Bên trong tàu ngầm lớp Kilo
Lối đi giữa các phòng, các khoang là qua những cánh cửa tròn thế này - Ảnh: popmech |
Phóng viên Tạp chí Popular Mechanics (Nga) đã có chuyến thăm tàu ngầm Vyborg, chiếc tàu ngầm thuộc lớp 877 đầu tiên của Liên Xô, phía NATO gọi là Kilo. Tàu Vyborg không phải mới, nó được đóng vào năm 1982 tại Komsomolsk trên sông Amur, nhưng bây giờ Vyborg vẫn còn tham gia bảo vệ an ninh của nước Nga trong vùng biển Baltic.
Vyborg là tàu ngầm chạy bằng động cơ điện – diesel, không to lớn như tàu ngầm hạt nhân, kích thước của tàu là khiêm tốn hơn nhiều: lượng choán nước 3.040 tấn. Tuy nhiên, kích thước tương đối nhỏ, hình dáng và thiết kế của tàu cung cấp cho nó một lợi thế rất quan trọng: tiếng ồn thấp. Do vậy mà NATO gọi tàu ngầm Kilo là "lỗ đen trong lòng đại dương".
Toàn bộ chạy bằng điện
Một trong những đặc điểm thiết kế của tàu cho phép nó làm giảm tiếng ồn là tàu chạy bằng động cơ điện. Các tàu ngầm điện - diesel trước đó khi chạy trên mặt biển thì dùng động cơ diesel, và chỉ khi lặn mới dùng động cơ điện chạy bằng hệ thống pin. Còn tàu ngầm Kilo như Vyborg thì khi nổi hoặc ở độ sâu của kính tiềm vọng, tàu sẽ chạy máy phát điện diesel để sạc pin, và động cơ điện xoay hệ thống chân vịt giúp tàu di chuyển.
Tàu ngầm diesel-điện của các thế hệ trước có cấu hình dài và mỏng. Tàu ngầm Kilo như Vyborg có hình giọt nước (thân tròn) và dày hơn. Điều này phần nào làm suy yếu tốc độ di chuyển khi tàu đi nổi, nhưng thiết kế này giúp tối ưu hóa các đặc tính thủy động lực học của tàu khi lặn. Tiếng ồn thấp và lớp sơn tàng hình hấp thụ các rung động cũng góp phần vào tính êm ái của tàu.
Tàu ngầm Kilo thuộc Dự án thứ 877 đã rất thành công, và trên cơ sở này kể từ giữa những năm 1990 đã phát triển thế hệ tàu ngầm dự án 636 Varszavyanka có tốc độ cao hơn và động cơ mạnh mẽ hơn, cùng chân vịt nhiều cánh, và hệ thống dẫn đường mới nhất. Không giống như tàu ngầm Kilo 877, tàu ngầm Kilo 636 không chỉ có ngư lôi và mìn biển mà còn trang bị thêm tên lửa hành trình diệt hạm phóng qua ống phóng ngư lôi (tên xuất khẩu của hệ thống tên lửa này là Klub-S).
Xuống tàu ngầm Kilo
Phóng viên Popular Mechanics được mời tham quan tàu ngầm Vyborg hồi tháng 5.2015. Cấu trúc thượng tầng phía trên thân tàu ngầm thường được gọi là “cánh buồm”. Trong thực tế, bên trong nó là một loạt thiết bị được nâng lên hạ xuống theo các đường ray như ăng-ten, kính tiềm vọng, ống thở...
Xuống tàu ngầm qua cái thang dựng đứng này, leo từ tháp tàu |
Thân tàu có 2 lớp vỏ, bên trong gồ ghề, bên ngoài láng bóng. Ở giữa 2 lớp là khoang dằn nước.
Khi đi xuống vào trong thân tàu, bạn có thể xem có bao nhiêu thiết bị trong thiết kế của tàu gắn liền với việc ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp. Đó là phao cấp cứu. Trong trường hợp xảy ra thảm họa, các cơ chế đặc biệt thả dây thừng và các phao nổi trên hiện trường của vụ tai nạn. Nó không chỉ cho thấy vị trí của tàu, thậm chí cho phép bạn nói chuyện với các thuỷ thủ tàu ngầm qua điện thoại.
Một thiết bị khác - báo động bằng định vị thuỷ âm (sonar), sẽ gửi các tín hiệu âm thanh để giúp nhân viên cứu hộ tìm thấy vị trí của tàu. Thiết bị này nằm ở dưới cùng của tàu ngầm.
Trong khoang đầu tiên và thứ sáu trong thân tàu có thể nhìn thấy hai nắp tròn lớn, gần như bóng loáng, đó là hai lối thoát hiểm. Trong trường hợp khẩn cấp, đơn vị cứu hộ trên mặt nước sẽ tiếp cận 2 nơi này. Bề mặt của hai nắp này ở bên ngoài tàu luôn láng mịn để đảm bảo kết nối chặt chẽ với thiết bị cứu hộ tàu ngầm. Sau khi thiết bị cứu hộ kết nối nắp thoát hiểm và bơm nước ra ngoài từ không gian giữa thiết bị và nơi kết nối, áp lực của thiết bị trở thành áp lực bên trong tàu ngầm. Bây giờ bạn có thể mở cửa thoát hiểm và di chuyển vào thiết bị cứu hộ để lên mặt nước.
Hai vệt sơn vòng tròn màu trắng ở phần đầu và cuối tàu ngầm đánh dấu lối thoát hiểm |
An toàn cho thuỷ thủ là trên hết
Để vào được bên trong con tàu, bạn cần phải vào tháp tàu, leo lên một vài bước và sau đó đi xuống vài mét bằng một cái thang đứng. Bên trong tàu ngầm rất chật hẹp vì không gian xung quanh có vô vàn thiết bị. Dọc theo thành tàu là cơ man hệ thống đường ống thủy lực và khí với rất nhiều van, đồng hồ.
Khắp nơi là vô số đường ống cùng van, đồng hồ... |
Theo chỉ huy tàu, hệ thống điều khiển tàu dựa trên cơ học và thủy lực được thay thế bằng các thiết bị điều khiển truyền động dùng điện và nó giúp tiết kiệm không gian, làm giảm trọng lượng của thiết bị. Nhưng mặt khác, hệ thống điện tử thỉnh thoảng hoạt động thất thường, đặc biệt là khi các phương thức chiến tranh điện tử ngày càng nâng cấp. Do vậy hệ thống điều khiển bằng thủy lực là đơn giản và dễ bảo trì hơn trong điều kiện chiến trường.
Khi di chuyển từ khoang này sang khoang kia là thông qua các cửa tròn, các phòng rất nhỏ từ bếp đến cabin ngủ, bạn nhận ra rằng tiện nghi trong tàu ngầm là rất khó. Mọi thứ phải phù hợp với không gian hạn chế. Có những hạn chế quan trọng về sức khỏe: lính tàu ngầm phải có khả năng sống và làm việc trong một môi trường không khí thiếu oxy.
Sơ đồ các khoang của tàu ngầm Kilo |
Bên trong tàu ngầm là một khối lượng khí đóng kín, và các loại vấn đề có thể phát sinh như có thể có hỗn hợp nổ. Trong trường hợp xảy ra cháy nổ, ngay lập tức người ta phải ngăn chặn các phản ứng đốt cháy, trong đó có việc sử dụng hệ thống hoá chất bảo vệ như phun khí trơ (Freon). Hệ thống này có thể dập lửa nhưng nó có thể gây chết người nếu không cẩn thận, như trong trường hợp tàu ngầm hạt nhân K-152 Nerpa khởi động trái phép hệ thống này dẫn đến cái chết của 20 thủy thủ năm 2008.
Tàu ngầm là con tàu luôn phải sẵn sàng để chiến đấu cho sự sống còn và cứu hộ thuyền viên của tàu. Trong các khoang đầu tiên, thứ hai và thứ sáu là các khoang sinh tồn, chứa bè và thiết bị thông tin liên lạc. Trong trường hợp xảy ra tai nạn, thuỷ thủ đoàn có thể rời khỏi tàu ngầm, mặc bộ quần áo lặn và dụng cụ thở rồi đi qua các cửa khoan để đến lối thoát hiểm (nằm ở khoang đầu tiên và khoang thứ sáu) hoặc buồng giảm áp (khoang thứ hai). Thuỷ thủ cũng có thể thoát ra khỏi tàu thông qua ống phóng ngư lôi ở khoang thứ nhất.
Mỗi khoang (trong trường hợp xảy ra tai nạn có thể được đóng kín) luôn có dự trữ thực phẩm và nước cho các pin không khí tái sinh.
Không thể thiếu kính tiềm vọng
Bộ não của con tàu là khu điều hành trung tâm, nằm ở tầng trên của khoang thứ hai. Bên dưới khu này là phòng điện đài và định vị. Khu này thông với phần tháp tàu ngầm, là nơi có các thiết bị trượt lên xuống qua tháp tàu ngầm, chẳng hạn một kính tiềm vọng.
|
Trên là khoang điện đài, dưới là khoang chỉ huy của tàu ngầm Vyborg. Có thể thấy không gian những khoang đầu não này cũng rất chật hẹp |
Liệu kính tiềm vọng có còn cần thiết trong thời đại chúng ta khi nay đã có sự hiện diện của sonar và radar cùng các thiết bị hiện đại và hệ thống giám sát khu vực khác?
Trả lời câu hỏi của phóng viên, chỉ huy tàu ngầm Vyborg là ông Sergey Oleynikov cho biết kính tiềm vọng sẽ không bao giờ mất đi tầm quan trọng của nó. Các phương tiện kỹ thuật giám sát và phát hiện là hay bị tác động từ các ảnh hưởng khác nhau, ví dụ bằng phương tiện chiến tranh điện tử. Tuy nhiên tầm nhìn bằng mắt thường thì không bị ảnh hưởng, đó là kính tiềm vọng.
Hơn nữa, thông tin từ định vị đơn thuần chỉ đánh dấu trên màn hình, thường cung cấp rất ít thông tin. Chỉ cần một cái nhìn qua kính tiềm vọng là ngay lập tức ta có thể đánh giá được các loại tàu, tải trọng của chúng và tất nhiên là cả tốc độ. Tất cả điều này có được là nhờ kính tiềm vọng, vừa nhanh chóng mà không cần tính toán phức tạp.
Vyborg, một trong những tàu ngầm Kilo 877 đầu tiên của Liên Xô và Nga |