Bi kịch thủ khoa ĐH: Lương 438 triệu/tháng, tự tử vì áp lực công việc
Trần Cần (SN 1981), xuất thân trong một gia đình bình thường ở Phúc Kiến, Trung Quốc. Từ nhỏ anh luôn nỗ lực học tập, cố gắng không ngừng nghỉ. Với những thành tích học tập tốt, nam sinh này luôn được xem là mẫu hình "con nhà người ta".
Năm 1999, Trần Cần tham gia kỳ thi đại học và trở thành thủ khoa. Anh học Đại học Chiết Giang ngành Kỹ thuật Điện khí.
4 năm đại học, anh đạt nhiều thành tích tốt và thành lập được "Hiệp hội Toán học" thu hút hàng trăm sinh viên trong trường. Trong quá trình học, Trần Cần nhận ra niềm yêu thích máy tính nên đã đổi sang chuyên ngành Khoa học Máy tính.
Năm 2003, sau khi tốt nghiệp đại học, Trần Cần gặp nhiều khó khăn trong công việc. Do đó, anh tạm gác công việc để tiếp tục học lên thạc sĩ.
Năm 2011, Trần Cần nhận được thông báo trúng tuyển hệ thạc sĩ của Đại học Nam California, Mỹ. Năm 2013, anh nhận được bằng thạc sĩ và ở lại Mỹ làm việc cho công ty Cisco Systems - nhà cung cấp giải pháp Internet hàng đầu thế giới.
Sau hơn 5 năm gắn bó với công ty, đến tháng 3/2018 anh nhận được lời mời về làm việc cho Facebook trụ sở ở Menlo Park, California. Trần Cần đồng ý hợp tác và chính thức trở thành nhân viên trong bộ phận công nghệ quảng cáo cho Facebook với mức lương 220.000 USD/năm (hơn 5,2 tỷ đồng/năm), khoảng hơn 438 triệu/tháng.
Nhận được mức lương cao cộng với việc áp dụng kế hoạch cải thiện công việc (PIP) là thỏa thuận giữa công ty và nhân viên, trong đó vạch ra những việc cần làm trong một thời gian, nên Trần Cần gặp nhiều áp lực.
Sau một thời gian, theo đánh giá nội bộ công ty xếp hạng mức độ hoàn thành công việc của Trần Cần bị giảm xuống. Trước tình cảnh trên, để trụ lại Facebook, anh tăng ca cả đêm lẫn cuối tuần, nhưng vẫn không đạt được hiệu quả công việc, nên có tên trong nhóm bị sa thải.
Biết tin bị sa thải, Trần Cần cảm thấy xấu hổ vì không thể vượt qua áp lực dư luận. Trong mắt mọi người, anh là thần đồng công nghệ, hơn nữa lời hứa đưa bố mẹ sang Mỹ để sống, anh cũng chưa thực hiện được.
Mặc dù ở Mỹ 8 năm, nhưng anh vẫn chưa được cấp thẻ thường trú dành cho người nhập cư (thẻ xanh), mà chỉ có thị thực lao động tạm thời. Do đó, khi bị sa thải, anh buộc phải tìm một công việc khác trong vòng 60 ngày, nếu không sẽ bị trục xuất về nước.
Trước áp lực đó, Trần Cần quyết định kết liễu cuộc đời ở tuổi 38. Anh tự tử bằng cách nhảy từ tầng cao của tòa nhà trụ sở Facebook xuống đất và tử vong tại chỗ hồi cuối năm 2019.
Sự ra đi đột ngột của Trần Cần vì áp lực công việc, khiến dư luận Trung Quốc không khỏi xôn xao. Nhiều người bày tỏ tiếc thương về sự ra đi của một nhân tài công nghệ. Bên cạnh đó, có người lại cho rằng, chính áp lực từ mác "con nhà người ta" nên đã đẩy Trần Cần có quyết định này.
Việc ra đi của Trần Cần khiến nhiều người tự đặt ra câu hỏi: "Nếu trở về Trung Quốc sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, liệu sự việc có diễn ra như vậy không?". Nhưng có người lại cho rằng, với mức lương 220.000 USD/năm (hơn 5,2 tỷ/năm), dù làm ở Mỹ hay Trung Quốc áp lực cũng rất lớn.
Thực tế, Facebook sẽ đánh giá hiệu quả và khả năng làm việc của nhân viên theo từng quý. Nếu kết quả đánh giá của nhân viên không đạt yêu cầu sẽ bị xếp vào loại PIP. Những đối tượng bị xếp vào nhóm PIP có khả năng bị sa thải, nếu không cải thiện.
Do đó, có người cho rằng, không phải làm việc ở Mỹ Trần Cần mới tự tử, nếu làm việc ở nơi khác, không đáp ứng được nhu cầu cũng sẽ bị sa thải.
An Dương (theo 163)