Báo động đỏ cứu bệnh nhân sốc nhiễm khuẩn
Mới đây, Bệnh viện đa khoa Đức Giang đã cấp cứu thành công cho 1 bệnh nhân cao tuổi bị suy đa tạng, shock nhiễm khuẩn nặng.
Bệnh nhân là ông N.V.T, 86 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội. Bệnh nhân T. được đưa vào khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Đức Giang trong tình trạng nguy kịch: già yếu, suy kiệt, tiếp xúc chậm, viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng muộn…
Ngay sau đó, quy trình báo động đỏ đã được kích hoạt. Bệnh nhân được chuyển thẳng lên phòng mổ khi tri giác đã lơ mơ, mạch nhanh 140 - 150 lần/ phút, huyết áp tụt sâu 80/50mmHg, SpO2 giảm còn 80%, tần số thở chậm 27 lần/ phút, tim loạn nhịp, bụng chướng, vân tím nổi, thân nhiệt tăng cao 39 - 40 độ…
Cấp cứu một ca sốc nhiễm khuẩn. |
Bệnh nhân được vô cảm gây mê toàn thân. Trong suốt quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm, sử dụng kháng sinh mạnh và thuốc vận mạch liểu cao, bù dịch điện giải… đồng thời mở ổ bụng, hút 500ml dịch trắng và vá lỗ thủng hành tá tràng (0.2cm) cho bệnh nhân.
Kết thúc ca mổ, bệnh nhân được bố trí nằm tại phòng Hồi sức ngoại. Tuy nhiên, tình trạng sốt vẫn diễn ra liên tục, không giảm. Bệnh nhân bị bí tiểu, có lúc chuyển hóa nặng. Lúc này, các bác sĩ tiếp tục phối hợp với khoa Hồi sức tích cực chống độc lọc máu cấp cứu bệnh nhân.
Nhờ xử trí tích cực, bệnh nhân đã giảm được liều vận mạch, sinh hiệu ổn định dần, tiểu được bình thường nên đã được chuyển về phòng Hồi sức ngoại tiếp tục điều trị bổ sung bằng kháng sinh mạnh, điều chỉnh thăng bằng kiềm toan, bù albumin, điện giải, nuôi dưỡng tĩnh mạch.
Sau 5 ngày điều trị, tri giác bệnh nhân cải thiện dần, vết mổ thấm băng ít, dẫn lưu dưới gan ra ít. Bệnh nhân được cắt vận mạch, ngừng an thần, rút nội khí quản, cai thở máy theo quy trình và tiếp tục chăm sóc tích cực.
Bác sĩ Lê Nguyễn An – Trưởng khoa Gây mê hồi sức cho biết: “Bệnh nhân T. tuổi đã cao, cơ thể già yếu, suy kiệt. Ông T. nhập viện trong tình trạng nguy kịch, được chẩn đoán sơ bộ shock nhiễm khuẩn nặng - suy đa tạng/ viêm phúc mạc toàn thể do thủng tạng rỗng.
Để cứu sống bệnh nhân, ekip chúng tôi đã phối hợp với bác sĩ các khoa tiến hành hồi sức sớm từ trước và trong mổ, dùng kháng sinh mạnh sớm, phẫu thuật khẩn cấp và linh hoạt xử trí các tình huống phát sinh. Nhờ tích cực chăm sóc, đến nay bệnh nhân đã được xuât viện sau 2 tuần điều trị.
Ca bệnh cũng cho thấy vai trò cuả lọc máu cấp cứu trong điều trị shock nhiễm khuẩn nặng. Chỉ sau một ngày lọc máu tại khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, các sinh hiệu của bệnh nhân đều tiến triển rất tốt. Ngoài ra, suốt quá trình bệnh viện nằm viện, từ lúc cấp cứu đến lúc ra viện, bác sĩ các khoa luôn phối hợp điều trị khẩn trương và sát sao để đưa ra phác đồ điều trị tối ưu nhất cho bệnh nhân”.
K.Chi