Bất ngờ điếc một bên tai, có thể bạn đã mắc bệnh 'giết người số 1'
PGS TS BS chuyên khoa Tai – mũi - họng Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội cho biết, bệnh tim mạch là “kẻ giết người số 1” với thống kê trung bình mỗi phút 1 người tử vong vì cân bệnh này.
Tuy nhiên, không nhiều người biết họ có thể phát hiện sớm loại bệnh này qua biểu hiện của các cơ quan khác trên cơ thể, trong đó có tai. Nếu phát hiện sớm, họ có thể cùng với bác sĩ tim mạch ngăn chặn “cái chết được cảnh báo trước” này.
Đầu tiên phải kể đến mối liên quan giữa sức khoẻ tim mạch mà thính giác. Khi hệ tim mạch hoạt động tốt, máu cung cấp đủ cho các cơ quan trong đó có tai. Ngược lại, lưu lượng máu không đủ và thiếu máu ở tai trong có thể góp phần làm giảm thính lực.
Theo đó, khi máu lưu thông kém sẽ giảm lượng oxy của các tế bào lông này, gây ra tổn thương hoặc phá hủy. Vì những tế bào lông này không tái tạo, nên dẫn đến mất thính lực vĩnh viễn (hay mất sức nghe). Khi điều này xảy ra, bên cạnh việc giảm sức nghe, người bệnh có thể bị ù tai và/ hoặc chóng mặt.
Lý giải vì sao ù tai lại liên quan đến bệnh tim mạch, PGS. TS Bích Đào cho biết, các mạch máu bất thường, động mạch bị hẹp, xơ vữa động mạch và các vấn đề về mạch máu khác có thể gây ra biểu hiện ù tai nghe giống như nhịp tim, được gọi là “chứng ù tai dạng mạch đập”.
Do đó, PGS. TS Bích Đào khuyến cáo nếu bạn đang bị chứng ù tai này, hãy nhanh chóng đi khám tai – mũi- họng để phát hiện sớm, điều trị kịp thời nếu đó là dấu hiệu của diễn biến đang nặng lên của một bệnh lý tim mạch.
Thứ hai, đột quỵ có thể gây mất thính lực. Theo đó, đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu lên não bị tắc nghẽn vì một lý do nào đó, khiến não không nhận được lượng oxy rất cần thiết.
Nếu đột quỵ xảy ra ở những vùng não chịu trách nhiệm về thính giác và thăng bằng, đột quỵ có thể gây suy giảm thính lực, chóng mặt và những thay đổi khác về tiền đình.
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể dễ dàng phát hiện đột quỵ bằng cách sử dụng một số bài kiểm tra bên giường, như bài kiểm tra "phản xạ Moro" để xem liệu một người có thể nghe thấy âm thanh ở khoảng cách gần hay không.
“Khi đột quỵ ảnh hưởng đến thùy thái dương của não, một người có thể trải qua những thay đổi tiêu cực lâu dài trong thính giác của họ. Chúng bao gồm khó nhận ra lời nói hoặc âm thanh, nhận thức rằng âm thanh bình thường là bất thường hoặc lạ. Hiếm khi, một người cũng có thể có "ảo giác thính giác", trong đó họ nghe thấy những thứ không tồn tại”, PGS. TS Bích Đào thông tin.
PGS. TS cho biết, có một số bằng chứng cho thấy những người bị mất thính lực đột ngột ở một bên tai (còn được gọi là mất thính giác thần kinh đột ngột, hoặc SSNHL) có thể tăng nguy cơ bị đột quỵ trong vài năm tới, sau khi mất thính lực.
Đáng lưu ý, đến nay nguyên nhân mất thính giác đột ngột vẫn chưa được giải thích thuyết phục, có giả định cho rằng nguyên nhân có thể là do nguồn cung cấp máu trong phần não chịu trách nhiệm về thính giác bị gián đoạn.
Nếu bạn đã trải qua SSNHL, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ mắc bệnh tim hoặc đột quỵ.
PGS. TS Bích Đào nhấn mạnh, mặc dù mất thính giác thần kinh giác quan là vĩnh viễn, nhưng bạn có thể giúp duy trì thính giác còn lại của mình bằng cách áp dụng một chương trình thể dục được bác sĩ khuyến cáo bao gồm các bài tập tim mạch, đặc biệt nếu bạn bị béo phì.
Theo đó, cần tuân thủ chế độ ăn uống, sinh hoạt lành mạnh (không hút thuốc, sử dụng rượu bia các chất kích thích…), tăng cường luyện tập thể dục thể thao theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.
N. Huyền