Thu nhỏ dạ dày trị béo phì: Giải pháp cho người có thân hình quá khổ
Theo chị L. sau sinh chị tăng cân phi mã, từ 60 kg tăng lên tới 95 kg. Khi vào viện chỉ số cơ thể BMI của chị lên tới 41. Bản thân chị L. đã từng can thiệp nhiều biện pháp giảm cân nội khoa tại TP.HCM nhưng đều không hiệu quả. Chị luôn mặc cảm vì thân hình quá khổ cộng với nhiều bệnh đi kèm như đau đầu gối đi lại khó khăn, bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường.
Tại BV Hữu nghị Việt Đức, sau khi tư vấn và thăm khám trực tiếp, các bác sĩ quyết định phẫu thuật thu nhỏ dạ dày cho chị. Bác sĩ thực hiện phương pháp nội soi tạo hình dạ dày ống đứng (bỏ đi 2/3 dạ dày theo chiều dọc) để giảm nhu cầu ăn uống, giảm cảm giác đói.
Theo GS Trần Bình Giang – giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, từ năm 2004, tại BV Hữu nghị Việt Đức các bác sĩ đã lên kế hoạch về việc điều trị cho bệnh béo phì trong tương lai.
Năm đó, GS Giang và các đồng nghiệp đã sang Pháp để học các kỹ thuật ngoại khoa điều trị béo phì. Hiện BV Việt Đức có 200 trường hợp đã được mổ điều trị béo phì.
GS Giang nhớ nhất là cô gái tới từ thành phố Cần Thơ với cân nặng gần 100 kg. Cô gái than thở sau khi lấy chồng cô tăng cân nhanh chóng và bị vô sinh. Sau phẫu thuật, hiện nữ bệnh nhân đã sinh được hai bé kháu khỉnh.
Hiện nay, việc điều trị béo phì ở nước ta còn mang tính chất “ăn theo”. Các mặt hàng liên quan tới béo phì gia tăng nhanh chóng vì họ đánh vào mặc cảm tự ti của người béo phì luôn khát khao giảm béo nên có hàng loạt máy tan mỡ, máy thể hình… rồi đến thuốc từ đông ty tới thực phẩm chức năng. Thị trường cho các sản phẩm trị béo phì luôn béo bở.
GS Giang cho rằng không nên lạm dụng các chế độ ăn kiêng khem. Nhiều người béo phì sử dụng thuốc giảm cân gặp tai biến đã phải đến cơ sở điều trị. Hiện Bộ Y tế mới chỉ cấp phép sử dụng 2 loại thuốc điều trị béo phì gồm loại thuốc gây không hấp thụ, sẽ gây rối loạn tiêu hoá.
Một nhóm thuốc khác gây tác động lên hệ thần kinh trung ương khiến bạn chán ăn. Nhưng thuốc này điều trị cần hết sức thận trọng và phải được bác sĩ chỉ định rõ ràng, theo dõi sát sao. Béo phì có thể giảm xuống nhưng sau 5 năm có tới 90% các trường hợp quay lại cân nặng ban đầu thậm chí béo hơn.
Tại Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, các bác sĩ sử dụng phương pháp chữa béo phì bằng ngoại khoa. Có hai cách là đặt vòng thắt dạ dày để bớt ăn, cắt dạ dày ống đứng để giảm béo. Cả hai phương pháp kết quả tương tự nhau, số cân nặng của bệnh nhân giảm từ 10 – 15 kg trong tháng đầu tiên.
Trong 6 tháng sẽ trở về số cân như bệnh nhân mong muốn. Việc giảm cân này bền vững, kéo dài nếu bệnh nhân ăn uống và tập luyện sau mổ sẽ đảm bảo không béo lại. Tai biến và biến chứng của phẫu thuật rất thấp. Tỷ lệ chỉ chiếm 2/10.000 người.
Theo dõi các trường hợp phẫu thuật trị béo phì trong nhiều năm qua, GS Giang cho biết các kết quả đánh giá cho thấy cân nặng trung bình của mỗi người sau phẫu thuật một năm giảm khoảng 35kg.
Có trường hợp sau 2 năm cân nặng giảm từ 160kg xuống còn 78kg. Đặc biệt, các bệnh nhân béo phì thường có chung mẫu số là nhiều bệnh lý kèm theo như vấn đề rối loạn đường huyết, rối loạn lipid, rối loạn axit uric, gan nhiễm mỡ, các trường hợp bị ngừng thở khi ngủ, phụ nữ thì vô kinh, vô sinh do béo phì.
Khi điều trị béo phì này tỷ lệ điều trị các bệnh kèm theo cũng biến mất. Có 80% bệnh nhân béo phì sau mổ thu nhỏ dạ dày thì rối loạn đường huyết giảm, có bệnh nhân kết quả đường huyết kéo dài ổn định.
Ở nữ giới có kinh trở lại, nhiều bệnh nhân nữ có thân hình béo phì khi lập gia đình nhiều năm không có con sau 2 năm phẫu thuật điều trị béo phì họ đều sinh con.
Khánh Chi