Căn bệnh hơn 3 triệu người Việt Nam mắc nhưng chỉ 20% biết bệnh
Loãng xương là bệnh lý đáng báo động ở Việt Nam, nguy hiểm hơn, có khoảng 80% người bệnh vẫn chưa được chẩn đoán và điều trị.
Chị Nguyễn Thị Nga (38 tuổi, trú tại Tây Ninh) đến bệnh viện khám vì hay đau nhức cột sống, hai bên sườn.
Theo chị Nga, các cơn đau xuất hiện quanh cột sống, có khi lan sang hai mạn sườn. Sau khi thăm khám ở Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, chị được chẩn đoán mắc bệnh loãng xương.
Nghe bác sĩ nói tới bệnh loãng xương, chị Nga cũng bất ngờ vì mình còn trẻ đã mang bệnh. Chị cho biết mẹ mình cũng mắc bệnh loãng xương nhưng bà đã ngoài 70 tuổi.
Trường hợp bà chị Bùi Thị Tuyết (56 tuổi, trú tại Long Biên, Hà Nội) được đưa vào bệnh viện cấp cứu vì gãy xương. Khi bác sĩ kiểm tra mới biết bà Tuyết bị giòn xương, xương xốp, rỗ như tổ ong.
Bà Tuyết cho biết, thi thoảng đau nhức xương khớp nên nghĩ do thoái hóa.
TS BS. Cao Thanh Ngọc - Trưởng khoa Nội cơ xương khớp BV Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết, loãng xương là kết quả từ sự mất cân bằng giữa quá trình tạo xương và quá trình hủy xương, trong đó quá trình hủy xương chiếm ưu thế.
Trên thế giới hiện có khoảng 500 triệu người bị loãng xương, ở Việt Nam là khoảng 3,6 triệu người. Nhưng con số này được dự báo sẽ tăng cao trong khoảng thời gian tới và để lại nhiều gánh nặng cho chăm sóc và điều trị.
Nguyên nhân gây loãng xương được chia làm hai nhóm - nguyên phát và thứ phát. Trong đó, loãng xương nguyên phát là những yếu tố không thay đổi được như di truyền, tiền sử gãy xương sau tuổi 30 hoặc giới tính.
Loãng xương thứ phát gồm các nguyên nhân cụ thể như bệnh lý (cường giáp, cường cận giáp, suy thận,…), thuốc điều trị bệnh (corticoid), lối sống kém lành mạnh (hút thuốc lá, nghiện rượu bia, hay té ngã),...
Tỷ lệ người làm công việc ít vận động, ít ra ngoài trời ngày càng nhiều, thói quen lười vận động, tập luyện thể dục thể thao của người dân cũng góp phần làm tốc độ loãng xương gia tăng.
Hình ảnh xương xốp, giòn do loãng xương. |
Đáng lưu ý là hiện nay, cả người trẻ lẫn người lớn tuổi, đang có tình trạng lạm dụng thuốc, đặc biệt các thuốc chứa corticoid, để điều trị giảm đau xương khớp và một số bệnh lý, dẫn đến nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng, trong đó có loãng xương và gãy xương.
Theo ThS BS. Nguyễn Châu Tuấn - Khoa Nội cơ xương khớp BV Đại học Y Dược TP.HCM, loãng xương là căn bệnh diễn tiến thầm lặng, không có triệu chứng đặc trưng. Chỉ khi mật độ xương giảm nặng dẫn đến những cơn đau dai dẳng hoặc các biến chứng của gãy xương như biến dạng xương, đau cột sống do gãy lún đốt sống và các thay đổi như giảm chiều cao, gù,… thì người bệnh mới nhận ra.
Gãy xương do loãng xương thường xuất hiện ở các vị trí xương xốp và chịu lực như xương cột sống (cột sống ngực và cột sống thắt lưng), xương vùng hông (cổ xương đùi, liên mấu chuyển) và xương cẳng tay.
Đây cũng là nguyên nhân gây ra những cơn đau mãn tính, gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống, mất chức năng và phụ thuộc vào người khác, để lại nhiều gánh nặng cho việc chăm sóc và điều trị, cũng như làm tăng nguy cơ tử vong của người bệnh.
Theo TS BS. Cao Thanh Ngọc, phụ nữ trên 65 tuổi hoặc nam giới trên 70 tuổi, nữ giới mãn kinh, nam giới từ 50 – 69 tuổi có yếu tố nguy cơ loãng xương, người trên 50 tuổi từng bị gãy xương... cần tiến hành đo mật độ xương sớm để tầm soát và đánh giá loãng xương.
Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được chỉ định kết hợp song song giữa phương pháp dùng thuốc và không dùng thuốc (thực hành vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, bổ sung dinh dưỡng...).
ThS BS. Nguyễn Châu Tuấn chia sẻ thêm, để đạt được hiệu quả điều trị tối đa cũng như phòng ngừa các biến chứng, người bệnh loãng xương cần phối hợp các biện pháp dùng thuốc và không dùng thuốc. Trong đó, cần phải sử dụng thuốc theo đúng hướng dẫn của các bác sĩ.
Ngoài ra, cần xây dựng chế độ dinh dưỡng khoa học, duy trì thói quen vận động cơ thể để tăng sức bền, khả năng giữ thăng bằng và tránh hút thuốc lá, sử dụng rượu bia.
K.Chi