Bí quyết giúp người trẻ bước ra khỏi vùng an toàn
Những bí quyết dưới đây giúp người trẻ làm chủ quy trình thúc đẩy sự thay đổi tích cực để phát triển bản thân.
Vùng thoải mái, vùng an toàn của con người là trạng thái tự nhiên, là nơi giảm thiểu căng thẳng và lo lắng, nơi bạn biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo và có thể lập kế hoạch phù hợp.
Không có gì sai khi bạn thích ở trong vùng thoải mái đó. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy quá thoải mái, bạn có xu hướng kìm hãm bản thân thay vì chấp nhận thử thách mới.
Tại sao các bạn trẻ cần bước ra khỏi vùng an toàn?
Bước ra khỏi vùng an toàn là yếu tố quan trọng, phổ biến đầu tiên trong việc phát triển bản thân. Bạn khó có thể mong đợi sự phát triển trong cuộc sống hay sự nghiệp nếu bạn chỉ gắn bó với những điều quen thuộc, theo Huffington Post.
Bạn cũng không thể biết được giới hạn của bản thân ở đâu, không thể nhìn nhận được năng lực hay các điểm mạnh, điểm yếu thực sự của bản thân. Tuy nhiên, dám chấp nhận rủi ro là một trong những điều giúp con người ta trưởng thành. Bạn sẽ phải trả giá đắt cho nỗi sợ thất bại, đó là trở ngại to lớn đối với sự phát triển.
Nếu bạn muốn tiếp tục phát triển, tiếp tục học hỏi, bạn phải tiếp tục mạo hiểm, chấp nhận thất bại. Việc thử những điều mới sẽ khiến bạn trở nên sáng tạo hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không nên đẩy mình đi quá xa.
Đối với bất kỳ ai đang gặp khó khăn trong việc tìm cách phát triển bản thân, bước ra khỏi vùng an toàn của mình, các chuyên gia đưa ra những bí kíp sau đây:
Tự nhận thức được những gì bên ngoài vùng an toàn của bản thân
Vẽ một vòng tròn và viết những gì bạn cảm thấy không an toàn ra bên ngoài vòng tròn, những gì đã quen thuộc ở bên trong vòng tròn. Quá trình này không chỉ giúp bạn xác định rõ ràng những khó chịu mà còn cho thấy những gì bạn đang có.
Viết ra tất cả các hoạt động mà bạn muốn thử thách bản thân, khác với những gì bạn thường làm. Điều này giúp bạn nhận thức rõ hơn về phạm vi thoải mái và vùng học tập cụ thể của riêng mình.
Đó có thể là những việc bạn dự định làm từ lâu nhưng chưa có cơ hội. Bạn tham gia thử thách mà bạn chưa từng trải qua, trái ngược hẳn với bản chất, tính cách hay nhận thức của bản thân.
Thực hiện từng bước nhỏ
Đừng cố nhảy ra khỏi vùng an toàn ngay lập tức, bạn có thể sẽ bị choáng ngợp và nhanh chóng quay trở lại ngay. Những thử thách mới dù lớn hay nhỏ, bạn nên chia nhỏ thành các bước khả thi. Thiết lập thời gian cụ thể và ghi lại kết quả thực hiện.
Cởi mở tinh thần
Bằng cách luôn cởi mở đón nhận, con người có xu hướng trở nên sẵn sàng thử nghiệm, dũng cảm đối đầu với rủi ro. Xác định rằng việc bước ra ngoài vùng an toàn sẽ mang lại những lợi ích gì cho bạn. Tận hưởng niềm vui khi khám phá những điều về bản thân mà trước đây bạn chưa biết.
Khi bạn từ từ vượt qua vùng an toàn của mình, bạn sẽ ngày càng cảm thấy thoải mái hơn về những điều mới mẻ, điều bạn từng cho là rất nguy hiểm đối với bản thân mình.
Hoàng Dung