Bắt hàng vạn sách lậu: Nhà xuất bản Giáo dục "ngồi trên đống lửa"
Sách bổ trợ bài tập cho học sinh bị in lậu nhiều nhất trong mùa hè năm nay |
Sách lậu vào mùa
Ông Đỗ Thành Lâm, Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam cho biết, chỉ trong một mùa hè ngắn năm nay, trên thị trường cả nước đã xuất hiện rất nhiều sách của NXB Giáo dục bị in lậu và được tiêu thụ với số lượng lớn. So với năm ngoái, sách lậu đã tràn lan với mức độ nhiều hơn và trắng trợn, công khai trên diện rộng, khó kiểm soát khiến NXB hoang mang.
Chỉ tính trong tháng 6 đến nay, đơn vị này phát hiện một loạt các đầu sách bổ trợ cho học sinh bị in lậu và bày bán công khai trên nhiều nhà sách, cửa hàng trong cả nước. Trong đó, những bộ Vở bài tập toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5, sách bài tập các môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh… từ lớp 6 đến lớp 9; Bộ sách tin học, bài tập tin học THCS quyển 1,2 3, 4, bộ truyện đọc từ lớp 1 đến lớp 5… được in lậu nhiều nhất.
Đặc biệt là bộ sách Tiếng Anh và sách bài tập tiếng Anh (Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020) từ lớp 3 đến lớp 6 cùng một số sách tham khảo có nhu cầu phát hành số lượng lớn trên thị trường đã bị in lậu với số lượng hàng chục nghìn cuốn.
Sách giả, hình ảnh không rõ nét và bị nhòe |
Trong khi đó, các cơ quan chức năng như công an và quản lý thị trường các tỉnh cũng cho biết đã bắt được số lượng lớn sách in lậu trong tháng 6 này. Đơn cử như tại số 47, đường Nguyễn Thị Lưu, P. Ngô Quyền, TP. Bắc Giang do ông Ngô Trung Định làm chủ kinh doanh, lực lượng chức năng đã tạm giữ 1.823 xuất bản phẩm không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Cũng trên đoạn đường này, cơ quan chức năng cũng thu giữ 36 thùng đựng xuất bản phẩm với 4.097 cuốn sách lậu tại Nhà sách Hằng Thắng. Tại Bà Rịa – Vũng Tàu cũng có hàng chục nghìn cuốn sách lậu bị tịch thu trong tháng 6.
Riêng tại địa bàn TP.HCM, có rất nhiều tuyến đường sách giá rẻ và khó kiểm soát chất lượng như Cộng Hòa (Q. Tân Bình), Lý Thường Kiệt (Q.10), Trần Nhân Tôn (Q.5), Xô Viết Nghệ Tĩnh (Q. Bình Thạnh)…
Theo ghi nhận của PV, thoáng nhìn bên ngoài những cuốn sách này khá giống với sách thật. Tại bìa 4 của cuốn sách được dán tem nhái tem chống giả, có đầy đủ thông tin xuất bản, được bán bằng với giá sách thật… Tuy nhiên, chất lượng giấy in không được tốt, nhất là các hình ảnh in không được rõ ràng, màu sắc không đồng đều, chữ bị đứt nét…
Rất nguy hiểm đến học sinh
Ông Đoàn Quý Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sách và Thiết bị giáo dục miền Nam cho hay, sở dĩ nội dung sách lậu giống y chang sách thật và giá bán cũng bằng với sách thật là do các đối tượng làm lậu dùng máy ảnh chụp lại sách thật. Sau đó, đem bản chụp này đi scan và in ra. Song do nhà in cẩu thả hoặc in ở nhà in không đồng bộ, chỗ này chỗ kia cắt xén vào khâu chỉ nên rất khó phát hiện hoặc cắt méo, cắt lệch, giữa trang bìa và trang ruột không khớp nhau.
“Sai về kiến thức cơ bản là không có vì sách lậu chụp lại sách thật. Tuy nhiên, các sách lậu thường xảy ra lỗi mất nét chữ hay những hình ảnh minh họa. Trong khi đó, những hình ảnh này đối với những học sinh tiểu học được sử dụng rất nhiều trong sách và cũng là kiến thức nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em.
Đặc biệt những cuốn sách in ấn các bản đồ bị in lại, chẳng may xảy ra sai sót gì sẽ là điều vô cùng nguy hiểm cho nhận thức của học sinh. Nhất là trong kì thi tốt nghiệp vừa qua có đến 3 môn liên quan đến biển đảo”, ông Hòa nhấn mạnh.
Ông Hòa cũng nhận định rằng, thị trường sách lậu mùa hè năm nay trắng trợn hơn hẳn. Tuy nhiên, thông thường các nhà sách chỉ phát hiện trên kệ sách tại những nhà sách chứ không nắm rõ được số lượng bao nhiêu cuốn sách bị in lậu. Bởi theo ông Hòa: “Năm nào chúng tôi cũng báo cáo với công an và quản lý thị trường. Họ kiểm tra, phát hiện được sách lậu và mời mình đến thì mình mới biết. Còn họ không mời thì mình cũng chịu”.
Do đó, các nhà sách đều mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc thường xuyên để hạn chế tình trạng sách lậu tung hoành.
Ông Lâm cũng khuyến cáo những bậc phụ huynh nên mua sách ở các đơn vị trường học, các đơn vị phát hành thuộc hệ thống các công ty sách và thiết bị trường học ở các tỉnh, thành.
NXB Giáo dục Việt Nam cũng đã gửi công văn đề nghị các Sở GD&ĐT kiểm tra kỹ việc trang bị sách phục vụ việc học tập và giảng dạy, lựa chọn đơn vị cung ứng sách, đại lý phát hành có uy tín, kinh doanh sách thật, đúng pháp luật.