Bất ngờ lớn trong đề Ngữ văn lớp 10
Đề văn thi vào 10 của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
Đột phá! Đó là nhận định của dư luận phụ huynh học sinh đối với đề thi môn ngữ văn tuyển sinh lớp 10 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Đề thi đề cập Biển Đông, lối sống vô cảm và ý thức tham gia giao thông
Câu 2: “Một thước núi, một tấc sông của ta lẽ nào lại nên vứt bỏ? Ngươi phải kiên quyết tranh biện, chớ cho họ lấn dần. Nếu họ không nghe còn có thể sai sứ sang phương Bắc trình bày rõ điều ngay lẽ gian. Nếu ngươi dám đem một thước núi, một tấc đất của Thái tổ làm mồi cho giặc, thì tội phải tru di!”. (Lời của vua Lê Thánh Tông, Ngô Sĩ Liên ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư). Dựa vào nội dung đoạn trích, viết một câu văn trình bày quan điểm của mình về chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng: Trường Sa, Hoàng Sa...”.
Câu 3: “- GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học lý luận và ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), đã công bố kết quả cuộc điều tra xã hội cho thấy: “Tỉ lệ nói dối cha mẹ ở học sinh cấp I là 22%, cấp II là 50%, cấp III là 64% và sinh viên là 80%”. Cảnh báo về tình trạng nói dối ở học sinh, sinh viên hiện nay.
- Kẹt xe là không tránh khỏi. Vậy thì hãy nghĩ xem nếu mọi người ai cũng đi đúng làn đường, chờ đèn xanh một chút, cũng tắt máy (nếu kẹt xe cứng ngắc, chỉ có thể nhích từng chút một), không bấm còi xe (vì có bấm cũng vậy, người phía trước cũng có nhúc nhích tránh đường cho mình được đâu), không càu nhàu, chửi bới... (Trích báo Thanh Niên, Chủ nhật 22-6-2014). Cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông.
Ảnh trong đề thi Ngữ văn vào 10 ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu |
- Nhìn vào hình bên (xem hình phía trên). Một cảnh báo về lối sống vô cảm.
Viết một bài văn (khoảng một trang giấy thi) trình bày suy nghĩ của em về một trong ba cảnh báo trên”.
“Nổ” ra tranh luận
Khi môn thi kết thúc, bên ngoài các hội đồng thi lập tức “nổ” ra những cuộc tranh luận về đề thi. Trong khi có HS, phụ huynh bày tỏ sự bất ngờ và kêu khó thì cũng có nhiều người khác lại đánh giá đề quá hay và nhiều HS làm được bài. Đến hội đồng thi nào cũng nghe bàn tán về đề thi môn văn.Phụ huynh Nguyễn Thị Lan (có con học Trường THCS Kim Đồng) nói về đề thi môn văn: “Con tôi về kể cháu làm được bài. Các câu cảnh báo vấn đề thực tế của xã hội cháu có theo dõi qua thời sự nên nắm được”.
Về đổi mới đề thi văn, ông Nguyễn Thanh Giang, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết: Mục tiêu ra đề thi môn văn năm nay là hạn chế HS học thuộc lòng máy móc, “đánh bại” thói quen không tốt của cả thầy và trò trong thi môn ngữ văn là làm văn theo bài văn mẫu.
“Chúng tôi không muốn đề thi chỉ đơn giản là phân tích một bài văn, một khổ thơ, là kiểm tra kiến thức của các em mà mong các em phải vận dụng được kiến thức đã học vào xử lý tình huống thực tế trong cuộc sống hằng ngày” - ông Giang nhấn mạnh.
Dạy văn là dạy người
Ông Giang chia sẻ thêm ba tình huống cảnh báo đều là những vấn đề rất thực tế, nóng và nhạy cảm hiện nay. Đặc biệt, khi nói về sự vô cảm, đề đã dùng hình ảnh để minh họa thay cho lời diễn giải. Nhiều HS đi ngoài đường thấy cảnh đánh nhau, uy hiếp người yếu thế hơn nhưng không dám bênh vực, bỏ qua. Đó là biểu hiện của sự vô cảm.“Chúng tôi muốn giáo dục, cung cấp cho HS không những có được kiến thức về văn chương mà mục tiêu dạy văn là dạy người, dạy cho HS phân biệt cái đúng, cái sai, phê phán thói hư tật xấu trong xã hội. Đề thi lần này có thể có nhiều em điểm không cao vì học “lệch tủ” nhưng chúng tôi cũng sẽ chấp nhận. Thông qua một kỳ thi nhưng mục tiêu của chúng tôi là thực hiện đổi mới trong dạy văn, học văn cho thời gian sắp tới” - ông Giang chia sẻ.
Sẽ không còn học tủ, dạy theo văn mẫu nữa!
Nhiều giáo viên nhận xét đề thi môn ngữ văn năm nay hay và khá khó, buộc HS phải tư duy. Đề thi có cấu trúc gồm bốn câu. Khác với những năm trước, câu 1, 2 thường là câu dễ lấy điểm và kiểm tra kiến thức học thuộc lòng của HS thì năm nay Sở đã chọn cách ra đề buộc HS phải tư duy, đọc đề kỹ và viết chuẩn, ngắn gọn thì mới có thể có được trọn vẹn 2 điểm cho hai câu, trong đó có câu “Viết một câu văn trình bày quan điểm của học sinh về chủ quyền đất nước, bắt đầu bằng: Trường Sa, Hoàng Sa…”.
Ở câu thứ ba, đề thi đưa ra ba lời cảnh báo rất thực tế và cũng là vấn đề nóng, nhạy cảm hiện nay, kèm những trích dẫn, số liệu có thực gồm: Cảnh báo về tình trạng nói dối ở HS, sinh viên hiện nay; cảnh báo về ý thức của người tham gia giao thông; cảnh báo về lối sống vô cảm. Từ đây, đề yêu cầu HS viết một bài văn khoảng một trang giấy trình bày về một trong ba cảnh báo trên. Để làm câu này, HS cần có những hiểu biết thực tế xã hội và lối hành văn chắc chắn, mạch lạc.
Cách dạy văn bây giờ từ tiểu học trở đi hầu như đều làm theo văn mẫu. Tôi đã đi chấm thi và gặp nhiều trường hợp có những sai sót rất đáng báo động khi làm theo văn mẫu mà các em không hiểu thực chất vấn đề! Hy vọng từ những năm học tiếp theo, giáo viên sẽ chú trọng hơn để không còn tình trạng học tủ, ôn trọng tâm, dạy làm theo văn mẫu nữa.
Cô NGUYỄN THỊ PHƯƠNG, giáo viên dạy văn, Hiệu trưởng Trường THCS Vũng Tàu (TP Vũng Tàu)
Học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm với gia đình, xã hội
Trước hết, tôi xin nói lại cho rõ: Trong một bài nói chuyện của mình, tôi trích dẫn kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục công bố năm 2008 về tỉ lệ nói dối này. Báo đưa tin không chính xác, sau đó tôi đã cải chính.
Về đề thi, tôi đánh giá cao xu hướng ra đề thi dạng mở như vậy. Học sinh sẽ được kéo gần hơn với cuộc sống để tiếp cận thực tế. Từ đó góp phần xóa tình trạng học sinh làm bài theo kiểu học thuộc lòng, máy móc theo ý thầy cô dẫn đến thiếu sự sáng tạo trong học tập và cuộc sống.
Đề thi đưa tình trạng nói dối, ý thức tham gia giao thông và lối sống vô cảm - đều là những vấn đề nhức nhối đang tồn tại trong xã hội, học sinh sẽ có những suy nghĩ nhất định, hiểu đúng bản chất vấn đề và thể hiện được sự đấu tranh chống tiêu cực. Lâu nay chúng ta hay nghĩ rằng học sinh còn nhỏ, không nên tiếp cận với những vấn đề tiêu cực hoặc là chỉ đề cập, giảng dạy những điều tốt đẹp, còn cái xấu xa thì che đậy là không đúng.
Dù học sinh ở lứa tuổi nào cũng có cách tư duy và cái nhìn riêng đối với từng vấn đề trong thực tế để thể hiện vào bài viết. Đó cũng là cách để từng học sinh tự nhìn lại mình, rút kinh nghiệm, nâng cao nhận thức hơn cho bản thân trong ứng xử với cuộc sống. Đồng thời, mỗi học sinh sẽ ý thức được trách nhiệm của mình, cùng với trách nhiệm chung của gia đình và xã hội nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
GS-TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng, ĐH Quốc gia TP.HCM
Nguồn Pháp luật TP.HCM