Ăn theo cách này, bạn không bao giờ lo tăng cân, mất dáng
Giảm béo cấp tốc có hiệu quả
Nhiều người sau khi đi khám sức khoẻ hoặc trước dịp hội hè, lễ lạt cần mặc đồng phục khoe body mới giật mình với thân hình phì nhiêu của mình. Họ hối hả tìm mọi cách từ nhịn ăn, tập luyện đến ngất xỉu thậm chí phải đi cấp cứu vì dùng thuốc giảm cân cấp tốc.
Tuy nhiên cách làm này có thực sự hiệu quả?
Chiều 17/11, bên lề buổi tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức, TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, trong giảm béo "dục tốc bất đạt".
Thực tế ghi nhận đã có rất nhiều người đặt mục tiêu giảm 4-5kg một tháng, nhưng BS Nguyệt Thu cho rằng “có giảm được cũng khó bền vững, rất nhanh chóng bị béo lại”.
Thay vào đó, theo TS. BS Nguyệt Thu, can thiệp lối sống mới là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.
"Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Mục tiêu giảm cân chỉ 5-10% trong 6 tháng, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân. Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng", TS Thu nói.
Còn việc điều trị bằng thuốc, TS. BS Nguyệt Thu cho rằng chỉ được áp dụng sau khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.
Hay phương pháp phẫu thuật giảm cân chỉ được chỉ định với những trường hợp có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì, đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không hiệu quả.
Bí quyết ăn “thả phanh” mà không lo mất dáng
Đáng lưu ý, TS. BS Nguyệt Thu cũng lưu ý, người béo phì dù tập nhiều đến mấy cũng không thể đạt hiệu quả nếu ăn uống quá nhiều.
Đưa ra dẫn chứng, TS Thu cho biết một người cân nặng khoảng 60kg, 30 phút tập yoga Hatha chỉ đốt cháy 127 calo, tập tạ ở mức độ trung bình là 95 calo, chạy với tốc độ 10km/giờ tiêu hao 310 calo.
Dù tập “hùng hục” như thế nhưng chỉ cần ăn một bát phở bò chín đã nạp năng lượng khoảng 300kacl, một đĩa phở xào năng lượng hơn 500kcal, một bắp ngô 90kcal. Ai đó vui miệng ăn 4 cái bánh quy năng lượng đã khoảng 130kcal, hay đơn giản 3 múi bưởi đã 45kcal...
“Chế độ ăn lành mạnh, có kiểm soát là vô cùng quan trọng để giảm cân”, TS. BS Nguyệt Thu cho hay.
Chia sẻ thêm với phóng viên về bí quyết ăn uống để không bị tăng cân, TS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học và Ứng dụng (Tổng Hội Y học Việt Nam) đưa ra các nguyên tắc:
Đầu tiên là không bỏ bữa và không ăn dồn bữa. Trên thực tế, những người bỏ bữa/nhịn ăn sẽ có xu hướng ăn nhiều, ăn bù cho việc… nhịn ăn và hậu quả cân nặng tăng.
Hạn chế các món ăn nhiều dầu mỡ, tinh bột, các loại thực phẩm chế biến sẵn.
Ăn nhiều trái cây rau, củ quả: chọn các loại quả ít ngọt như ổi, bưởi, dưa chuột…. giúp làm giảm cảm giác thèm ăn, bổ sung chất xơ cho cơ thể
Nên buông đũa ở chén (bát) thứ 2 , không chỉ vào các dịp lễ tết mà còn vào những bữa cơm ngày thường.
Không ăn quá nhiều 1 món trong bữa.
Ăn chậm, nhai kĩ.
Trò chuyện khi ăn giúp bạn giảm được lượng thức ăn đáng kể nạp vào và tăng thêm không khí thân mật cho bữa cơm gia đình.
Ăn vặt thông minh ưu tiên các loại trái cây tươi thay thế cho các loại mứt bánh kẹo.
Giữ tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng, stress: căng thẳng sẽ tiết ra nhiều cortisol – một loại hormone được giải phóng để đối phó với căng thẳng – theo đó mức cortisol trong cơ thể cao sẽ gây ra tình trạng tăng cân.
Ngủ đủ giấc.
Tập luyện thể dục thể thao đều đặn với thời gian từ 30- 60 phút/ngày.
Theo Bộ Y tế, tỷ lệ béo phì tại Việt Nam gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%. Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc. Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%. |
N. Huyền