Bền bỉ là đòn bẩy cho doanh nghiệp
“Đòn bẩy”
Chặng đường thứ hai của dự án Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống là “đòn bẩy” để hàng Việt có chất lượng tiến sâu vào các chợ. Kết quả sau 10 phiên, độ phủ và doanh số tăng bình quân 30-40% tại mỗi chợ so với trước khi thực hiện dự án. Các doanh nghiệp tham gia dự án đều thừa nhận, thông thường để tiếp thị, quảng bá sản phẩm đạt được con số này, doanh nghiệp cần phải có một lực lượng nhân sự và nguồn kinh phí lớn. Trong khi, chỉ cần hơn hai tháng tham gia dự án với chi phí vừa phải, phù hợp với doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp đã đạt được mục tiêu nhất định.
Sunhouse thành công trong chiến lược đưa hàng vào chợ sau khi tham gia dự án
Kết quả Giai đoạn II Dự án Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống qua những con số: ü Giai đoạn II của dự án thực hiện tại 10 chợ ü 22.000 NTD đến tham quan, mua sắm tại 10 phiên chợ. ü 5.000 NTD tham gia hoạt náo các chương trình. ü 800-1.000 NTD đến tham quan, mua sắm tại mỗi quầy hàng của doanh nghiệp trong mỗi phiên. ü 1.200 tiểu thương tham gia huấn luyện bán hàng. ü 160 học sinh là con em tiểu thương nhận quà khuyến học. |
Ban đầu, Sunhouse Nam tiến chỉ nhắm vào hệ thống bán lẻ hiện đại, khi ra chợ lại gặp nhiều khó khăn. Bà Huỳnh Thị Phương Thảo, phụ trách marketing của Sunhouse, cho biết: “NTD thường quen mắt với sản phẩm đã dùng qua nên sản phẩm của Sunhouse rất vất vả để tiếp cận thị trường này. Khi tham gia dự án, độ nhận diện sản phẩm của NTD tăng đáng kể; tiểu thương muốn bán thêm Sunhouse bên cạnh những đồ dùng nhà bếp của các thương hiệu khác”.
Cùng quan điểm với Sunhouse, ông Phạm Thanh Tú, Phó phòng kinh doanh- công ty Cổ phần Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, chia sẻ: “Sau mỗi phiên chợ, NTD quay lại chợ hỏi mua sản phẩm mà Mỹ Hảo đã giới thiệu tại chợ. Nhờ đó, tiểu thương đặt hàng và trưng bày sản phẩm mới của Mỹ Hảo nhiều hơn để thuận tiện trong việc mua bán. Đặc biệt, chúng tôi và tiểu thương gặp nhau nhiều hơn qua các phiên chợ, nắm bắt được nhiều vấn đề phải giải quyết để không bị đứt hàng và phát triển thị phần ở chợ truyền thống”.
Mỹ Hảo ra dòng sản phẩm dây nước xả, nước giặt tiện lợi, phù hợp với NTD bình dân.
Sau mỗi phiên chợ, nhiều NTD đến hỏi mua sản phẩm này.
Nhựa Chí Thành xác định rõ chợ không phải là đất sống của nón bảo hiểm nhưng vẫn mạnh dạn tham gia dự án không nhằm mục đích bán hàng. “Thông qua phiên chợ, Chí Thành muốn NTD biết đến sản phẩm nón bảo hiểm có chất lượng và khuyến cáo NTD sử dụng nón có thương hiệu, an toàn cho sức khỏe và tính mạng. Sau 10 phiên giai đoạn II, kết quả thật bất ngờ. NTD nhận diện tốt sản phẩm và thương hiệu; nhiều tiểu thương đặt vấn đề mở đại lý tại chợ. Bên cạnh đó, các điểm bán nón bảo hiểm gần khu vực chợ bán được sản phẩm của Chí Thành nhiều hơn”, ông Lưu Song Hùng, Trưởng phòng kinh doanh nhựa Chí Thành, cho biết.
Chí Thành với sản phẩm nón bảo hiểm luôn thu hút đông người mua sắm.
Nhiều phiên chợ, Chí Thành bị cháy hàng dù chợ truyền thống không là thế mạnh.
Ngày vàng hàng Việt chỉ diễn ra vào hai ngày cuối tuần nhưng nhựa Duy Thành vẫn duy trì khuyến mãi, chiết khấu cho tiểu thương suốt hai tuần tháng trước và sau phiên chợ. Nhờ đó, độ phủ luôn tăng mạnh sau các phiên chợ với mức bình quân 40-50%. Tham gia dự án, các doanh nghiệp đều xác định rõ không đặt mục tiêu doanh số, chỉ đặt mục tiêu tăng độ phủ và khả năng nhận biết thương hiệu của NTD. Vì thế, ở giai đoạn II, hầu hết các doanh nghiệp đều chuẩn bị lực lượng nhân sự chuyên trách suốt dự án. Đồng thời, có những chương trình dài hơi để quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, giới thiệu sản phẩm mới và tiếp cận sâu vào thị trường này. Sau hai tuần diễn ra phiên chợ, ban quản lý dự án tổ chức đo lại độ phủ và nhận thấy sự phát triển tốt của thị trường qua các con số tăng về độ phủ và ấn tượng trong NTD. Có đến 80% tiểu thương được hỏi đều khẳng định NTD quay lại chợ hỏi mua sản phẩm của doanh nghiệp đã bày bán tại Ngày vàng hàng Việt; 76% tiểu thương được hỏi đều có dự định đặt hàng sản phẩm của doanh nghiệp tham gia dự án để bày bán ở quầy sạp của mình.
Nhựa Duy Thành tăng độ phủ khoảng 40-50% sau mỗi phiên chợ
Sẵn sàng cho giai đoạn III
Giai đoạn II vừa kết thúc, các doanh nghiệp đều trong tư thế sẵn sàng cho giai đoạn III, dự kiến bắt đầu vào tháng 4.2013. Tiên phong phải kế đến Bidrico chuyên ngành nước giải khát. Ông Lê Hoàng Thành, Quản lý khu vực TPHCM-Công ty Bidrico, cho biết: “Ở giai đoạn II, Bidrico đã có sự thay đổi phù hợp với thị trường, nhất là chiết khấu và tặng kèm sản phẩm mới của doanh nghiệp, tạo một kênh quảng bá hiệu quả cho doanh nghiệp. Bidrico đang trong tâm thế sẵn sàng cho giai đoạn III với nhiều hình thức khuyến mãi hấp dẫn hơn đối với tiểu thương và NTD. Các chương trình hoạt náo, quà tặng cũng hấp dẫn hơn để ngày càng có nhiều NTD biết đến doanh nghiệp và sản phẩm hơn”.
Bidrico luôn tạo sự hấp dẫn đối với tiểu thương không chỉ bởi chiết khấu
mà còn bởi những quà tặng có giá trị tại các buổi huấn luyện bán hàng
Trong công cuộc Nam tiến của Sunhouse, kênh phân phối chợ truyền thống vẫn là mảnh đất màu mỡ cho ngành hàng đồ nhà bếp. “Hàng Việt vào chợ là bước ngoặt lớn cho Sunhouse trong việc tấn công thị trường chợ truyền thống. Về lâu dài, Sunhouse muốn tăng sự hiện diện của doanh nghiệp trên thị trường TPHCM và các tỉnh, thành phía Nam, cạnh tranh với những thương hiệu mạnh cùng ngành hàng. Vì thế, tham gia dự án giai đọan III, Sunhouse tiếp tục đẩy mạnh nguồn hàng vào chợ qua các phiên chợ ngày vàng”, bà Phương Thảo cho biết.
Nước mắm Liên Thành đã kịp thời lấp đầy những khoảng trống trên thị trường chợ truyền thống sau giai đoạn II của dự án. Để tiếp tục cạnh tranh với sản phẩm cùng ngành hàng của các doanh nghiệp khác, Liên Thành mạnh dạng thực hiện trả phí trưng bày. Đồng thời, chuẩn bị nguồn nhân lực tốt hơn cho giai đoạn III để tiếp phục chinh phục NTD chợ truyền thống. Riêng nhựa Duy Thành đang thực hiện các chính sách kích cầu mùa mua sắm bằng cách chiết khấu tốt hơn qua các đơn hàng của tiểu thương.
Nước mắm Liên Thành được nhiều NTD biết đến tại các phiên chợ
Lợi ích được san sẻ đều cho doanh nghiệp và tiểu thương nên dự án luôn thu hút sự đồng hành của doanh nghiệp và ủng hộ nhiệt tình của tiểu thương, các ban quản lý chợ và chính quyền địa phương. Bà Huỳnh Thị Yên, Giám đốc dự án Hàng Việt đồng hành với tiểu thương chợ truyền thống, cho biết: “Không chỉ là đòn bẩy cho hàng Việt tiến sâu vào chợ truyền thống, dự án còn đem lại lợi ích thiết thực cho tiểu thương. Khi được hỏi, có đến 80% tiểu thương cho biết dự án có ý nghĩa thiết thực đối với người bán hàng ở chợ đang chịu sức ép cạnh tranh với hệ thống bán lẻ hiện đại. Đặc biệt, qua các buổi huấn luyện bán hàng, tiểu thương nhận ra nhiều điều cần phải sửa chữa để bán hàng tốt hơn, thu hút NTD đến chợ nhiều hơn. Vì thế, ở giai đọan III, dự án vẫn duy trì sự hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và tiểu thương để phát triển bền vững và hàng Việt trụ lâu dài trên thị trường này”.