Bất cập gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng
Trong khi ngân hàng sẵn sàng cho vay thì khâu xét duyệt hồ sơ gặp trở ngại, cùng với những bất cập trong điều kiện cho vay khiến doanh nghiệp không thể tiếp cận được nguồn vốn.
Sau hơn 1 tháng triển khai gói tín dụng 16.000 tỉ đồng với lãi suất 0%/năm cho doanh nghiệp (DN) vay để trả cho người lao động (NLĐ) ngừng việc làm do ảnh hưởng của dịch Covid-19 theo Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg (gọi tắt là Quyết định số 15) ngày 24-4 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay chưa có khoản vay nào được giải ngân. Vì sao có tình trạng này?
Ngân hàng: Không thiếu tiền
Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết thực hiện theo Quyết định số 15, NHNN đã dành 16.000 tỉ đồng để sẵn sàng cho vay tái cấp vốn với Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH). Còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) là đầu mối phối hợp với các bộ ngành để tham mưu cho Thủ tướng ban hành Quyết định số 15 về điều kiện, đối tượng được vay gói này.
Gói hỗ trợ 16.000 tỉ đồng chưa đến được doanh nghiệp. Trong ảnh: Công nhân một doanh nghiệp chế biến thực phẩm trong giờ làm việc.Ảnh: HOÀNG TRIỀU |
Liên quan đến gói hỗ trợ này, NHNN đã ban hành Thông tư 05 quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng CSXH để thực hiện chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19, có hiệu lực ngay ngày 7/5, theo đúng tinh thần Nghị quyết 42 và Quyết định số 15 của Thủ tướng Chính phủ.
Thông tư quy định rõ trường hợp đến hết ngày 31/7, Ngân hàng CSXH không giải ngân hết số tiền đã nhận giải ngân theo quy định thì chậm nhất đến ngày 15/8/2020 phải trả NHNN số tiền không giải ngân hết theo thứ tự từ khế ước nhận nợ còn dư nợ được ký sớm nhất… Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có DN nào nhận được hỗ trợ từ gói trợ cấp này.
Một lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP.HCM cho biết vấn đề không nằm ở nguồn tiền bởi NHNN đã chuẩn bị sẵn gói trợ cấp này. Vướng mắc nếu có là ở khâu thủ tục, hồ sơ, giấy tờ để chứng minh và nhu cầu của DN.
"NHNN đã chuẩn bị sẵn nguồn tiền, chịu trách nhiệm giải ngân và thu hồi vốn, còn các khâu thủ tục, giấy tờ xác định cho DN vay do cơ quan khác phụ trách" - vị lãnh đạo NHNN Chi nhánh TP HCM giải thích.
Trong khi đó, phía Ngân hàng CSXH khẳng định rất sẵn sàng cho vay, song vẫn chưa nhận được đề nghị vay nào. Điều kiện cho vay, đối tượng cho vay vốn là do Bộ LĐ-TB-XH xem xét. Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Ngân hàng CSXH chỉ kiểm tra, xem DN có nợ xấu vào thời điểm ngày 31/12/2019 hay không, nếu không, sẽ giải ngân ngay.
Doanh nghiệp: Mượn tiền bên ngoài dễ hơn vay
Câu trả lời từ các địa phương nằm ở khâu thủ tục, điều kiện cho vay cùng những bất cập trong chính sách cho vay dẫn đến DN không thể hoặc không quan tâm đến nguồn vốn này.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TP Đà Nẵng, khẳng định sau dịch Covid-19, dù nhiều DN khó khăn trong việc trả lương cho NLĐ nhưng việc tiếp cận và vay gói 16.000 tỉ đồng còn nhiều khó khăn nên địa phương này chưa nhận được hồ sơ của bất kỳ DN nào. "Gói vay này hỗ trợ DN đã trả trước 50% lương tối thiểu. Theo đó, mỗi lao động, DN chỉ có thể vay được thêm dưới 2 triệu đồng theo mức lương cơ bản. DN có 5-10 lao động thì số tiền vay được quá ít; DN có quy mô 100 lao động cũng chỉ vay được 200 triệu đồng. Và để vay được thì DN phải lòng vòng nhiều thủ tục" - ông An nói. Cũng theo ông An, vì hạn mức cho vay ưu đãi quá thấp, lại tốn thời gian làm thủ tục nên DN… tự đi mượn tiền để xoay xở.
Theo Ngân hàng CSXH Chi nhánh TP Cần Thơ, từ lúc triển khai đến nay, cũng chưa có DN nào ở TP Cần Thơ đăng ký vay gói 16.000 tỉ đồng. Ông Huỳnh Văn Thuận, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH TP Cần Thơ, phân trần: "Lúc mới có Nghị quyết 42 của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do Covid-19 thì rất nhiều DN gọi cho tôi hỏi về gói hỗ trợ cho DN. Nhưng khi có thông tư quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng CSXH thì không một ai gọi hết. Tôi đã yêu cầu các phòng giao dịch ở các địa phương liên hệ với UBND quận, huyện để lập danh sách, nhằm kịp thời hỗ trợ cho DN nhưng bên UBND cũng không lập danh sách vì thực chất không có ai vay".
Theo ông Thuận, qua tìm hiểu, DN không vay là do họ không đáp ứng đủ điều kiện vay vốn trả lương cho NLĐ. Đơn cử như một trong những điều kiện vay là DN có từ 20% hoặc từ 30 NLĐ trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc. Thế nhưng trên thực tế, nhiều DN không đóng BHXH cho NLĐ, dẫn đến không đủ điều kiện vay.
Sẽ kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Ông Nguyễn Hồng Dân, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH Hà Nội, thừa nhận việc cho DN vay gặp trở ngại là ở quá trình xét duyệt hồ sơ. Bởi theo quy định, DN vẫn có doanh thu và còn nguồn để chi trả thì những NLĐ trong đơn vị đó không được hỗ trợ. Thực tế, có những DN gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 nhưng chỉ cho khoảng 30% NLĐ nghỉ việc; 70% NLĐ vẫn hoạt động, đồng nghĩa DN vẫn có doanh thu. Điều này dẫn tới 30% NLĐ nghỉ việc không được hỗ trợ. "Về việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị để tháo gỡ bởi mục tiêu cuối cùng là hỗ trợ cho NLĐ bị khó khăn khi nghỉ việc" - ông Dân nói.
Theo NLĐ