Bất động sản, lĩnh vực rửa tiền phổ biến nhất!
Để ngăn chặn hoạt động rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản, Bộ Xây dựng đã ban hành Thông tư hướng dẫn về phòng, chống rửa tiền trong lĩnh vực bất động sản. Một trong những quy định rõ nhất, đó là đưa ra các dấu hiệu nhận biết giao dịch đáng ngờ trong lĩnh vực bất động sản như: Doanh số giao dịch trên tài khoản không phù hợp với tình trạng tài chính hoặc với thông tin và hoạt động kinh doanh thông thường của khách hàng hoặc có sự thay đổi đột biến trong doanh số giao dịch trên tài khoản của khách hàng; không thể xác định được khách hàng theo thông tin khách hàng cung cấp hoặc một giao dịch liên quan đến một bên không xác định được danh tính; giao dịch được tiến hành bởi một khách hàng có liên quan đến các hoạt động bất hợp pháp đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng mà tổ chức báo cáo biết hoặc có trong danh sách cảnh báo do Bộ Công an và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cung cấp.
Mặc dù vậy, trên thực tế vẫn có rất nhiều luồng tiền đã đổ vào thị trường bất động sản trong những năm qua. Tuy nhiên, cũng giống như lĩnh vực ngân hàng, việc kiểm tra nguồn gốc vốn đầu tư vào thị trường này cũng chưa quan tâm đúng mức.
Do vậy, đã có nhiều trường hợp, nhà đầu tư đổ “tiền bẩn” vào đầu tư bất động sản nhằm hợp pháp hóa thành tiền sạch. Đơn cử như vụ việt kiều Lê Thị Phương Mai đầu tư tiền vào các dự án của Công ty Viet – Can Resorts & Plannation Inc. Điều đáng nói là nguồn tiền bà Mai đem đầu tư bất động sản chính là từ hoạt động ma túy trái phép. Hay vụ Nguyễn Đức Chi đầu tư vào các dự án tại Khánh Hòa thông qua Công ty Russaka – Invest để rửa tiền từ hoạt động phạm tội tại Nga,…
Ảnh: Minh họa |
Trao đổi với PV Infonet, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico, Chủ nhiệm CLB Pháp chế ngân hàng, cho rằng, chúng ta đã có luật Phòng, chống rửa tiền nhưng chưa thực sự triển khai và chưa thực sự làm theo đúng luật. Lý do là bởi cơ chế quản lý chưa đồng bộ.
Trong công tác phòng, chống rửa tiền, ngân hàng được xác định là cơ quan đầu mối phát hiện và báo cáo các giao dịch đáng ngờ cho Cục Phòng, chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, với thực trạng giao dịch tiền mặt tràn lan như hiện nay, kẽ hở pháp luật để rửa tiền là rất nhiều.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, tình trạng rửa tiền phổ biến nhất hiện nay vẫn là lĩnh vực bất động sản mà nguyên nhân chính vẫn là cho phép giao dịch bằng tiền mặt và việc kê khai tài sản không minh bạch.
“Trong nhiều vụ án do lực lượng công an điều tra bắt giữ cho thấy, hiện một người có thể sở hữu rất nhiều đất đai nhà cửa.Việc sở hữu số lượng bất động sản nhiều và lớn là do hầu hết các giao dịch mua bán đều bằng tiền mặt, hơn nữa, tài sản lại được đứng tên bởi bất cứ ai mà không có ai theo dõi, không có người quản lý”, Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Theo thống kê của Thanh tra Chính phủ, hiện có tới gần 1 triệu báo cáo kê khai tài sản của các quan chức. Tuy nhiên, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, con số này gần như không có ý nghĩa bởi thực tế cho thấy chúng ta gần như chưa phát hiện ra được vụ nào đáng ngờ hoặc sai sót.
“Đối với lĩnh vực bất động sản chúng ta còn chưa quản lý được thì làm sao có thể quản lý được những loại tài sản phức tạp hơn như cổ phiếu, vàng bạc, kim cương….. Bởi lẽ, trong giao dịch mua bán, người mua có thể “lách” bằng cách nhờ bất cứ ai đứng tên thông qua nhiều cách khác nhau.” Luật sư Trương Thanh Đức nói.