Bến Tre triển khai đề án sinh kế thoát nghèo bền vững
Cuối năm 2016, toàn TP. Bến Tre có 625 hộ nghèo, 379 hộ cận nghèo theo phương pháp tiếp cận đa chiều. Sau khi có kết quả tổng điều tra hộ nghèo, thành phố quyết tâm bằng nhiều giải pháp thực hiện giảm nghèo bền vững.
Thành phố đã triển khai Đề án sinh kế thoát nghèo đến tận tổ nhân dân tự quản, nhất là tất cả các hộ nghèo, hộ cận nghèo biết để tham gia đăng ký. Qua đó, có 344 hộ nghèo, cận nghèo đăng ký tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo giai đoạn 2016 - 2020.
344 hộ tham gia Đề án được chia thành hai nhóm, gồm nhóm hộ nghèo, cận nghèo có đất sản xuất, có lao động tham gia phát triển sinh kế (80 hộ); nhóm hộ nghèo, cận nghèo không có đất sản xuất, có lao động tham gia phát triển sinh kế (264 hộ).
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Trên thực tế, những chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo như hỗ trợ nhà ở, bảo hiểm y tế, hỗ trợ tiền điện, vay vốn ưu đãi, giới thiệu giải quyết việc làm,… đã góp phần giúp hộ nghèo, cận nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Bên cạnh đó, thành phố còn thực hiện các hoạt động hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo tham gia Đề án phát triển sinh kế thoát nghèo như hỗ trợ dê cái, hỗ trợ vốn, cây con giống và phương tiện sinh kế, với tổng kinh phí gần 200 triệu đồng.
Qua thực hiện Đề án sinh kế từ năm 2016 đến nay, trong 344 hộ đăng ký tham gia có 125 hộ đã thoát nghèo, thoát cận nghèo, đảm bảo thoát nghèo bền vững 31 hộ, thoát cận nghèo bền vững 62 hộ.
Thời gian tới, TP. Bến Tre tiếp tục thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo của Nhà nước theo quy định, vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thời tiếp tục tổ chức họp mặt, đối thoại người nghèo, tuyên truyền về lợi ích và hiệu quả của việc tham gia Đề án để các hộ nghèo, hộ cận nghèo đăng ký tham gia phù hợp với từng điều kiện thực tế của hộ nghèo.
Tại một hội thảo về phát triển sinh kế hộ nghèo, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016–2020 do UBND tỉnh Bến Tre tổ chức cách đây ít lâu, vai trò của công tác xã hội đối với người nghèo đã đặc biệt được đề cao.
Theo PGS.TS. Bùi Thị Xuân Mai, Trường Đại học Lao động Xã hội Hà Nội, mục đích của công tác xã hội với người nghèo nhằm giúp đỡ cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nâng cao năng lực để thoát nghèo bền vững, giúp họ có khả năng giải quyết các vấn đề khiến họ rơi vào hoàn cảnh nghèo khó như thất học, thiếu việc làm, thiếu vốn. Mặc khác, công tác xã hội với người nghèo còn thúc đẩy các điều kiện xã hội để cá nhân, gia đình nghèo tiếp cận được các chính sách, nguồn lực xã hội, đáp ứng nhu cầu cơ bản của họ.
Công tác xã hội với người nghèo là hoạt động trợ giúp chuyên nghiệp đối với các cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo nhằm nâng cao năng lực và chức năng xã hội của những người nghèo, đồng thời thúc đẩy các chính sách liên quan tới nghèo đói, huy động các nguồn lực và dịch vụ nhằm giúp cá nhân, gia đình và cộng đồng nghèo giải quyết vấn đề nghèo đói và đảm bảo an sinh xã hội cho người nghèo.
Được biết, Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá là một trong những nước có nhiều thành tựu trong lĩnh vực giảm nghèo. Việt Nam đã và đang áp dụng nhiều mô hình xoá đói giảm nghèo bao gồm nhiều dịch vụ công tác xã hội.
Tuy nhiên, vai trò của công tác xã hội chưa được khẳng định trong công tác giảm nghèo. Người nghèo chưa được tiếp cận với dịch vụ tham vấn trực tiếp, dịch vụ vận động tham gia xây dựng chính sách, dịch vụ biện hộ cho người nghèo hay hỗ trợ họ kết nối và huy động nhiều nguồn lực bên trong và bên ngoài vào quá trình giải quyết vấn đề.
Có ý kiến đề xuất Bến Tre có thể cân nhắc thực hiện lồng ghép công tác xã hội và có quy định về vai trò của nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội tham gia vào công cuộc giảm nghèo. Có thể mô hình "Một làng, một sản phẩm" của Nhật Bản là một ví dụ để các làng, cộng đồng người dân Bến Tre tạo thương hiệu và nâng cao thu nhập và đời sống.
Công tác xã hội sẽ là nhịp cầu nối người dân nghèo với cán bộ để cán bộ hiểu và sát cánh cùng người dân và chính quyền giảm nghèo bền vững.