Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Đến nay, hệ thống chính sách, pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường đã được hình thành tương đối đồng bộ và đang từng bước được hoàn thiện. Các chủ trương, quan điểm của Đảng về bảo vệ môi trường cơ bản đã được thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Năm 1991, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch quốc gia về môi trường và phát triển bền vững giai đoạn 1991 - 2000. Tiếp theo, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030… đã đề ra các định hướng về bảo vệ môi trường.
Trên thực tế, nguồn lực tài chính và các điều kiện cần thiết cho bảo vệ môi trường được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Nguồn chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp môi trường được cân đối đạt mức 1% tổng chi ngân sách hằng năm, tăng nhiều lần so với trước đây. Năm 2006 là 2.900 tỷ đồng, thì năm 2012 đã lên tới 9.050 tỷ đồng. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA được huy động cho bảo vệ môi trường cũng tăng nhanh. Một số thể chế tài chính về bảo vệ môi trường được hình thành, đi vào hoạt động, như Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam, quỹ bảo vệ môi trường của một số ngành, địa phương đã góp phần tăng cường các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện công tác bảo vệ môi trường. Một số công cụ kinh tế, như thuế, phí bảo vệ môi trường đã góp phần tạo nguồn thu từ xã hội để đầu tư cho bảo vệ môi trường.
Việc xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường bước đầu đã đem lại kết quả đáng ghi nhận. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia cung ứng dịch vụ vệ sinh môi trường, như cấp thoát nước, xử lý nước thải, khí thải, thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại, hoạt động tư vấn, thiết kế...Việt Nam đã tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế, tham gia 20 điều ước quốc tế về môi trường; đã có gần 40 chương trình, dự án lớn về bảo vệ môi trường được thực hiện với các đối tác trên cơ sở song phương và đa phương. Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các diễn đàn thế giới và khu vực về bảo vệ môi trường, đặc biệt là các hoạt động hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường trong khu vực châu Á, ASEAN, các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng.
Công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm đã góp phần kiềm chế, làm chậm lại tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống, bảo vệ chức năng, tính hữu ích của các thành phần môi trường. Thời gian qua, do nền kinh tế phát triển nhanh, đô thị hóa, công nghiệp hóa diễn ra mạnh mẽ, gây áp lực lớn lên môi trường. Tuy nhiên, những nỗ lực bảo vệ môi trường đã góp phần kiềm chế, làm chậm lại tốc độ gia tăng ô nhiễm, suy giảm chất lượng môi trường.
Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn những hạn chế như nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về bảo vệ môi trường chưa đầy đủ, khoảng cách lớn giữa nhận thức và hành động còn khá phổ biến ở nhiều cấp ủy và chính quyền các cấp. Ý thức trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn thấp, chưa chủ động, tự giác thực hiện, phần lớn vẫn chạy theo lợi nhuận, coi nhẹ bảo vệ môi trường.
Cơ chế, chính sách bảo vệ môi trường chưa đồng bộ với thể chế thị trường nên các loại thuế, phí về môi trường mới chỉ bước đầu tạo nguồn thu cho ngân sách mà chưa phát huy được vai trò công cụ kinh tế điều tiết vĩ mô. Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường vẫn chưa đồng bộ và thống nhất từ Trung ương đến địa phương, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao, chưa giải quyết hiệu quả các vấn đề liên ngành, liên vùng, xuyên quốc gia, chưa ngang tầm với yêu cầu bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nhân lực làm công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường thiếu, chưa theo kịp các yêu cầu mới đặt ra.
Chi thường xuyên cho sự nghiệp môi trường đã đạt 1% tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm, nhưng còn dàn trải. Nguồn vốn ODA cho bảo vệ môi trường bị phân tán và đang có xu hướng giảm dần. Đó là do năng lực thực hiện các cam kết, điều ước quốc tế về môi trường còn hạn chế. Việt Nam chưa chủ động hỗ trợ các doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật về môi trường để hội nhập kinh tế quốc tế.
Tăng cường quản lý nhà nước bảo vệ môi trường là một giải pháp quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường. Mục tiêu là tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức tự giác bảo vệ môi trường trong nhân dân. Phát huy vai trò, làm rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng năng lực quản lý, giải quyết các vấn đề môi trường, khắc phục tình trạng tổ chức thực hiện thiếu quyết liệt, mang tính hình thức, tư duy coi nặng tăng trưởng kinh tế, bỏ qua hoặc buông lỏng quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra cần thực hiện rà soát tổng thể hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, bổ sung, hoàn thiện theo hướng đồng bộ, phù hợp với chủ trương tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện thể chế và phát triển nguồn nhân lực. Nghiên cứu xây dựng Bộ luật Môi trường theo hướng thống nhất công tác bảo vệ các thành phần môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nghiên cứu xây dựng Luật Giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng chất thải; Luật Không khí sạch; Luật Phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, các hệ sinh thái tự nhiên; xây dựng hệ thống pháp luật, quy trình, quy chuẩn, hướng dẫn thực hiện phân vùng chức năng sinh thái.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm về môi trường, tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với lực lượng cảnh sát môi trường trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Mục tiêu đến năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững; kiềm chế mức độ gia tăng ô nhiễm môi trường và suy giảm đa dạng sinh học nhằm bảo đảm chất lượng môi trường sống, duy trì cân bằng sinh thái, hướng tới nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường.
"Tuyên truyền nâng cao năng lực truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Ứng phó với biến đối khí hậu."