Bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe
Các chỉ tiêu này gồm: Tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020; Giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020; Tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50% vào năm 2020; Giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020.
Đối với chỉ tiêu 1, tỷ số giới tính khi sinh không vượt quá 115 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái vào năm 2020. Tỷ số giới tính khi sinh năm 2016 là 113 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái (tăng 0,2 điểm phần trăm so với năm 2015).
Mặc dù tỷ số có tăng so với các năm trước đây song vẫn trong tầm kiểm soát và đang đạt chỉ tiêu. Mặt khác, trong năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh giai đoạn 2016 - 2025” với mục tiêu khống chế có hiệu quả tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh thông qua các giải pháp về truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi đối với công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, ban hành các chính sách khuyến khích, hỗ trợ và nâng cao hiệu lực thi hành những quy định của pháp luật về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.
Chính phủ dự báo chỉ tiêu này có khả năng đạt vào năm 2020. Tuy nhiên, một số vấn đề cần quan tâm trong thực hiện chỉ tiêu này gồm: Mặc dù Bộ Y tế đã quy định các cơ sở y tế, phòng khám không được tiến hành siêu âm công bố giới tính thai nhi dưới mọi hình thức nhằm tránh hậu quả của việc lựa chọn giới tính, nhưng thực tế một bộ phận không nhỏ các cơ sở phòng khám tư nhân vẫn cố tình lách luật bằng nhiều cách thức.
Theo thống kê, có hơn 50% số tỉnh, thành phố có tỷ số giới tính khi sinh năm sau cao hơn năm trước. Trong năm 2017, tỷ số giới tính khi sinh tại một số địa phương đang có chiều hướng gia tăng mạnh như tại Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên... Đặc biệt, tại một số huyện ngoại thành Hà Nội, tỷ số này đang ở mức báo động đỏ như Ứng Hòa (132,6 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái), Mê Linh (127 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái)...
Đối với chỉ tiêu thứ 2 về giảm tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản xuống 52/100.000 trẻ đẻ sống vào năm 2020, năm 2016, ước tính tỷ số tử vong mẹ ở mức khoảng 58/100.000 trẻ sơ sinh sống (giảm 0,3/100.000 so với năm 2015 và giảm 1/100.000 so với năm 2014). Năm 2017 chưa có đầy đủ số liệu để đánh giá chính thức việc thực hiện chỉ tiêu này. Tuy nhiên, dự báo chỉ tiêu này có khả năng hoàn thành vào năm 2020.
Mặc dù tỷ số tử vong mẹ giảm trong 3 năm liên tiếp, tuy nhiên thực tế tỷ số tử vong mẹ cao gấp 3-4 lần số tính toán theo báo cáo thống kê. Tỷ số tử vong mẹ ở miền núi cao khoảng gấp đôi so với con số toàn quốc và gấp khoảng 3 lần so với tử vong mẹ tại các vùng đồng bằng.
Đối với chỉ tiêu thứ 3 về tăng tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con lên 50% vào năm 2020, theo báo cáo của Chính phủ, công tác dự phòng lây truyền từ mẹ sang con hiện đang được triển khai trên địa bàn toàn quốc với những định hướng mới đối với các can thiệp về phòng lây truyền từ mẹ sang con.
Năm 2016, tỷ lệ phụ nữ mang thai được điều trị dự phòng giúp giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con đạt 55,7%, tỷ lệ trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được làm xét nghiệm HIV trong vòng 02 tháng sau sinh đạt 48,4%, ước tính tỷ lệ trẻ nhiễm HIV sinh ra từ mẹ nhiễm HIV trong vòng 12 tháng qua là 12,4%. Như vậy, chỉ tiêu này đã đạt và vượt so với chỉ tiêu đặt ra vào năm 2020.
Chỉ tiêu cuối cùng là giảm tỷ lệ phá thai xuống 25/100 trẻ đẻ sống vào năm 2020, tỷ số ca phá thai của toàn quốc ước tính năm 2016 là 14/100 ca đẻ sống (giảm 2% so với năm 2015). Kết quả 9 tháng đầu năm 2016 toàn quốc có 173.504 trường hợp phá thai trên tổng số 1.104.559 trẻ đẻ sống chiếm tỷ lệ 15,6% (giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2015). Như vậy, theo số liệu thống kê, chỉ tiêu này đã đạt và vượt kế hoạch đến năm 2020.
Mặc dù tỷ lệ này khá thấp so với yêu cầu đề ra của Chiến lược, tuy nhiên thực tế cho thấy tình trạng phá thai quá phạm vi cho phép, phá thai chui vẫn diễn ra khá phổ biến ở các cơ sở y tế tư nhân.
Theo thống kê tỷ lệ phá thai của người chưa thành niên trên tổng số ca phá thai toàn quốc năm 2016 là 2%. Tuy nhiên, đây là những con số được thống kê từ hệ thống y tế công, chưa thống kê được tỷ lệ này ở các cơ sở y tế tư nhân.
Đây là nội dung mà Chính phủ đã chỉ đạo ngành y tế và các địa phương cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm.