Bé gái 9 tuổi đã gặp 'đèn đỏ', chuyên gia chỉ cách giúp con trì hoãn dậy thì sớm
Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.
Chị N.T.H (Đống Đa, Hà Nội) lo lắng đưa con gái 9 tuổi đến viện khám và điều trị dậy thì sớm. Chị kể, một năm trước ngực con gái chị bắt đầu lùm lùm, ria mép cũng thấy cứng hơn, hỏi con thì phát hiện cũng bắt đầu có lông nách, lông mu…
“Dẫu biết con có xu hướng dậy thì sớm nhưng không nghĩ lại đến sớm như vậy khi hai tháng nay con bắt đầu có kinh nguyệt. Mẹ vẫn phải thay cho mỗi kỳ mà giờ lại đi học rồi tôi đang không biết phải làm sao. Thương con thắt ruột”, người mẹ trẻ này cho hay.
Con gái chị H., không phải là trường hợp duy nhất phản ánh tình trạng dậy thì sớm ở trẻ hiện nay. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), độ tuổi dậy thì của trẻ đang có hiện tượng sớm hơn 2-3 năm đối với bé gái, 1-2 năm với bé trai. Dậy thì sớm ở trẻ ngoài những ảnh hưởng trực tiếp trong sinh hoạt, trẻ còn chịu nhiều hệ lụy về cảm xúc, tâm lý và xã hội.
Theo TS.BS. chuyên khoa nội tiết Bùi Phương Thảo, Bệnh viện Nhi Trung ương thì hiện tượng “trẻ con hóa dậy thì” khi tuổi được chẩn đoán sớm hơn trước. Nếu năm 1980 tuổi trung bình có kinh nguyệt là 15-16 tuổi, nay thì trung bình là 11-12 tuổi. Năm 2019, đã có 365 cháu được chẩn đoán mắc dậy thì sớm ở Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ảnh minh hoạ |
Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên số cháu đến khám giảm đi, nhưng cũng đã có 107 cháu được phát hiện. Tính đến năm 2020, bệnh viện đang quản lý hơn 1.000 bé dậy thì sớm và đã điều trị ức chế dậy thì cho hơn 500 cháu.
Đáng lưu ý, trong một nghiên cứu tại Bệnh viện Nhi Trung ương ở gần 500 bệnh nhi dậy thì sớm được khám và điều trị cho thấy, Hà Nội có số bệnh nhân nhiều nhất với 291 cháu, tiếp đó là Hải Phòng với 29 cháu, Hải Dương đứng thứ ba với 17 cháu, tiếp theo là Bắc Ninh (16 cháu), Hưng Yên (15 cháu),...
Bệnh viện cũng từng điều trị cho nhiều bệnh nhi nữ 3-4 tuổi có khối bất thường trong não dẫn đến có kinh nguyệt từ nhỏ.
Chia sẻ về vấn đề này với phóng viên, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam - TS Trương Hồng Sơn cho rằng, thực ra, Việt Nam đang đi theo xu hướng của thế giới. Nếu trước kia cách đây khoảng vài chục năm, tuổi dậy thì ở nữ là 13 tuổi, nam 16 tuổi thì hiện nay, con số đó đang được đẩy lên sớm.
Chuyên gia cho rằng, dậy thì sớm liên quan đến nhiều vấn đề. Đó là do từ tình trạng dinh dưỡng béo phì sẽ làm tăng lên nguy cơ dậy thì sớm. Ngoài ra còn có những vấn đề khác như: Tâm lý, vấn đề về văn hóa, xã hội…
Dậy thì sớm sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, trong đó, nguy cơ lớn nhất là chậm tăng trưởng chiều cao của trẻ. Bởi trẻ nữ thường phát triển chiều cao tốt nhất đến giai đoạn giữa dậy thì, còn trẻ nam sẽ phát triển tăng chiều cao nhanh đến cuối giai đoạn dậy thì. Như vậy, nếu tuổi dậy thì càng sớm thì giai đoạn phát triển chiều cao sẽ càng ngắn đi, ngoài ra còn ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ.
Để tránh tình trạng dậy thì sớm ở trẻ, TS. BS Trương Hồng Sơn cho rằng cần phải phối hợp nhiều yếu tố nhằm chống thừa cân. Cụ thể, bố mẹ cần phải cắt giảm thức ăn không có lợi cho trẻ như: Gluxit (tinh bột), protein (chất đạm), chất béo, đồ ăn nhanh, ăn vặt, nước ngọt….
“Qua đó, phụ huynh nên giữ cho trẻ có tình trạng dinh dưỡng thật tốt, nằm ở trong giới hạn bình thường” - TS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Cùng với đó, chuyên gia cũng lưu ý, phụ huynh nên sắp xếp thời gian học, thời gian nghỉ ngơi hợp lý. Đặc biệt, phụ huynh nên cho con có một chế độ sinh hoạt điều độ, tăng thời gian vận động.
“Đơn cử, phụ huynh có thể đưa ra các phương án con sẽ phải tham gia các môn thể dục, thể thao. Chúng tôi đưa khuyến nghị đưa ra phương án 5+2, nghĩa là 5 ngày thể dục và 2 ngày thể thao”, TS. BS Hồng Sơn nhấn mạnh.
Để đạt được mục tiêu cho phương án 5+2 này, hàng ngày phụ huynh nên giao cho con những công việc ở trong gia đình như: Sắp xếp đồ đạc, dọn cơm…, các việc vặt khác, để con được vận động, tăng trách nhiệm cho con trong công việc gia đình. Phụ huynh nên khích lệ, động viên con tập thể dục mỗi ngày khoảng 30 phút.
Còn 2 ngày cuối tuần hoặc trong tuần, khuyến khích con chơi các môn thể thao ngoài trời. Bởi ngoài trời, khi các con tiếp xúc với ánh sáng đồng nghĩa với việc tiếp xúc vitamin D. Đây là một trong những vi chất liên quan đến hấp thụ canxi. Vì vây, hoạt động này cũng làm cho con phát triển chiều cao tốt hơn.
Đặc biệt, ở lứa tuổi này, phụ huynh cho con chơi các môn thể thao kéo dài như: Cầu lông, bóng bàn, đạp xe, đá bóng, bóng rổ, bóng chuyền… tránh những môn tì đè (không nên tập tạ ở tuổi này).
“Phụ huynh cũng nên khuyến khích con chơi những môn thể thao đồng đội. Bởi hoạt động này không chỉ mang lại lợi ích về vấn đề thể lực mà nó còn mang lại cảm xúc, tạo cho trẻ có mối liên hệ với nhau trên tinh thần đoàn kết, tinh thần đồng đội…” - chuyên gia chia sẻ.
Bên cạnh đó, TS Trương Hồng Sơn cũng lưu ý, phụ huynh nên để ý đến giấc ngủ của con. Thực tế, phần lớn trẻ thừa cân béo phì sự chuyển hóa sẽ chậm đi do những vấn đề liên quan đến giấc ngủ. Thức khuya vừa làm cho trẻ tăng thêm nguy cơ thừa cân, lại vừa làm giảm hormone liên quan đến hormone tăng trưởng.
“Bởi hormone tăng trưởng (Growth hormone) tiết nhiều nhất vào lúc 22 giờ đêm đến 1 giờ sáng. Như vậy, phụ huynh cố gắng sắp xếp cho con ngủ sớm trước giờ đó. Cụ thể, trẻ nhỏ nên ngủ trước 21 giờ, đối với trẻ trong lứa tuổi đi học nên ngủ lúc 21 giờ 30 phút để đảm bảo lúc 22 giờ trẻ bắt đầu ngủ say. Như vậy, từ 22 giờ đến 1 giờ sáng, con sẽ tăng hormone, góp phần tăng trưởng chiều cao”, TS. BS Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
N. Huyền