Bật báo động đỏ, cứu thanh niên 32 tuổi dập tim
Bác sĩ phẫu thuật khâu từng vết dập rách cơ tim bằng prolene 4.0 có đệm màng ngoài tim, thám sát màng phổi hai bên ghi nhận dập phổi nhẹ, nhiều máu bầm màng phổi trung thất hai bên, tiến hành đóng ngực. |
Trường hợp của anh P.V.B 32 tuổi, quê Vĩnh Long. Người nhà của anh B. cho biết khi đang làm việc anh B. bất ngờ bị tấm bê tông rất nặng đè vào người. Sau tai nạn anh B. đau ngực nhiều, được người nhà đưa đến một phòng khám tư và chuyển viện Bệnh viện Nhân dân 115.
Tại khoa Cấp cứu tổng hợp Bệnh viện Nhân dân 115, bác sĩ ghi nhận người bệnh có vài vết trầy xước da chính giữa ngực, huyết áp 70/40 mmHg. Siêu âm tim cho thấy tràn dịch màng ngoài tim lượng ít, chủ yếu tập trung sau thất trái khoảng 4 mm, trước thất phải khoảng 6 mm, không có dấu hiệu chèn ép tim.
Người bệnh được chẩn đoán: Sốc chấn thương, chấn thương ngực kín do tai nạn lao động. Lúc mới nhập viện người bệnh tỉnh, sau đó lơ mơ. Các bác sĩ nhanh chóng kích hoạt quy trình báo động đỏ, hồi sức và chuyển ngay người bệnh lên phòng mổ.
Bác sĩ phẫu thuật tiến hành mở ngực chẻ dọc xương ức, ghi nhận máu tụ nhiều sau xương ức, khoang màng ngoài tim có nhiều máu đỏ sậm, máu cục sau thất trái và nhĩ trái khoảng 400 ml. Có nhiều vết bầm máu trên cơ tim, nhiều vết rách dập cơ tim đang chảy máu: thất trái có một vết khoảng 1 cm cạnh động mạch liên thất trước, một vết 1 cm gần mỏm tim; thất phải rách dập khoảng 2 cm thành sau và 1 cm thành trước.
Theo bác sĩ Thắng, dập tim (chấn thương tim) là tổn thương tim sau chấn thương ngực kín. Trường hợp của anh B. nêu trên là một trường hợp sốc chấn thương, chấn thương tim do tai nạn lao động, tình trạng rất nặng. Nhờ việc kích hoạt quy trình báo động đỏ nên toàn thể ê kíp đã có những biện pháp xử trí kịp thời cứu sống người bệnh.
Tuy nhiên đối với những trường hợp chấn thương tim kín đáo hoặc chấn thương tim muộn, cần theo dõi người bệnh tích cực nếu có nghi ngờ chấn thương tim (khi có bất thường trên điện tâm đồ hoặc Troponin I tăng).
Các tổn thương cấp tính sau chấn thương tim thường được điều trị tích cực, nếu người bệnh còn sống thì đa số sẽ không để lại di chứng lâu dài. Một số biến chứng trễ được ghi nhận như: rách cơ tim, block nhĩ thất hoàn toàn, suy tim, tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim co thắt. Do đó, các trường hợp có chấn thương tim nên được tái khám và theo dõi từ 3-6 tháng.