Bị bạn bè xa lánh, thần đồng 22 tuổi trở thành nhà khoa học nổi tiếng
Tào Nguyên (sinh năm 1996, ở Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc) được sinh ra trong một gia đình nông dân. 3 tuổi, anh có thể đọc, viết nhiều Hán tự và hứng thú với kiến thức khoa học.
14 tuổi vào đại học
Từ nhỏ, Tào Nguyên có trí thông minh hơn các bạn cùng trang lứa. Anh chỉ mất 3 năm để hoàn thành xong chương trình Tiểu học và Trung học. 11 tuổi, Tào Nguyên được tuyển vào trường Trung học Thực nghiệm Diệu Hoa ở Thâm Quyến, Trung Quốc.
Năm 2010, Tào Nguyên tham gia kỳ thi đại học (Cao khảo) và đạt được 669/750 điểm. Ở tuổi 14, Tào Nguyên đỗ vào lớp “ưu tú Vật lý” của Đại học Khoa học và Công nghệ Trung Quốc.
Mặc dù là sinh viên nhỏ tuổi nhất trong lớp đại học nhưng anh luôn hoàn thành bài tập sớm, điều này khiến cho mọi người xung quanh ngưỡng mộ.
22 tuổi trở thành nhà khoa học nổi tiếng
Sau khi tốt nghiệp đại học, Tào Nguyên chuyển đến Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT) ở Mỹ để nghiên cứu khoa học. Tại đây, anh có niềm hứng thú đặc biệt với các thiết bị công nghệ hiện đại và dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm.
Ở tuổi 22, Tào Nguyên nghiên cứu thành công tính siêu dẫn của graphene - một lĩnh vực mà các nhà nghiên cứu chỉ làm ở tuổi trung niên.
Năm 2018, Tào Nguyên trở thành 1 trong 10 nhà nghiên cứu khoa học trẻ nhất Trung Quốc khi mới 22 tuổi. Anh được kỳ vọng sẽ trở thành người trẻ nhất đoạt giải thưởng Nobel trong lĩnh vực khoa học.
Ngày 18/12/2018, Tào Nguyên được tạp chí Khoa học của Mỹ bình chọn đứng đầu danh sách các nhà nghiên cứu có đóng góp lớn nhất. Bởi, anh đã nghiên cứu thành công tính siêu dẫn của graphene - một vấn đề gây ra nhiều khó khăn cho nhân loại trong hơn 100 năm qua.
Đến 6/5/2020, ở tuổi 24 Tào Nguyên xuất bản được 2 bài báo liên tiếp trên tạp chí Nature. Một lần nữa, anh trở thành tâm điểm chú ý của giới nghiên cứu khoa học.
Tuổi thơ bị bạn bè cô lập, xa lánh
Cũng giống như các thần đồng khác, Tào Nguyên có tuổi thơ không mấy hạnh phúc. Mỗi ngày, anh dành hàng chục tiếng cho việc học, không được tiếp xúc với bạn bè vì bố mẹ cho rằng điều này là vô bổ.
Tào Nguyên hoàn thành chương trình Tiểu học và Trung học trong 3 năm, thành tích này khiến nhiều người ngưỡng mộ. Nhưng với anh, đây là cơn ác mộng vì không có thời gian nghỉ ngơi và kết giao bạn mới. Mỗi khi, anh có thêm bạn thì lại phải chuyển lớp mới, học các kỹ năng khác.
Mặc dù Tào Nguyên không có tuổi thơ trọn vẹn, bị các bạn cô lập, xa lánh, thiếu kỹ năng giao tiếp xã hội nhưng anh chưa bao giờ trách bố mẹ. Ý thức được điều này, trong thời gian học đại học anh luôn cố gắng hòa nhập với các bạn. Lúc này, anh mới bắt đầu cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa.
Không giống với các thần đồng khác, Tào Nguyên sớm nhận thức được thiếu sót của bản thân và kịp thời sửa chữa.
Ở Trung Quốc, nhiều thần đồng bị ép học quá sớm, là sản phẩm của hệ thống giáo dục lỗi thời, nên họ đã bị lệch lạc trong suy nghĩ và đến tuổi trưởng thành dần bộc phát sự nổi loạn. Có người xuất gia đi tu, có người áp lực đến tâm thần, thậm chí có những người tự kết liễu cuộc đời khi đang ở độ tuổi đẹp nhất.
An Dương (Theo Sina, Sohu)