Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, tăng sức đề kháng bằng “vắc xin kỹ năng”
Mỗi trẻ em, gia đình và nhà trường phải tự hình thành những kỹ năng số của bản thân, tăng "sức đề kháng" bằng "vắc xin kỹ năng"
Thống kê của Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD (thành viên Mạng lưới ứng cứu, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng) cho biết, trong suốt hai năm chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng trẻ em ở Việt Nam có thiết bị kết nối Internet (như máy tính, smartphone, iPad…) đã tăng lên hơn 66%.
Đáng lưu ý, tại một báo cáo tiếng nói trẻ em Việt Nam cho thấy có hơn 30% trẻ được khảo sát cảm thấy khi người lớn trong gia đình không thoải mái khi biết trẻ đang sử dụng Internet nên nhiều em khi gặp vấn đề rắc rối trên môi trường mạng sẽ lựa chọn cách tự giải quyết.
Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ khi trẻ còn quá non nớt, chưa lường hết những nguy cơ, những thủ đoạn của kẻ xấu trên môi trường mạng.
Bên cạnh những lợi ích mà công nghệ mang lại thì cũng có những mặt trái của công nghệ. Trẻ em lại là đối tượng đi đầu trong tiếp nhận những cái mới của thời đại công nghệ số này. Chính vì thế các em cũng có thể dễ gặp những rủi ro đó hơn, hoặc là đối tượng đích mà những kẻ xấu ở trên môi trường mạng có thể nhắm tới.
Bà Nguyễn Phương Linh tại buổi tập huấn cho phóng viên về phòng chống bạo lực trên cơ sở giới. |
Bà Nguyễn Phương Linh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững MSD cho biết, rủi ro trên môi trường mạng rất nhiều và trẻ em, thậm chí là cả người lớn nếu như không có những kỹ năng để tự bảo vệ mình thì sẽ rất dễ trở thành những nạn nhân của những nguy cơ trên môi trường mạng.
Những rủi ro trên môi trường mạng rất đa dạng, luôn xuất hiện những hình thức rủi ro mới mà không thể liệt kê hết được. Trong đó, nổi lên gần đây là trẻ tham gia vào những nhóm chat kín có những thông tin xấu độc, thậm chí là bị quấy rối, hay bị xâm hại môi trường mạng.
Đôi khi những mối quan hệ hay sự xích mích trên môi trường mạng cũng có thể dẫn tới là trẻ bị bạo lực hay là bị xâm hại trong môi trường thực nữa.
Hay gần đây có những thử thách, những trò chơi vô cùng nguy hiểm với trẻ em, như là thử thách trốn trong tủ lạnh, máy giặt; rồi những trào lưu lệch chuẩn…
Theo bà Phương Linh, những rủi ro này vô cùng đa dạng, vô cùng phức tạp và thực sự là không chừa một ai, nó có thể ảnh hưởng tới thể chất, tinh thần và sự phát triển toàn diện của trẻ nếu như trẻ không được bảo vệ hay không có những kỹ năng để phòng, chống, tự bảo vệ bản thân mình.
Câu hỏi đặt ra luôn được các bố mẹ quan tâm hiện nay là làm thế nào để bảo vệ trẻ trên môi trường mạng?
Chia sẻ với phóng viên về nội dung này, BS Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTB &XH) cho rằng các bậc cha mẹ hãy hướng dẫn và kiểm soát các con, cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào cho an toàn; hãy chú ý và kịp thời phát hiện những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng để có những trao đổi, hướng dẫn xử lý kịp thời.
Nhà trường cần đổi mới phương thức giáo dục tuyên truyền, tăng cường nhận thức cho trẻ em trên môi trường mạng, cần có những sân chơi an toàn và lành mạnh để thu hút và giáo dục trẻ.
Đồng thời, các cơ quan được giao nhiệm vụ quản lý về thông tin, văn hóa và bảo vệ an ninh mạng cần phải thực hiện nghiêm minh đạo đức công vụ, kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn và sàng lọc các Game bạo lực, các kênh YouTube xấu độc tràn lan hại gây ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần của trẻ em.
Bổ sung thêm, bà Nguyễn Phương Linh cho rằng mỗi trẻ em, gia đình và nhà trường phải tự hình thành những kỹ năng số của bản thân , tăng "sức đề kháng" bằng "vắc xin kỹ năng". Trong đó, giáo dục là cốt lõi.
“Chúng tôi hay quan niệm trẻ em phải là những công dân số chuẩn, tức là SNET, trong đó NET là Internet, Network, còn S thì chúng tôi có mấy chữ S liên quan đến giáo dục cho trẻ em như sau: Thứ nhất là SAFE, tức là an toàn: Trẻ em phải có kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, gia đình và bạn bè an toàn trên môi trường mạng.
Thứ hai là SMART, tức là các em nên có những kiến thức để sử dụng Internet thông minh, tận dụng những thành tựu của công nghệ để có thể phục vụ cho học tập vui chơi giải trí của mình trên môi trường mạng.
Chữ S cuối cùng là SUPERB tức là tuyệt vời, đồng nghĩa việc các em có những trải nghiệm tuyệt vời trên không gian mạng, cũng có thể là SUPER nữa, tức là những siêu nhân - những người mà không phải chỉ để bảo vệ bản thân, mà còn phải có trách nhiệm đối với việc xây dựng một mạng lưới an toàn và lành mạnh”, bà Linh thông tin.
P. Linh