Bên trong trại cai nghiện Internet hà khắc nhất Trung Quốc
Vào ngày đầu tiên tham gia trại đặc biệt dành cho những thanh thiếu niên Trung Quốc nghiện Internet, phóng viên CNN Lorenzo Maccotta đã sinh hoạt như mọi người: dậy từ 5h sáng, huấn luyện thể lực, ăn trưa, nghỉ ngơi, tập thể thao, học đạo đức, xem phim, ăn tối và đi ngủ.
Nhiếp ảnh gia 33 tuổi này đã dành một tuần để ở một trong hàng trăm doanh trại kiểu quân đội ở Trung Quốc, nơi nhiều thanh niên trẻ phải cách ly khỏi các thiết bị công nghệ, chủ yếu là do nghiện game trực tuyến. Dù chỉ là một người ngoài cuộc nhưng Lorenzo Maccotta cũng không khỏi “rùng mình” trước sự khắc nghiệt của khóa cai nghiện này.
“Thách thức lớn nhất của tôi là phải giữ cho đầu óc của mình tỉnh táo trước những hoạt động lặp đi lặp lại của trại cai nghiện. Qủa là không dễ để tìm được một kẽ hở nhỏ nào trong chuỗi thời khóa biểu đó”, anh nói.
Những “con nghiện Internet” này có thể là các cô bé, cậu bé còn ít tuổi và thậm chí là cả đàn ông và phụ nữ nhiều tuổi hơn. Độ tuổi của những người này dao động từ 8 đến 30 tuổi. Hầu hết đều bị ép buộc phải sống trong trung tâm điều trị này do gia đình họ lo ngại sức khỏe thể chất và tinh thần của con em mình. Thỉnh thoảng, cũng có thể nghe thấy những tiếng la hét và đập phá đồ đạc trong trại.
Tại đây, các học viên phải tuân thủ mọi “kỷ luật và thời gian biểu” mà các lãnh đạo trung tâm cho rằng là biện pháp để chữa chứng nghiện của họ. Họ có thể ở đây một vài tuần, thậm chí là trong nhiều tháng.
Maccotta cho biết: “Tại đây, tính cách riêng của các học viên đều biến mất, thay vào đó là một sự yên lặng và tuân thủ. Họ không thể hiện bất kỳ sự buồn rầu nào nhưng tôi chắc rằng họ rất nhớ gia đình và bạn bè”.
Chứng nghiện của các học viên này là có thật và thỉnh thoảng đem lại những rắc rối. Kể từ năm 2014, Maccotta đã ghi lại những hình ảnh phản ánh việc công nghệ thông tin và liên lạc đã thay đổi thế giới ra sao. Trung Quốc đã thừa nhận xuất hiện chứng nghiện Internet và nghiện game trong xã hội từ nhiều năm nay, từ đó nhiều trung tâm cai nghiện như trên đã ra đời.
Maccotta đã từng gặp những người chơi game online liên tục 30 tiếng đồng hồ và có những người cho biết họ dường như không thể nhận biết được thế giới thực khi đắm chìm trong một thế giới điện tử. Những người quản lý trung tâm tin rằng phương pháp của họ, kết hợp các vận động thể chất mạnh và không sử dụng máy tính, là biện pháp hữu hiệu nhất để chữa chứng nghiện này.
Phóng viên CNN đồng ý rằng điều này sẽ tăng cường nhận thức giữa thế hệ thanh thiếu niên về việc xã hội chấp nhận những gì và không chấp nhận gì. Nhưng Maccotta cũng tỏ ra e ngại trước khoảng thời gian dài các học viên bị huấn luyện nghiêm ngặt, sống trong kỷ luật và cô lập.
“Sẽ rất khó khăn và rối bời cho một đứa trẻ khi phải trải qua một kinh nghiệm như vậy. Tôi không nghĩ cách này có hiệu quả”, Maccotta nói.
Những hình ảnh trong trại cai nghiện Internet do phóng viên CNN ghi lại:
Học viên của trại cai nghiện Internet ở Jinan, Trung Quốc. |
Thư tay và ảnh của người nhà gửi cho các học viên trong trung tâm. |
Các học viên phải tự rửa bát sau giờ ăn trưa. |
Một học viên tự gây thương tích trong những ngày nghiện game online. |
Nam thanh niên bên trái đã ở trong trung tâm này được hơn 4 tháng. |
Hầu hết tính cách riêng của mỗi học viên đều không được bộc lộ, họ chỉ yên lặng và nghe lời. |
Một học viên 14 tuổi đã ở trong trại được 2 tháng. |
Ký túc xá của trung tâm về đêm. |
Cậu bé 12 tuổi này đã ở trong trung tâm được 4 tháng. |
Một giờ học thể chất với giáo viên. |
Ngoài luyện tập thể chất, các học viên còn phải tham gia những bài học về đạo đức, lẽ sống xã hội. |
Các thiếu nữ cũng không phải là ngoại lệ ở trung tâm này. |
Các học viên tham gia luyện tập dưới trời nắng gắt. |
Bài viết được tham khảo nguồn tin CNN, một kênh truyền hình nổi tiếng của Mỹ, thuộc sở hữu tập đoàn Time Warner. CNN là một trong những kênh thông tin uy tín nhất thế giới.