Bảo vệ trẻ tai nạn té ngã từ chung cư, nhà cao tầng
Nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra liên quan đến trẻ nhỏ rơi từ các tầng cao của những khu chung cư. Ngày 28/2/2021, vụ việc bé gái 3 tuổi rơi xuống từ tầng 12 chung cư PVV Vinapharm, số 60B, đường Nguyễn Huy Tưởng, Thanh Xuân, Hà Nội đã gây xôn xao dư luận.
Bé gái đã trèo qua lan can ngoài ban công rồi ngã xuống từ tầng 12 của tòa nhà. May mắn là bé đã được một nam thanh niên đỡ ở phía dưới nên chỉ bị thương. Tuy nhiên, trường hợp may mắn như bé gái này vô cùng hi hữu.
Ngày 27/1/2022, một bé trai ở chung cư Timecity rơi từ tầng 31 của toà nhà T9 xuống đất và tử vong. Theo người dân sống ở chung cư này, bé trai ở nhà với anh. Khi xảy ra tai nạn anh trai của bé vừa ra ngoài.
Năm 2020, một bé gái 4 tuổi sống tại tầng 25 của tòa chung cư Star Tower số 283 phố Khương Trung, hà Nội rơi từ ban công và tử vong trên mái che tầng 1.
Khi xảy ra vụ việc bố mẹ của bé không ở nhà. Đặc điểm của chung cư này các cửa sổ của các gia đình tại đây đều phải tự làm rào sắt để che chắn bên ngoài. Đáng tiếc, gia đình nạn nhân chưa kịp làm đã xảy ra tai nạn thương tâm.
BS Trương Hữu Khanh – Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết khi sống ở chung cư, nhà cao tầng trẻ em có thể bị tai nạn dễ hơn. Đa số tai nạn rơi từ trên cao ở chung cư trẻ đều tử vong, hi hữu mới có trẻ được cứu sống.
Bác sĩ Khanh cho rằng tai nạn của trẻ có thể xảy ra ở bất cứ chỗ nào từ nhà cao tầng, nhà có cầu thang, tầng trệt hay ngoài sân trẻ cũng có thể bị tai nạn.
Tuy nhiên, với những khuôn viên nhà cao tầng, chung cư các tai nạn thường xảy ra thương tâm, trẻ rơi từ trên cao đa phần tử vong.
Với những gia đình ở nhà chung cư thì trẻ rơi từ tầng cao xuống càng nguy hiểm hơn. Tai nạn không chỉ cướp đi mạng sống của trẻ mà còn ám ảnh tới ba mẹ của trẻ rất lâu dài. Vì vậy, phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ khi sống ở chung cơ vô cùng quan trọng.
Trẻ rơi từ tầng cao xuống nếu được cứu sống, trẻ cũng bị ảnh hưởng tới tâm lý. Trẻ sẽ hoảng hốt, lớn lên trẻ sẽ sợ độ cao. Với gia đình có trẻ từng bị rơi, ngã từ nhà cao nếu trẻ vẫn hốt hoảng, sợ hãi kéo dài cả tuần, cả tháng nên cho trẻ đi khám tâm lý.
Còn trẻ sợ hãi, hốt hoảng, ngủ chới với trong vòng 1 tuần đầu cha mẹ nên theo dõi con, triệu chứng này có thể sẽ hết sau 1 tuần.
Bác sĩ Khanh cho rằng nhiều cha mẹ còn chủ quan. Các bậc cha mẹ ở chung cư ít nhiều có suy nghĩ chuyện xảy ra ở đâu đâu chứ không bao giờ xảy đến với nhà mình. Chính vì vậy khi xảy ra đối với chính gia đình mình, lúc đó có ân hận thì quá muộn.
Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi ở nhà chung cư, bác sĩ Khanh cho biết cha mẹ cần có các biện pháp ngăn ngừa tai nạn từ sớm. Ngay từ khi mua căn hộ chung cư bạn cần chú ý đến lan can, cửa sổ, những điểm có thể nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.
Bạn cần lắp đặt rào chắn lan can, cửa sổ để đảm bảo an toàn cho trẻ. Việc lắp lưới an toàn không cản trở thoát hiểm trong trường hợp xảy ra cháy nổ.
Ngoài việc lắp đặt các thanh chắn, lưới an toàn các hộ gia đình cũng cần lưu ý việc không nên kê các đồ hộp, khối hoặc đồ vật dễ di chuyển tại các khu vực hành lang, lan can, cửa sổ phòng lúc các bé đùa nghịch có thể trượt chân rơi, ngã để phòng tai nạn cho trẻ.
Khánh Chi