18.000 lượt truy cập và 26 lượt trích dẫn theo Google Scholar (15 lượt trích dẫn theo SCI).
Năm 2017, Kim Anh cùng các cộng sự đã có chuyến khảo sát thực địa tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐB SCL). Trước đó, năm 2016, hạn mặn đã gây thiệt hại nặng nề cho người dân vùng này.
Người dân thiếu nước ngọt sinh hoạt, phải dùng nước giếng khoan. Làm ruộng gặp khó khăn trên đất và nước nhiễm mặn.
Đứng trên mặt đất bị xâm nhập mặn, như đứng trước mọi hiện tượng khác, Kim Anh đặt ra câu hỏi "Liệu viễn thám và hệ thống thông tin Địa lý sẽ giúp gì trong việc giải mã vấn đề này?".
Người nông dân nói đến ruộng đất, là nghĩ ngay về cái vất vả. Càng khổ sở hơn, khi đất nông nghiệp bị nhiễm mặn nghiêm trọng. Những vất vả này càng thôi thúc Kim Anh và cộng sự tiến hành nghiên cứu.
"Nhiễm mặn ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của người nông dân. Đây lại là vựa lúa lớn của cả nước, vừa phục vụ trong nước, vừa xuất khẩu.
Những khó khăn của người nông dân gây áp lực lên các nhà quản lý. Làm sao để biết được mức độ nhiễm mặn và phân bố không gian để có những hành động, quản lý, quy hoạch phù hợp? Một nghiên cứu có thể giúp ích cho nhiều đối tượng, cần thiết được thực hiện", Kim Anh nói.
Nói là làm, Kim Anh bắt tay với các cộng sự. Mỗi người một thế mạnh, có người giỏi phân tích, người giỏi đi thực địa, người giỏi viết lách, người có kinh nghiệm tư vấn.
Kim Anh đối mặt với những khó khăn như: tìm kiếm dữ liệu đồng bộ giữa ảnh vệ tinh không có mây và số liệu thực địa. Mất một khoảng thời gian để nghiên cứu và viết bài nên khi bài viết xong thì số liệu cũng đã cũ.
Cùng một lúc làm công việc tại Đài Loan và làm nghiên cứu. Kim Anh tranh thủ mọi thời gian rảnh, mọi nơi có thể ngồi viết lách, phân tích số liệu, chỉnh sửa bài viết. Mỗi công đoạn đều cần tư duy, tỉ mỉ, biến thuật ngữ khoa học thành ngôn ngữ dễ hiểu với nhiều đối tượng.
Kết quả, Kim Anh và cộng sự đã chứng minh được tiềm năng trong việc giám sát độ mặn ở lớp đất trên cùng về mặt không gian và vật lý. Nhóm cũng đề xuất phương pháp ước tính độ mặn của đất bằng cách sử dụng các biến số từ tư liệu vệ tinh với chi phí thấp và độ chính xác tương đối cao.
Nghiên cứu đã cung cấp những thông tin hữu ích hỗ trợ công tác quy hoạch khu vực nhiễm mặn và lựa chọn các loại cây trồng thích hợp, giúp giảm thiểu thiệt hại kinh tế tại khu vực đồng bằng có nguy cơ cao về xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.
Khi bài báo khoa học được gửi đăng, Kim Anh nhận được đánh giá cao từ tạp chí PEPS. Vượt qua tất cả các bài báo khác, đạt 18 nghìn lượt truy cập. Nhiều người từ các quốc gia khác liên hệ để tham khảo về cách tiếp cận của nghiên cứu, xin số liệu thực địa, tư liệu ảnh vệ tinh.
Sau thành công trên, Kim Anh đang đề xuất một nghiên cứu tổng thể cho khu vực Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) nhằm phục vụ phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Kim Anh chọn học ngành Trắc địa, Đại học Mỏ - Địa chất vì… trường gần nhà, đi học cho tiện. Một suy nghĩ đơn giản nhưng là bước đệm cho những thành công sau này.
Những ấn tượng đầu tiên của Kim Anh là cảm giác thích thú khi thấy một cô gái đứng trước máy đo trắc địa, tìm hiểu về Trái đất. "Có vẻ như đây là công việc dễ thương, nhìn trái đất qua một lăng kính và luôn gắn bó với thiên nhiên", Kim Anh nói.
Kim Anh dành phần lớn thời gian còn là sinh viên để học. Thỉnh thoảng làm gia sư các môn Toán, Lý cho học sinh chuẩn bị thi đại học. Từng nhiều năm liền làm thủ lĩnh phong trào đoàn đội, Kim Anh không thể bỏ qua các hoạt động ngoại khóa của nhà trường như văn nghệ, tình nguyện,…
Kim Anh từng đạt danh hiệu sinh viên tiên tiến điển hình trong nghiên cứu khoa học, Sao tháng Giêng của trường Đại học Mỏ Địa Chất Hà Nội, Giấy khen thành tích xuất sắc trong phong trào thanh niên tình nguyện của trường…
Với thành tích hoạt động và kết quả học tập tốt, Kim Anh được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên đại học.
Để học không chỉ là kiến thức chung hay lý thuyết suông, Kim Anh dùng những kiến thức được học để giải thích, phân tích những hiện tượng trong đời sống hàng ngày.
Kim Anh tốt nghiệp Đại học với đồ án đạt điểm 10 tuyệt đối. Cô xin vào thực tập tại Viện Địa lý thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Trong khi thực tập, Kim Anh làm Thư ký dự án thuộc chương trình nghiên cứu trọng điểm về ô nhiễm dầu trên biển Việt Nam và biển Đông. Qua đây, cô được học hỏi rất nhiều kiến thức, kinh nghiệm. Nhờ vậy, Kim Anh trở thành Nghiên cứu viên của Viện Địa lý và tham gia thực hiện nghiên cứu cho các đề tài, dự án khác nhau về môi trường.
Vài năm sau khi bảo vệ đồ án tốt nghiệp đại học đạt điểm 10. Kim Anh lại bảo vệ thành công luận văn Thạc sĩ, xuất sắc đạt 9.9/10 điểm.
Năm 2009, Kim Anh lần đầu tiên "xuất ngoại" đi Malaysia, lúc đó cô là thành viên thực hiện dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu thềm lục địa Việt Nam, đệ trình Liên Hợp Quốc do Ủy ban biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao chủ trì.
Năm 2011, Kim Anh đến Đài Loan, thỏa ước mơ vẫy vùng với khối kiến thức của một Thạc sĩ. Cô đến Đài Loan tham gia lớp học mùa Hè về Viễn thám và GIS (lập bản đồ và phân tích các hiện tượng, sự vật thực trên trái đất).
Kim Anh làm hồ sơ du học Tiến sĩ, nhận được thư mời và học bổng của nhiều nơi. Trong đó có học bổng của UNESCO đi châu Âu và học bổng của ĐH Mississippi, Mỹ. Nhưng Kim Anh chọn Đài Loan là điểm đến. Nơi này có nhiều điểm dễ thích nghi như khí hậu, ẩm thực và con người.
Kim Anh bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ với số điểm 93/100. Việc tốt nghiệp Tiến sĩ trong vòng ít hơn 3 năm là một thành tích đáng nể. Cô được làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu không gian và Viễn thám, Đại học Quốc lập Trung ương, Đài Loan.
Sở thích nghiên cứu của Kim Anh là đánh giá độ tổn thương môi trường sinh thái, hiện tượng đô thị đảo nhiệt liên quan đến thay đổi sử dụng đất, chuyển đổi lớp phủ. Đánh giá tổn thương do bão, nghiên cứu đánh giá không gian xanh đô thị nhằm cung cấp thông tin chiến lược về nền sinh thái và môi trường, đề xuất các biện pháp chính sách phù hợp nhằm cải thiện và phục hồi môi trường.
Nâng cao hiểu biết về các thảm họa thiên nhiên để hỗ trợ giảm thiểu, quản lý, ứng phó với các rủi ro.
Trong 5 năm gần đây, Kim Anh là tác giả của 3 cuốn sách, 13 bài báo quốc tế thuộc danh mục ISI, 10 bài báo hội nghị IEEE và hơn 50 bài thuyết trình hội nghị quốc tế và các bài phát biểu được mời (trích dẫn học thuật đạt 322 lượt, tổng Hệ số ảnh hưởng = 63,804).
Kim Anh đã nhận được 12 giải thưởng khoa học quốc tế và các tài trợ dành cho nhà khoa học trẻ từ các tổ chức quốc tế.
Cô là trưởng ban biên tập của số đặc biệt tạp chí Sustainability, biên tập viên khách mời của số Đặc biệt tạp chí Remote Sensing, người phản biện cho các tạp chí chuyên ngành chất lượng cao. Đại sứ truyền thông của Hội địa tin học và viễn thám quốc tế phụ trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Kim Anh cũng đã kết nối giúp các bạn trẻ Việt Nam tìm kiếm học bổng. Chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần bên cạnh hoạt động nghiên cứu, học thuật cũng được Kim Anh quan tâm. Cô tự biên tự diễn những bài múa cổ trang, học nấu các món ăn mang hương vị Hà Nội trong thời gian cách ly xã hội. Đó là cách để vơi bớt nỗi nhớ nhà.
"Ngoài ra mình còn thích leo núi. Nó tạo ra sự khoáng đạt và hòa mình vào với thiên nhiên đất trời. Công việc nghiên cứu của mình cũng rất cần đi ra ngoài thực tế.
Khi dịch bệnh ổn định, mình muốn khám phá các ngọn núi ở phía Bắc Đài Loan, nơi có thể nhìn ra biển rất đẹp với các cấu trúc địa chất rất thú vị.
Mình nhớ nhà, người thân, nhớ Hà Nội rất nhiều. Mình rất muốn về Việt Nam. Nhưng với tình hình hiện tại thì có được chuyến bay về nước, rồi thời gian cách ly hai chiều không phải là điều dễ dàng. Hy vọng dịch bệnh sớm tan, cuộc sống sớm trở lại bình thường", Kim Anh nói.
Nói về dự định tương lai, Kim Anh muốn xây dựng một nhóm học thuật có khả năng viết bài báo khoa học. Nhóm nhằm chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu và viết báo tới sinh viên trong nước. Mời các Giáo sư đầu ngành có kinh nghiệm làm chuyên gia cố vấn cho nhóm.
Theo dantri.com.vn