Bé trai 6 tuổi đã bị viêm màng não mủ nghi từ vật nuôi phổ biến tại các gia đình
Trước khi nhập viện, trẻ đã sốt kéo dài 1 tuần, đau đầu âm ỉ, tăng cảm giác đau toàn thân, đáng lưu ý theo lời người thân, nhà bé nuôi nhiều chó, mèo và trẻ thường chơi đùa cùng chúng.
Bé trai 6 tuổi đã bị viêm màng não mủ nghi từ vật nuôi phổ biến tại các gia đình (ảnh minh hoạ) |
Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí vừa điều trị thành công một trường hợp bệnh nhi Đ.G.B. 6 tuổi mắc bệnh lý hiếm gặp.
Qua khai thác tiền sử bệnh và thăm khám trẻ có tình trạng sốt kéo dài 1 tuần, đau đầu âm ỉ, tăng cảm giác đau toàn thân. Theo gia đình cho biết nhà có nuôi nhiều chó, mèo và trẻ thường chơi đùa cùng chúng.
Trẻ được chỉ định chụp cộng hưởng từ sọ não và chọc dịch não tủy, làm xét nghiệm máu chẩn đoán. Kết quả cho thấy trẻ có viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo và được điều trị theo phác đồ. Sau 2 tuần điều trị, bệnh nhi ổn định và được ra viện.
Viêm màng não do ký sinh trùng là một trong những nguyên nhân gây viêm màng não tăng bạch cầu ái toan thường gặp nhất, tác nhân gây bệnh là một ký sinh trùng nào đó. Người mắc bệnh viêm màng não tăng bạch cầu ái toan là khi có trên 10 bạch cầu ái toan/mm3 dịch não tủy hoặc thành phần bạch cầu ái toan chiếm trên 10% các tế bào trong dịch não tủy.
Tác nhân lây nhiễm xâm nhập chủ yếu qua đường tiêu hóa do ăn các thức ăn còn sống có chứa mầm bệnh, một số trường hợp hiếm gặp mầm bệnh có thể xuyên qua da người khi làm việc trong môi trường có mầm bệnh ký sinh trùng này.
Các loại ký sinh trùng được biết có liên quan với viêm màng não gồm có: giun mạch (Angiostrongylus cantonensis), giun đầu gai (Gnathostoma spinigerum), sán máng (Schistosoma haematobium), nang sán heo (Cysticercus cellulosae), giun đũa chó/mèo (Toxocara canis/Toxocara catis), và sán lá phổi (Paragonimus westermani).
BSCKI. Đào Thị Loan, Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, viêm màng não tăng bạch cầu ái toan do nhiễm giun đũa chó mèo là bệnh lý hiếm gặp, nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, sẽ gây ra nhiều di chứng thần kinh nặng nề và có thể gây tử vong.
Vẫn theo BSCKI. Đào Thị Loan, giun đũa chó mèo (Toxocara) là một loại giun ký sinh ở chó mèo, trứng giun thường có trong đất hoặc nước bị nhiễm phân chó mèo, người nhiễm loại giun này có thể do ăn phải một cách tình cờ, ấu trùng di chuyển qua niêm mạc ruột vào tuần hoàn máu đến hệ thần kinh trung ương như não, tủy sống và rễ dây thần kinh gây nên bệnh cảnh của viêm não – màng não.
Triệu chứng của viêm màng não ký sinh trùng thường gặp nhất là sốt, đau đầu (gặp trên 90% bệnh nhân, thường đau nhiều vùng trán, chẩm, hai bên thái dương, đau đáp ứng kém với thuốc giảm đau thông thường và có khuynh hướng đau nhiều về đêm), buồn nôn, nôn ói, dị cảm tay chân, đau mỏi cổ gáy, đôi khi cứng cổ.
Ngoài ra, còn có các triệu chứng khác kèm theo như nhìn đôi (do liệt các dây thần kinh vận nhãn), giảm thị lực, yếu tay chân.
Trong các trường hợp bệnh diễn tiến nặng bệnh nhân có thể hôn mê, thậm chí tử vong. Ngoài ra, triệu chứng thường gặp của nhiễm giun đầu gai là nổi mẩn da do ấu trùng di chuyển.
Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh có các triệu chứng đau đầu không thuyên giảm ngay với thuốc giảm đau, có nổi mẩn ngứa ở da, trước đây có thói quen ăn thức ăn sống (rau sống, nem chua), các thức ăn chưa được nấu chín (thịt heo tái, tôm, cua, cá, ốc, nghêu, sò…), trong nhà có nuôi nhiều chó hay mèo, các trẻ em kém vệ sinh cần được thăm khám kỹ và sớm tại các bệnh viện có chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị đặc hiệu kịp thời.
Ngoài ra, để hạn chế nguy cơ nhiễm giun đũa chó mèo, BSCKI. Đào Thị Loan khuyến cáo người dân đặc biệt các hộ gia đình nuôi chó mèo cần vệ sinh môi trường, khu vực trong nhà, không cho trẻ em chơi ở những nơi có phân chó mèo, tẩy giun cho chó mèo định kỳ, vệ sinh tay sạch sẽ trước khi ăn, thực hiện ăn chín uống chín.
N. Huyền