Bất động sản công nghiệp đang 'dọn tổ đón đại bàng'?
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện đang là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt, trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư vào bất động sản công nghiệp.
Thông tin tại diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam năm 2020, ông Phạm Minh Phương – Chủ nhiệm CLB Ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT); Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Hải Dương cho rằng, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang trong thời kỳ “dọn tổ đón đại bàng”. Vì thế, đây là thời cơ để Việt Nam chuẩn bị tốt trở thành điểm sáng thu hút nhiều dòng vốn đầu tư.
Bất động sản công nghiệp đang “dọn tổ đón đại bàng”? |
Trong thời gian qua, bất động sản công nghiệp của Việt Nam được đánh giá cao bởi ký được nhiều các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA nhưng hiện nay quy mô của nhiều khu công nghiệp còn nhỏ, để thu hút được những doanh nghiệp lớn kèm theo các doanh nghiệp phụ trợ thì chúng ta cần phải có quỹ đất sạch.
Ông Phương cho rằng, để giải quyết được vấn đề này cần quan tâm đến các chính sách, đối với các nhà đầu tư phải chọn được các doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính để giải quyết được vấn đề giải phóng mặt bằng từ đó mới có thể tận dụng được triệt để những cơ hội mà chúng ta sắp được nhận.
Trên thực tế, làm bất động sản công nghiệp khác với bất động sản nhà ở bởi để đầu tư cơ sở hạ tầng, khu sản xuất thì phải bỏ vốn rất lớn nhưng việc thu hồi lại nhỏ giọt, gặp áp lực với tỷ lệ lấp đầy.
Cũng nhận định cơ hội đón “đại bàng” trước làn sóng rút khỏi Trung Quốc cực kỳ lớn, GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt câu hỏi làm gì để nắm bắt cơ hội mới là chuyện lớn?
Theo ông Võ, chất lượng quản lý KCN ở Việt Nam hiện vẫn còn rất hạn chế, thậm chí có thể nói là còn “bao cấp”. Thủ tục hành chính quản lý các KCN vẫn còn nặng nề khi có quá nhiều thủ tục.
“Chúng ta phải hiểu rằng, chúng ta quản lý chặt là để thúc đẩy phát triển nhưng dường như càng quản chặt thì sự phát triển của các KCN càng “teo” lại. Chúng ta cần có quy hoạch, cần thay đổi nếu không sẽ lệch về tư duy khi các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam”, ông Võ nói.
Theo ông Võ, chúng ta phải mở cửa hơn nữa thị trường bất động sản công nghiệp. “Hệ thống pháp luật của chúng ta đã sẵn sàng để đón “đại bàng” chưa. Tôi cho rằng là chưa”, ông Võ nói thêm.
Còn ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lại cho rằng, muốn mời “đại bàng” đến thì phải có sẵn nguồn lực đất đai. Tuy nhiên hiện nay quỹ đất đang thu hẹp lại dần, thêm vào đó giá lại càng cao.
Ông Vũ Tú Thành, Phó giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN cho biết, không phải cứ rời khỏi Trung Quốc là vào ngay Việt Nam. “Họ nhìn vào ASEAN, Ấn Độ. Và Ấn Độ có tính cạnh tranh rất cao”, ông Thành nói.
Theo nhìn nhận của ông Thành, khu vực ASEAN chưa có một nền kinh tế đơn lẻ nào đủ sức có thể thay thế Trung Quốc làm chuỗi cung ứng toàn cầu mà phải liên kết với nhau lại.
Cũng theo ông Thành, nếu chỉ “chăm chăm” đón các tập đoàn lớn hay gọi là “đại bàng” thì các khu công nghiệp còn lại sẽ có khả năng dư thừa. Do vậy cũng cần hướng tới thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong chuỗi cung ứng. Có như vậy tỷ lệ hấp thu các khu công nghiệp mới đảm bảo được.
Trong đó, 374 KCN đã được thành lập với diện tích khoảng 114,4 nghìn ha (chiếm 56,9% tổng diện tích quy hoạch) và 259 KCN chưa thành lập với diện tích khoảng 86,6 nghìn ha (bao gồm 55,8 nghìn ha của 187 KCN có trong quy hoạch nhưng toàn bộ diện tích chưa thành lập và 30,8 nghìn ha của 72 KCN mới thành lập một phần).
Minh Thư
Cơ hội vàng ngàn năm có một cho chị em doanh nhân họ Đặng
Tài sản lớn nhất của ông Đặng Thành Tâm nằm tại Tổng Công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC) – doanh nghiệp sở hữu một loạt khu công nghiệp trải dài từ Nam ra Bắc do ông Tâm làm Chủ tịch HĐQT.