'Bão giá' càn quét trên sàn chứng khoán, chỉ nửa năm tài sản của các tỷ phú Việt đã 'bốc hơi' hàng nghìn tỷ đồng
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2022, chỉ số chứng khoán chính của thị trường chứng khoán Việt Nam, VN-Index, giảm mạnh 300 điểm (20%) so với đầu năm, còn 1.197,60 điểm.
Với mức sụt giảm mạnh như vậy, không ngạc nhiên khi tài sản của những người giàu nhất sàn chứng khoán bị thổi bay hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn tỷ đồng sau 6 tháng giao dịch.
Theo thống kê về giá trị tài sản của Top 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup Phạm Nhật Vượng vẫn là người giàu nhất. Tuy nhiên, ông Vượng cũng là người chịu thiệt hại nặng nề nhất sau "cơn bão" giảm giá của thị trường.
Đóng cửa phiên cuối cùng của tháng 6, giá cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup còn 72.600 đồng/cp, giảm 23,65% kể từ đầu năm. Do đó, giá trị cổ phiếu do Chủ tịch tập đoàn này nắm giữ chỉ còn 156.519 tỷ đồng, giảm mạnh 48.508 tỷ đồng, tương đương khoảng hơn 2 tỷ USD so với đầu năm nay.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hoà Phát (HPG) vẫn giữ được vị trí thứ hai trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán. Thế nhưng ông Long cũng là một trong số những ông chủ phải chịu nhiều thiệt hại nhất trước "cơn bão" giảm giá cổ phiếu.
Theo đó, HPG đóng cửa phiên 30/6 chỉ còn 22.400 đồng/cp, giảm 36% so với đầu năm. Với mức giá này, giá trị cổ phiếu HPG do cá nhân “vua thép” Trần Đình Long nắm giữ chỉ còn 26.127 tỷ đồng, giảm 14.836 tỷ đồng.
Vị trí thứ ba vẫn thuộc về ông Đỗ Anh Tuấn – Chủ tịch Tập đoàn Sunshine. Loạt cổ phiếu gồm SCG, KLB, SSH, KSF đều giảm giá so với đầu năm khiến tổng tài sản của vị đại gia trẻ này “bốc hơi” 3.751 tỷ đồng, còn 34.815 tỷ đồng. Mặc dù vậy, so với ông Vượng và ông Long, thiệt hại của ông chủ tập đoàn Sunshine là không đáng kể.
Đứng sau ông Tuấn là đại gia Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Techcombank (TCB), cổ đông lớn của Masan Group (MSN). Theo đó, giá cổ phiếu TCB và MSN lần lượt giảm 28% và 23% so với đầu năm, khiến cho tổng giá trị tài sản của ông Hùng Anh giảm 10.329 tỷ đồng, còn 34.365 tỷ đồng.
Trong khi đó người bạn đồng hành cùng ông là tỷ phú Nguyễn Đăng Quang – Chủ tịch MSN, Phó Chủ tịch TCB – cũng đánh mất 10.100 tỷ đồng kể từ đầu năm với cùng lý do. Hiện giá trị tài sản của ông Quang tại MSN và TCB còn 33.938 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Tổng Giám đốc Vietjet Air (VJC), Phó Chủ tịch HDBank (HDB) – là người chịu thiệt hại thấp nhất trong Top 10 khi hai mã cổ phiếu HDB và VJC do bà Thảo nắm giữ lần lượt giảm 20,5% và 1,43%. Trong đó, việc VJC chỉ giảm nhẹ so với đầu năm đã giúp bà Thảo gần như giữ được nguyên vẹn tài sản. So với đầu năm, tổng giá trị tài sản của bà Thảo tại hai mã cổ phiếu này chỉ giảm 42 tỷ đồng, còn 33.175 tỷ đồng.
Đứng sau bà Thảo, ở vị trí thứ bảy và thứ tám là hai đại gia bất động sản, ông Bùi Thành Nhơn (Nhà sáng lập Tập đoàn Novaland) và ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch Địa ốc Phát Đạt).
Giá cổ phiếu NVL của Novaland giảm 18% từ đầu năm khiến tài sản của ông Nhơn giảm 4.600 tỷ đồng, còn 20.500 tỷ đồng. Trong khi giá cổ phiếu PDR giảm mạnh 44% khiến giá trị tài sản của ông Nguyễn Văn Đạt giảm 10.400 tỷ đồng, còn 12.800 tỷ đồng.
Dù cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hoà Phát giảm mạnh nhưng bà Vũ Thị Hiền (vợ ông Trần Đình Long) vẫn giữ được vị trí trong Top 10. Ở vị trí thứ 9, bà Hiền đang nắm trong tay khối tài sản trị giá 7.350 tỷ đồng, giảm 4.200 tỷ đồng so với đầu năm.
Người còn lại trong Top 10 là Nhà khoa học – Doanh nhân Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa. Giá cổ phiếu VCS của CTCP Vicostone do ông Năng sở hữu chỉ giảm nhẹ 3,2% so với hồi đầu năm. Do đó, tài sản của tỷ phú giàu thứ 10 trên sàn chứng khoán giảm 5.500 tỷ đồng, còn 9.300 tỷ đồng.
Hiền Anh
Top 10 người giàu nhất sàn bị thổi bay gần 19 nghìn tỷ đồng tuần qua
Theo thống kê tuần vừa qua, có tới 9/10 người giàu nhất sàn chứng khoán chịu cảnh nhìn tài sản cổ phiếu của mình bốc hơi nhanh chóng. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO Vietjet Air là người duy nhất thắng sau một tuần giao dịch.