Báo động: Sự thương cảm chỉ trên bàn phím
Chỉ hành động khi liên quan đến quyền lợi
Ths tâm lý Nguyễn Hà Thành, giảng viên trường ĐH FPT cho rằng, không quá bất ngờ khi cộng đồng mạng gần đây ồn ào bình luận, xót thương cho cái chết của một em bé 7 tuổi trong vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Ái Mộ, Long Biên(Hà Nội). Chị cho rằng, việc mọi người tỏ ra xót thương cũng chỉ dừng lại trên bàn phím mà thôi. Bởi dường như sự vô cảm ngày càng nhiều trong xã hội hiện nay.
Lý giải điều này, Ths Hà Thành cho rằng, nguyên nhân là do mọi người đang bị khủng hoảng niềm tin. Mọi giá trị xã hội bị đảo lộn, đồng tiền làm xói mòn đạo đức của mỗi con người. Khi gặp một sự việc tất cả đều không phản ứng tạo thành thói quen thiết lập nên những hành động diễn ra một cách hết sức tự nhiên.
Bổ sung thêm lý do vì sao lại như vậy, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển xã hội cho rằng: ở môi trường mà sữa bột biến thành sữa tươi, rau bẩn thành rau sạch, trường học thành cái chợ, cái chợ thành nhà hoang, lễ hội thành chiến trường, nhà tù thành nơi dưỡng thai ... thì sự vô cảm giữa người với người là điều khó tránh khỏi.
TS Khuất Thu Hồng |
“Ngày nay sự vô cảm nhiều hơn vì chủ nghĩa cá nhân càng ngày càng mạnh hơn, người ta biết việc của mình thôi mà không muốn can thiệp vào việc của người khác. Tuy nhiên đó cũng chỉ là nguyên nhân thứ yếu, nguyên nhân quan trọng khác là do người dân mất lòng tin vào luật pháp. Họ đã nghĩ sự giúp đỡ của mình có khi chẳng phải đầu lại phải tai, bị oan nên… tránh đi cho lành”- TS Khuất Thu Hồng nhấn mạnh.
Thương cảm… trên bàn phím
Ths Hà Thành cho rằng, trong mỗi con người đều có sẵn lòng trắc ẩn. Vị chuyên gia tâm lý này khẳng định, đứng trước một vụ tai nạn thương tâm như vụ ở Ái Mộ (Long Biên) mới đây hay trường hợp nam thanh niên ở Đà Nẵng chết đuối hồi tháng trước ai nhìn thấy cũng xót xa, thương cảm thậm chí rớt nước mắt. Thế nhưng cũng chỉ dừng lại đấy thôi chứ rất ít người nghĩ cách lao vào sơ cứu hay nhảy xuống cứu… Và đám đông ồn ào ấy, ai ai cũng nghĩ việc cứu người là của người khác chứ không phải của mình.
“Hàng chục năm nay rồi, xã hội vận hành như thế, khi mà sự thương cảm chỉ nằm ở chót lưỡi, chỉ ở trên bàn phím, vì thế dường như người ta ngại hành động. Lòng tốt chỉ thể hiện bằng dăm ba câu vuốt đuôi an ủi sau khi sự việc xảy ra mà thôi” – Ths Hà Thành nói.
Trong khi đó, những đứa trẻ chứng kiến bố mẹ, ông bà gặp vụ tai nạn nhưng thờ ơ không can thiệp. Những thanh niên khi chứng kiến vụ việc nhìn xung quanh không thấy ai xông vào… Lớp trẻ mặc nhiên được giáo dục chỉ khi nào ảnh hưởng đến quyền lợi của mình khi ấy mới ra tay hành động. Với cách “nhồi sọ” trẻ như vậy cộng với những hành vi vô cảm được lặp đi lặp lại một cách thường xuyên khiến cho ngày càng nhiều người, đặc biệt là lớp trẻ vô cảm, thờ ơ với mọi thứ xung quanh.
“Giống như việc trên xe bus, khi chứng kiến một kẻ móc túi, những người xung quanh biết cả đấy nhưng không ai dám lên tiếng, không ai dám nói, chỉ đến khi kẻ gian xuống xe mới tất cả ồn ào, chia sẻ với người bị hại. Điều này cũng xảy ra tương tự với vụ tai nạn gần đây, rõ ràng là có đổ máu, có thương vong nhưng dòng người vẫn cứ lạnh lùng đi qua”- Ths Hà Thành nhấn mạnh.
Vậy làm thế nào để khắc phục điều này, Ths tâm lý Hà Thành cho rằng, mỗi gia đình cần giáo dục con trẻ tình thương, trách nhiệm của bản thân với xã hội và người xung quanh. Để làm được điều này, bản thân người lớn hãy làm gương cho con trẻ- đừng thờ ơ với mọi việc diễn ra quanh mình.
Bên cạnh đó, hệ thống trường học cũng nên đề cao môn đạo đức công dân, ở đó dạy lớp trẻ thế nào là tình yêu thương đồng loại bằng chính những sự việc cụ thể chứ không phải là những lý luận giáo điều.